Điển hình dân vận khéo > Bí thư Đảng ủy xã làm tốt công tác dân vận

Bí thư Đảng ủy xã làm tốt công tác dân vận

19/11/2018


Năm 1986 người con gái Phạm Thị Vân tạm biệt quê lúa Thái Bình lên Tây Nguyên lập nghiệp. Trải qua nhiều cương vị công tác, đến tháng 10 năm 2009, chị vinh dự được chọn là 1 trong 6 đồng chí trên địa bàn toàn tỉnh làm mô hình điểm Bí thư đảng ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã (xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa). Việc nước, việc nhà trĩu nặng trên đôi vai người phụ nữ ấy. Không phụ lòng tin của Đảng, của nhân dân, gần 10 năm qua, chị luôn đi đầu và thực sự trở thành “Nữ tướng” trong các phong trào thi đua yêu nước. Tất cả đều bắt đầu từ việc làm tốt công tác vận động quần chúng.
Nhớ lại những năm tháng khó khăn ấy, chị không khỏi bồi hồi. Khi đó, xã Ia Rbol mới được chia tách. Gần 100% dân số toàn xã là người đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, đời sống của bà con chủ yếu dựa vào nông nghiệp, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết nên rất bấp bênh, nhiều hộ lâm vào cảnh thiếu đói khi giáp hạt. Hệ thống đường giao thông liên thôn xuống cấp trầm trọng, chủ yếu là đường đất, rất lầy lội vào mùa mưa. Các ngôi nhà sàn trong làng hầu hết làm bằng tranh tre, nứa lá, đa phần đã dột nát. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã lên đến hơn 35%; học sinh bỏ học nhiều vì thiếu trường, thiếu lớp, các cháu phải đi học xa. Tình hình an ninh trật tự có những vụ việc phức tạp. Toàn xã lúc này chỉ mới có 25 đảng viên với 06 chi bộ, một số thôn còn trắng đảng viên.
Trước thực tế đó, chị luôn tâm niệm lời dạy của Bác: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” và quyết tâm lấy việc làm tốt công tác dân vận để giải bài toán khó này.
Đầu tiên, chị xác định: Phải xây dựng được một hệ thống đường giao thông nông thôn hoàn thiện để làm nền tảng phát triển các lĩnh vực kinh tế, xã hội trên địa bàn. Toàn xã có 12km đường giao thông nông thôn thì chỉ có 400m đã được bê tông hóa, còn lại là đường đất lầy lội. Tranh thủ các nguồn vốn của Nhà nước, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, chị cùng hệ thống chính trị của xã gõ cửa từng nhà dân để phân tích, tuyên truyền, vận động chỉ rõ những lợi ích của việc làm đường giao thông nông thôn. Lúc đầu nhiều người chưa hiểu còn phản đối quyết liệt khi con đường đi qua diện tích đất của mình. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, chị đã tranh thủ gặp gỡ các già làng, người có uy tín trong thôn để có được sự ủng hộ. Nhờ vậy, chị đã huy động người dân góp hàng ngàn công, hàng trăm mét khối cát, sỏi xây dựng, nhiều hộ dân còn tình nguyện hiến đất, giải tỏa hàng rào để làm đường. Kết quả  đến nay 100% đường giao thôn trong xã đã được bê tông hóa. Vì vậy việc vận chuyển nông sản, đi lại của người dân trở nên thuận lợi, con đường đến trường của các cháu cũng như gần hơn.
Lúc bấy giờ toàn xã có đến 124 ngôi nhà tạm bợ. Đứng trước những ngôi nhà tranh tre dột nát của người dân, chị không khỏi xót xa. Khi Chính phủ ban hành Chương trình 167, 67 về hỗ trợ nhà ở cho người nghèo và cải tạo nhà dột nát, chị rất phấn khởi. Không quản ngại đêm tối, chị xuống tận thôn tổ chức các buổi họp dân để tuyên truyền, vận động người dân phát huy truyền thống tương thân tương ái của người Jrai để giúp nhau đổi công, cho mượn vật liệu xây dựng, mượn tiền xoay vòng... Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự đoàn kết trong nhân dân, 97 căn nhà khang trang lần lượt mọc lên, bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc.
Xuất thân từ miền quê năm tấn Thái Bình, chị luôn trăn trở khi thấy bà con người Jrai chỉ quen với tập quán canh tác lạc hậu, năng suất cây trồng thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Với tâm huyết làm thế nào để đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trong sản xuất cho người dân, chị chủ động liên hệ với các cơ quan chuyên môn, tìm hiểu các mô hình kinh tế có hiệu quả ở các địa phương khác và xem thông tin trên báo, đài để tuyên truyền, vận động nhân dân trong xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phù hợp với thực tế địa phương, điển hình như các mô hình nuôi dê bách thảo, bò lai Zêbu, sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, vận động bà con chuyển từ canh tác lúa 1 vụ sang canh tác 2-3 vụ/năm. Bên cạnh đó, chị còn chỉ đạo cán bộ trong hệ thống chính trị vận động lao động chưa có việc làm theo học các lớp học nghề, vận dụng linh hoạt các nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình để lồng ghép trong công tác xóa đói, giảm nghèo... Từ đó, đời sống của nhân dân một cách cải thiện một cách rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35% (năm 2009) đến năm 2017 chỉ còn 11,1%.
Khi Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai trên địa bàn xã, chị rất lo lắng vì sau rà soát, xã Ia Rbol mới đạt 4/19 tiêu chí. Xác định đây là một nhiệm vụ chính trị phải quyết tâm thực hiện nhưng lại vướng trở ngại là tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước trong một bộ phận người dân. Xác định cán bộ, đảng viên phải đi trước để nhân dân noi theo, chị đã tuyên truyền, vận động chính cán bộ trong hệ thống chính trị của xã, thôn hiến đất để làm nhà sinh hoạt cộng đồng, mở rộng đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học... điển hình như các ông Ksor Jan (Chủ tịch Mặt trận xã), Nay Bim (Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã), Ksor Brí (Phó bí thư Chi bộ Bôn Krăi)... từ đó phong trào hiến đất để xây dựng các thiết chế cộng đồng lan rộng ra người dân, xuất hiện hàng loạt tấm gương như ông Nay Khơng, Nay Hoai, Nay Pen, Nay Thuih... với diện tích đất được hiến lên đến hàng ngàn mét vuông. Nhờ đó đã góp phần giúp xã Ia Rbol đạt 14/19 tiêu chí, phấn đấu đến cuối năm 2018 sẽ trở thành xã nông thôn mới.
Bên cạnh các vấn đề phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội cũng rất được chị quan tâm. Từ bao đời nay trong các thôn làng, phong tục lạc hậu đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân nơi đây, khi ốm đau bà con thường để người bệnh ở nhà mời thầy cúng đến cúng bái. Để thay đổi tập tục này không hề dễ dàng. Chị đã cùng với cán bộ trong hệ thống chính trị đến gõ cửa từng nhà để vận động đưa người ốm ra trạm xá, bệnh viện. Với sự đầu tư của Nhà nước, hiện nay cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế của xã được đầu tư làm nền tảng thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Quan trọng nhất đã thay đổi được tập tục lạc hậu, tạo thói quen cho người dân tìm đến các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước khi người dân bị đau ốm.
Để giải quyết những vụ việc phức tạp về an ninh nông thôn như trộm cắp, tranh chấp đất đai, khiếu kiện, mâu thuẫn gia đình... Chị đã chỉ đạo lựa chọn những người có uy tín, nhiệt tình với phong trào để thành lập các tổ tự quản, tổ hòa giải ở tất cả các thôn. Từ đó góp phần giữ vững ổn định an ninh trật tự, làm tốt công tác hòa giải, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân ngay từ dưới thôn, không để xảy ra vụ việc phức tạp, khiếu kiện kéo dài. Hàng năm xã Ia Rbol đều được công nhận là xã loại I về an ninh trật tự.
 Công tác xây dựng hệ thống chính trị cũng được chị đặc biệt quan tâm, nhất là công tác phát triển đảng viên ở thôn, làng. Chị cùng với cấp ủy Đảng làm tốt công tác tuyên truyền và tạo mọi điều kiện để các quần chúng ưu tú có cơ hội phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Từ một xã chỉ có 25 đảng viên và 06 chi bộ ghép, đến nay Đảng bộ xã đã có một lực lượng đảng viên hùng hậu với 117 đảng viên của 11 chi bộ, trên địa bàn xã không còn chi bộ ghép, 100% chi bộ thôn, làng đều có chi ủy làm nòng cốt lãnh đạo các phong trào thi đua yêu nước.
Là nữ cán bộ, thời gian, khối lượng, áp lực công việc nặng nề, song chị luôn sắp xếp một cách khoa học, hài hòa giữa công việc xã hội và gia đình để giữ gia đình hạnh phúc và nuôi dạy các con nên người. Ngoài giờ lo cho công việc của xã, chị dành thời gian để chăm sóc 0,6 ha lúa nước, 05 ha mía, mỗi năm xuất chuồng hàng tấn heo hơi, kinh tế gia đình rất ổn định.
Với sự tận tụy, tâm huyết, hết lòng với công việc của chị, nhiều năm liền Đảng bộ xã Ia Rbol được công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh, chính quyền và nhân dân xã được hai lần nhận cờ thi đua của Ủy ban nhân dân tỉnh. Cá nhân chị liên tục được công nhận là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, “chiến sỹ thi đua cơ sở” và nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp. Đặc biệt vừa qua, chị Phạm Thị Vân đã vinh dự được chọn là một trong những đại biểu của tỉnh Gia Lai, tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018) tại Thủ đô Hà Nội. Đây thực sự là một tấm gương “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, thực hiện tốt Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
 
Dương Thị Hường
 
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com