Điển hình dân vận khéo > "Cánh chim đầu đàn" của làng Chư Kó

"Cánh chim đầu đàn" của làng Chư Kó

24/02/2021


“Cán bộ nói 10 câu không bằng cụ Siu Kim nói 2 câu”-ông Nguyễn Văn Lâm-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Púch (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) nhận xét về vị già làng Chư Kó.
 
 

Gương mẫu đi đầu
 
Năm 1975, ông Siu Kim là cán bộ Ngân hàng Nhà nước. Năm 1994, ông được bầu làm Chủ tịch HĐND xã Ia Púch. 6 năm sau, ông được bầu làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã. Sau 10 năm ở vị trí này, từ năm 2010 đến 2015, ông là Chủ tịch UBND xã. Năm 2016, ông nghỉ hưu và được bầu làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã. Năm 2020, ông được tín nhiệm bầu làm già làng.
 
Làng Chư Kó có 200 hộ dân, trong đó có khoảng 80% là người dân tộc thiểu số. Người dân nơi đây chủ yếu trồng điều, trung bình mỗi hộ có khoảng 2-3 ha. Một số hộ có trồng lúa và cà phê, nhưng do thường xuyên thiếu nước tưới nên năng suất không cao.
 
Nhận thấy việc trồng lúa nước sẽ đem lại hiệu quả cao hơn, năm 2005, ông Kim tiên phong trồng 3 sào lúa nước 2 vụ. Kết quả năng suất lúa đạt khá cao. Ông Siu Tek cho biết: “Trước kia, nhà tôi thường xuyên thiếu gạo ăn. Sau khi học theo ông Siu Kim trồng lúa nước thì nay không còn thiếu gạo ăn nữa. Nhiều người học theo già làng lắm!”. 
 
Ông Kim chia sẻ kinh nghiệm: “Mặc dù mình có kiến thức và cùng là người dân tộc thiểu số, nhưng không phải cứ nói là dân làng nghe theo. Với những cái mới, nếu chỉ tuyên truyền suông thì sẽ không hiệu quả. Đơn cử như việc trồng lúa nước, mình phải làm trước, bà con thấy được kết quả tốt mới làm theo. Trước kia, gần như 100% là hộ nghèo thì nay cả làng chỉ còn khoảng 15 hộ”.
 
Không chỉ trồng lúa nước mà dưới sự vận động của ông Kim, người dân làng Chư Kó đã biết trồng thêm cây ăn quả. Nhờ đó, đời sống làng Chư Kó từng ngày thay da đổi thịt. 75% số hộ có nhà xây kiên cố.
 
“Mưa dầm thấm lâu”
 
Theo già làng Siu Kim, đối với người dân tộc thiểu số thì không thể cứng nhắc trong việc áp dụng luật pháp. Theo tập tục của người địa phương, khi sinh con thì sinh ngay tại nhà nên có trường hợp biến cố hậu sản. Bằng sự nhẫn nại trong tuyên truyền, giải thích, thuyết phục của già làng, người dân đã từng bước nâng cao nhận thức, chủ động tới Trạm Y tế xã để sinh đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con. 
 
Tương tự, để hạn chế tảo hôn, ông Kim đã phải tập hợp người già, con trai hoặc những người có uy tín trong dòng họ lại để tuyên truyền riêng. Sau đó, họ về truyền đạt lại cho người thân. Song song với việc răn đe lấy nhau khi chưa đủ tuổi là vi phạm pháp luật, ông còn kiên trì giải thích, thuyết phục người dân rằng tuổi nhỏ, sinh con sẽ không khỏe mạnh, lại ảnh hưởng tới sức khỏe... “Mưa dầm thấm lâu, thời gian gần đây, số trường hợp tảo hôn đã giảm nhiều rồi”-ông Kim phấn khởi. 
 
Trò chuyện cùng P.V, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Púch nhận xét: “Không chỉ là “bóng cả” của làng Chư Kó mà ông Siu Kim còn góp ý chân thành với đội ngũ cán bộ lãnh đạo của xã trong vấn đề quản lý, điều hành. Có khi chúng tôi nói 10 câu không bằng già làng nói 2 câu. Chúng tôi thực sự rất cần có những người như ông Kim”. 
 
Nguồn Báo Gia Lai, ngày 24/02/2021
 
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com