Điển hình dân vận khéo > Trưởng thôn A Yó "miệng nói tay làm"

Trưởng thôn A Yó "miệng nói tay làm"

30/11/2020


Hơn 13 năm là Trưởng thôn, ông A Yó (thôn Piơm, thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) nhận được sự tin yêu của bà con dân làng bởi tinh thần trách nhiệm, luôn đặt lợi ích cộng đồng lên hàng đầu. Ông cũng dành nhiều tâm huyết giúp thôn Piơm trở thành điểm sáng gìn giữ không gian văn hóa cồng chiêng.
Nói cho dân hiểu

Dù đã bước sang tuổi 60 nhưng ngày ngày, ông A Yó vẫn đều đặn lên rẫy làm lụng và đảm nhiệm công việc của Trưởng thôn. Trò chuyện với chúng tôi, ông rút ra một xấp giấy rồi nói: “Đây là bản quy ước mà bà con vừa thống nhất, bên này là sổ sách ghi chép thu, chi các loại quỹ, còn đây là biên bản hòa giải các vụ việc trong thôn… Phải rõ ràng như vậy để khi cần là có ngay, đặc biệt là sổ sách liên quan đến tiền bạc của mọi người phải chi tiết, rõ ràng, minh bạch”.
 
Bản quy ước của thôn Piơm mỗi năm bà con lại bổ sung, điều chỉnh. Ngoài đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường, tổ chức cưới hỏi, ma chay tiết kiệm, quy ước còn quy định cụ thể khi nhà nào có người chết, mỗi hộ trong thôn góp 50.000 đồng giúp gia đình lo hậu sự.
 
Lật trang sổ ghi quỹ, Trưởng thôn Piơm chia sẻ: “Ý kiến này được bà con đồng thuận cao. Khi trong làng có người mất, mỗi nhà tự giác đến tổ trưởng nộp tiền, các tổ tổng hợp đủ sẽ chuyển về trưởng thôn sau đó đến trao cho gia đình làm tang lễ”.

Hầu hết tuyến đường giao thông nội thôn Piơm đã được đổ bê tông hoặc thảm nhựa, giúp bà con đi lại thuận lợi. Kết quả này một phần cũng nhờ công sức của ông A Yó. Còn nhớ, khi mới sáp nhập làng Klok và làng Piơm, người làng này không đồng ý góp tiền làm đường cho làng kia. Ban Nhân dân thôn họp vận động “Nhà nước và nhân dân cùng làm” họ cũng không chịu.
 
“Mỗi lần họp, tôi đều ra sức vận động, nói rằng số tiền vài ba triệu đồng ăn xài cũng hết, mọi người dành để làm đường thì đi lại thuận tiện, con cháu mình còn được hưởng. Dần dần, bà con hiểu ra và đều đồng tình”-ông A Yó kể lại.

Năm 2018, tuyến đường nối thị trấn Đak Đoa đến xã A Dơk (huyện Đak Đoa) đi qua khu đất trồng trọt của bà con trong thôn Piơm được khởi công. Huyện áp mức bồi thường thu hồi đất làm đường theo quy định nhưng nhiều gia đình vẫn không chịu. Ông A Yó lại đến từng nhà nói với mọi người không phải là cứ có nhiều đất là giàu. Có nhà kinh doanh trong khoảng vài mét vuông vẫn có của ăn của để, có người chỉ vài sào đất nhưng cây trồng cho năng suất cao, thu nhập vẫn tốt, nhưng lại có người sở hữu vài héc ta vẫn nghèo. Đất góp vào làm đường thì bà con đi lại thuận lợi hơn, gần hơn.
 
Những lời nói giản dị, gần gũi nhưng có lý có tình ấy dần thay đổi suy nghĩ của bà con, để sau đó, ai cũng đồng ý chấp nhận bồi thường để làm đường. Cũng nhờ tài ăn nói ấy mà ông A Yó là 1 trong 3 thành viên Tổ hòa giải của thôn, thường xuyên “gỡ rối” các vụ cãi cọ giữa vợ chồng, tranh chấp đất đai, tài sản giữa trong nhân dân. Vụ việc nào cũng được giải quyết ổn thỏa, các bên đều vui vẻ, đồng tình.

Góp sức gìn giữ truyền thống

Thôn Piơm từ lâu được coi là “hạt nhân” gìn giữ văn hóa truyền thống, đặc biệt là cồng chiêng. Thôn có 1 bộ cồng chiêng chung sử dụng đã lâu nên bị hư hỏng. “Dân làng còn nghèo nên tôi đi xin thêm kinh phí mua được bộ chiêng mới với giá 37 triệu đồng. Lúc đó, UBND thị trấn Đak Đoa hỗ trợ 5 triệu đồng, Quỹ Tín dụng nhân dân thị trấn hỗ trợ 10 triệu đồng, phần còn lại bà con đóng góp”-ông A Yó cho hay. Có bộ chiêng mới, bà con phấn khởi vì lễ cúng lớn nhỏ của làng hay các gia đình, các hội diễn, hội thi trong xã, ngoài huyện đều được chủ động.
 
Ông A Yó không chỉ nổi tiếng với tài đánh chiêng mà còn chơi thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc như trưng, kní… và biết chế tác đàn goong. Ông cũng là người gầy dựng 2 đội chiêng của làng: đội chiêng người lớn và 1 đội chiêng thanh thiếu nhi. Không những thế, ông còn cùng một số người già trong thôn tỉ mỉ truyền dạy từng nhịp, từng bài cho đến cách đi đứng, biểu diễn. Ông A Yó chia sẻ: “Sau này, lớp lớn truyền lại cho lớp nhỏ. Có những thanh thiếu nhi tự biết dàn dựng tiết mục biểu diễn cồng chiêng hay hòa tấu nhạc cụ, tự sáng tác lời dựa trên làn điệu có sẵn”.
 
Nhờ sự truyền dạy tận tình ấy mà mạch nguồn văn hóa cồng chiêng cứ âm thầm chảy mãi qua các thế hệ người Bahnar trong thôn. Trong các hội thi, hội diễn cấp huyện, cấp tỉnh, Piơm luôn đạt giải cao. Trước đây, đội chiêng của làng Piơm (bây giờ là thôn Piơm) từng được tỉnh chọn đại diện tham dự Festival Cồng chiêng Quốc tế tại Gia Lai, Ngày hội Văn hóa các dân tộc tại Hà Nội, lễ hội Ok-om-bok (còn gọi là lễ Cúng trăng) tại tỉnh Sóc Trăng… Mới đây nhất, đội cồng chiêng của thôn đạt giải nhì tại Ngày hội Văn hóa-Thể thao các dân tộc thiểu số kết hợp du lịch đồi cỏ hồng và phiên chợ nông sản huyện Đak Đoa lần thứ IV năm 2020.
 
Ông Têy-Đội trưởng Đội cồng chiêng thôn Piơm-cho hay: “Ông A Yó yêu cồng chiêng lắm. Ông xin tiền mua chiêng mới, cổ vũ và cùng mọi người tập luyện. Đội chiêng của làng biểu diễn ở đâu ông cũng đến xem. Việc gì trong thôn ông cũng đi đầu nên ai cũng tin tưởng, yêu quý”.
 

Sự tận tụy, nhiệt huyết của ông A Yó được các cấp, các ngành ghi nhận, biểu dương bằng nhiều hình thức khen thưởng. Ông từng được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vì đã có thành tích trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhân hội nghị tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc lần thứ II năm 2013; bằng khen của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng thôn, làng, tổ dân phố vững mạnh năm 2016.
 
 
Nguồn Báo Gia Lai, ngày 30/11/2020
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com