Điển hình dân vận khéo > Đinh Văn Chiêm "Thủ lĩnh" Bahnar ở làng Jrai

Đinh Văn Chiêm "Thủ lĩnh" Bahnar ở làng Jrai

02/05/2020


Là người dân tộc Bahnar nhưng lại được cộng đồng người Jrai ở làng Vơn (xã Yang Nam, huyện Kông Chro) tín nhiệm bầu làm già làng, 10 năm qua, ông Đinh Văn Chiêm đã không phụ lòng tin yêu của người dân. 
Già làng đặc biệt
 
Trong căn nhà sàn khang trang, rộng rãi ngay đầu làng, ông Chiêm cho hay: Ông sinh năm 1958 tại làng Rơng (xã Yang Nam), lấy vợ làng Vơn và sinh sống ở đây từ năm 1980. Giai đoạn 1971-1975, ông tham gia dân quân, du kích. Sau đó, ông gia nhập Đội Thanh niên xung kích làm nhiệm vụ tại các công trình thủy lợi. Sau giải phóng, ông được cử đi học hệ vừa học vừa làm, đến năm 1981 thì vào làm phát thanh viên tiếng dân tộc Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai-Kon Tum. Vì đường sá xa xôi, phương tiện đi lại khó khăn, năm 1987, ông xin chuyển về công tác tại UBND xã Yang Nam. “Do nói được 3 ngôn ngữ gồm tiếng phổ thông, Bahnar và Jrai nên trong thời gian công tác tại xã hầu như ngày nào tôi cũng được cử đi theo đoàn công tác của xã xuống các thôn, làng tuyên truyền, vận động nhân dân. Đặc biệt, chúng tôi đã vận động được hàng trăm hộ dân các làng Glung, Tpôn 1, Tpôn 2 xóa bỏ tập tục du canh du cư, tập trung về làm nhà dọc tuyến đường liên xã và yên tâm lao động sản xuất, ổn định đời sống như hiện nay”-ông Chiêm nhớ lại. 
 
Năm 2004, ông Chiêm được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã Yang Nam và công tác đến năm 2008 thì nghỉ hưu. Không vướng bận việc Nhà nước, lại am hiểu phong tục tập quán nên ông Chiêm tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ hủ tục, nạn mê tín dị đoan.
 
 Trưởng thôn Ksor H’Nhơn cho biết: Làng Vơn có 105 hộ, người dân tộc Jrai chiếm trên 90%. Nhờ sự tuyên truyền, vận động của ông Chiêm mà ý thức người dân được nâng lên, các hủ tục thách cưới, phạt vạ, nạn tảo hôn, tổ chức ăn uống dài ngày khi có đám cưới, đám tang… giảm hẳn. Ngoài ra, ông Chiêm còn giúp các gia đình chính sách làm thủ tục để hưởng chế độ chính sách; tích cực vận động nhân dân thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. “Với sự nhiệt tình đóng góp cho cộng đồng dân cư, năm 2010, ông Đinh Văn Chiêm được bà con tín nhiệm bầu làm già làng”-ông H’Nhơn cho biết thêm.
 
 Phát huy vai trò “thủ lĩnh”
 
Chúng tôi theo chân ông Chiêm dạo một vòng quanh làng Vơn. Khung cảnh làng quê thật yên bình, những tuyến đường bê tông thẳng tắp dẫn đến từng ngôi nhà sàn vững chãi được bao bọc bởi hàng rào, cổng ngõ. Chỉ tay về phía cây cầu bắc qua suối Puar, ông Chiêm chia sẻ: “Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cầu nối đôi bờ để làng không còn bị chia cắt vào mùa mưa. Cuối năm 2019, cây cầu hoàn thành đưa vào sử dụng. Đường đến cầu chỉ là một lối đi nhỏ, giáp với đất của gia đình ông Siu Luênh. Để mở rộng con đường, tôi đã đến nhà ông Luênh vận động gia đình hiến đất. Sau nhiều ngày thuyết phục, gia đình ông Luênh đã tự nguyện hiến 1.000 m2 đất, nhờ đó việc đi lại, giao thương của bà con được thuận lợi, ai cũng phấn khởi”. Ngoài ra, ông Chiêm còn vận động gia đình ông Siu Jơh hiến 1 sào đất để làm nhà sinh hoạt cộng đồng; vận động các hộ dân trong thôn hiến hơn 2.000 m2 đất và hàng trăm ngày công làm đường giao thông nông thôn, riêng gia đình ông hiến hơn 1.000 m2 đất. Nhiều năm qua, ông còn vận động người dân tham gia đóng góp đầy đủ Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ Khuyến học, Quỹ Hội Người cao tuổi... 
 
Trên cương vị “thủ lĩnh”, ông Chiêm cũng phối hợp với các hội đoàn thể, trưởng thôn vận động nhân dân nghiêm túc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Trong năm 2019, ông đã hòa giải thành công 3 vụ mâu thuẫn và nhiều vụ xích mích, cãi cọ, thậm chí đánh nhau. Điển hình là vụ ông Hoàng Văn Danh nghi ngờ anh Siu Suin chém bò của gia đình nên kêu em trai đánh anh Suin. Sau khi ngành chức năng giải quyết về mặt pháp luật, ông Chiêm đã phối hợp với Trưởng thôn tổ chức họp dân. Tại buổi họp, sau khi nghe già làng phân tích phải trái, ông Danh đã nhận sai, đồng thời bồi thường cho anh Suin 3 triệu đồng tiền viện phí. Sau buổi hòa giải, hai bên bắt tay nhau sống hòa thuận. “Từ đầu năm đến nay, trong làng chỉ xảy ra 1 vụ mâu thuẫn do uống rượu. Tới đây, tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con, nhất là thanh-thiếu niên hạn chế rượu chè, chuyên tâm lao động sản xuất”-ông Chiêm nói.
 
 Nói đi đôi với làm, ông Chiêm còn là tấm gương sáng trong sản xuất. Hiện ông nuôi 20 con bò, canh tác 5 sào lúa và gần 3 ha mì, thu về mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Nói về nguồn thu này, ông cười hiền: “Con cái đều đã lập gia đình, đi làm Nhà nước. Vợ chồng tôi còn khỏe, còn trồng trọt, chăn nuôi được thì làm thôi, trước phục vụ cho mình, sau dư dả giúp đỡ bà con”.
 
Nguồn Báo Gia Lai, ngày 2/5/2020
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com