Quy chế dân chủ ở cơ sở > Một số kết quả, kinh nghiệm thực hiện dân chủ ở xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đak Đoa

Một số kết quả, kinh nghiệm thực hiện dân chủ ở xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đak Đoa

05/01/2018


        Nhận thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDC), thời gian qua, Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy Đak Đoa đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện QCDC ở các loại hình, nhất là ở xã, thị trấn, qua đó, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của huyện.

           Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy và sự đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn của Ban chỉ đạo thực hiện QCDC cơ sở huyện, Đảng uỷ, UBND các xã, thị trấn đã chú trọng triển khai Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) “về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở”, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Pháp lệnh 34/2007 PL-UBTVQH 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “về thực hiện dân chủ ở xã phường, thị trấn” nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, gắn việc thực hiện quy chế dân chủ với việc phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính và việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua yêu nước; tăng cường đoàn kết, đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng lãng phí; chống các luận điệu kích động, chia rẽ, gây mất ổn định chính trị, an ninh trật tự trên địa bàn; tập trung đánh giá quy trình cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, những khó khăn, vướng mắc và việc giải quyết những bức xúc của người dân; tập trung khảo sát các khoản kinh phí, mức đóng góp của người dân tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; công tác triển khai, quy trình bình xét hộ nghèo; việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm mua bảo hiểm y tế; hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo trên địa bàn...
         Thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở xã, thị trấn, nhân dân tham gia giám sát các hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch trên địa bàn, tiếp công dân... như: Quy hoạch chung thị trấn Đak Đoa, trung tâm xã Hà Bầu; điều chỉnh quy hoạch cục bộ Trung tâm hành chính xã H’Nol, trung tâm hành chính xã Hải Yang, khu dân cư Nguyễn Trãi, thị trấn Đak Đoa; quy hoạch chi tiết khu hành chính mới của huyện và dân cư thị trấn Đak Đoa, quy hoạch điều chỉnh nông thôn mới xã Ia Băng, xã ADơk, quy hoạch chợ kết hợp với khu dân cư xã Trang, điều chỉnh cục bộ Trung tâm hành chính xã Trang, quy hoạch chợ đầu mối và khu công nghiệp huyện... Duy tu, sửa chữa đường Hàm Rồng đi xã Ia Tiêm đoạn qua xã Ia Băng; đường nội thị thị trấn Đak Đoa, đường liên xã từ Ia Băng đi Ia Pết, đường giao thông làng Nú đi làng Bông xã Hà Bầu, đường liên xã Đak Sơmei - Hà Đông và đường từ Quốc lộ 19 đi xã Kon Gang; làm mới 3,35 km đường giao thông nông thôn tại xã HNeng và thị trấn Đak Đoa; lấy kiến nhân dân việc Hợp tác xã chăn nuôi, đánh bắt thủy hải sản Đak Đoa đánh bắt cá tại lòng hồ thủy điện Đak Đoa; vận động, hướng dẫn các hộ kinh doanh cá thể thành lập mới 21 doanh nghiêp, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn huyện lên 101 doanh nghiệp (kể cả đơn vị sự nghiệp có thu, HTX)... Vận động được 42 hộ dân làng Đê Pral, Đê Sơmei, xã Đak Sơmei hiến 23.700,7 m2  đất để làm thủy lợi căn cứ hậu cần Đak Sơmei; nhân dân lựa chọn và tham gia đóng góp kinh phí xây dựng các công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với kinh phí trên 3,5 tỷ đồng...
          Các xã, thị trấn đã thành lập Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở theo quy định để thực hiện việc giám sát các hoạt động trong quá trình thực hiện công việc ở cơ sở; củng số, kiện toàn được 561 tổ tự quản ở khu dân cư. 17/17 xã, thị trấn triển khai việc thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa”, niêm yết đầy đủ, rõ ràng các quy định về thủ tục giấy tờ trong hồ sơ từng loại công việc, phí, lệ phí, những công việc sẽ giải quyết ngay và công việc ghi giấy hẹn thời hạn giải quyết và trả kết quả. Các xã, thị trấn tiếp nhận 99 đơn thư khiếu nại, tố cáo; số đơn thuộc thẩm quyền giải quyết 98 đơn; số đơn đã giải quyết là 77 đơn. Nội dung khiếu nại, kiến nghị xoay quanh việc tranh chấp đất đai giữa các cá nhân; xác định ranh giới đất, ô nhiễm môi trường, xây dựng nhà trên đất quy hoạch, mâu thuẫn gia đình…
          Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện dân chủ ở xã,  thị trấn cũng còn một số khó khăn, vướng mắc, như: Cấp ủy, chính quyền ở một số đơn vị chưa quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho Ban chỉ đạo thực hiện QCDC cơ sở, Ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng phát huy chức năng, nhiệm vụ, nên hiệu quả thực hiện QCDC ở cơ sở chưa cao; công tác kiểm tra, đôn đốc chưa được quan tâm đúng mức. Hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện QCDC cơ sở ở xã, thị trấn còn hạn chế trong việc phát huy vai trò, nhiệm vụ của từng thành viên Ban chỉ đạo, một số thành viên còn chưa rõ vai trò, trách nhiệm của mình. Việc triển khai thực hiện công tác đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn với nhân dân trên địa bàn về xử lý, giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc, đặc biệt khi có những việc phức tạp nảy sinh tại cơ sở tuy có thực hiện nhưng còn ít.
            Qua thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn huyện, rút ra một số kinh nghiệm sau:
          Một là, nắm vững các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, không ngừng nâng cao nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ ở cơ sở. Các ngành, các cấp tổ chức thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến nhân dân về xây dựng các chủ trương, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích trực tiếp của nhân dân; tích cực thực hành dân chủ, tạo nề nếp và những chuyển biển mới, tích cực ở cơ sở.
          Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc trực tiếp chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ; góp phần nâng cao hiệu quả công tác tổ chức và cán bộ, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ; công khai các hoạt động quản lý, điều hành; nâng cao tinh thần, trách nhiệm thực hành dân chủ của đội ngũ cán bộ, công chức; từng bước ngăn chặn tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí ở cơ sở. Nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đối thoại tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
         Ba là, tăng cường sự phối hợp hoạt động giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị về chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và đánh giá kết quả việc thực hiện QCDC ở cơ sở, mở ra các cơ chế vận hành đồng bộ, thống nhất trong triển khai thực hiện của từng tổ chức, trong quản lý, điều hành của chính quyền. Phát huy dân chủ ở cơ sở gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở cơ sở; khen thưởng và động viên kịp thời, tạo phong trào sâu rộng, có hiệu quả ở từng loại hình cơ sở.
           Bốn là, phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban chỉ đạo thực hiện QCDC cở các cơ quan, đơn vị và các cấp; nâng cao chất lượng tham mưu cho cấp ủy, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các đoàn thể nhân dân trong xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong Ban chỉ đạo, tiếp tục phân công theo dõi và trực tiếp giúp đỡ cơ sở; kịp thời củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo; sửa đổi, bổ sung quy chế, kinh phí hoạt động,...
          Năm là, phát huy dân chủ gắn với kỷ cương pháp luật, xử lý nghiêm minh đối với các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Gắn xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở với xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng.

Minh Đăng

|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com