Quy chế dân chủ ở cơ sở > Một số kết quả, kinh nghiệm trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn huyện Chư Sê

Một số kết quả, kinh nghiệm trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn huyện Chư Sê

02/07/2019


Nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Chư Sê đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Quán triệt và triển khai Chỉ thị 07-CT/TU của Tỉnh ủy (khóa XIII) “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong tình hình mới” và các văn bản chỉ đạo của trung ương, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/HU, ngày 09/10/2008 về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện QCDC ở cơ sở trong tình hình mới” và Thông tri số 05-TT/HU, ngày 15/3/2016 về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở”. Trên cơ sở đó các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai tổ chức thực hiện QCDC, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo, coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn.
Những nội dung công khai hóa theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân giám sát” được chính quyền địa phương lãnh đạo triển khai khá nghiêm túc, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh. Việc công khai dân chủ trong thực hiện một số chế độ, chính sách của Nhà nước về về xóa đói, giảm nghèo; các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, chương trình, mục tiêu xây dựng nông thôn mới; các khoản đóng góp, phí, lệ phí; việc xây dựng quy ước làng, thôn, khu phố văn hóa đều được công khai thông qua các hình thức như: qua hệ thống truyền thanh, các cuộc họp thôn, làng, tổ dân phố, các cuộc tiếp xúc cử tri, thông qua cán bộ tuyên truyền, niêm yết tại trụ sở UBND các xã, thị trấn.
Đối với những việc nhân dân bàn và quyết định trực tiếp như: mức đóng góp xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, đường giao thông liên thôn, bình chọn các đối tượng được hưởng chính sách xã hội, hộ nghèo, xây dựng các công trình phúc lợi liên quan trực tiếp đến người dân…các xã, thị trấn đều chỉ đạo tổ chức họp dân để bàn bạc, thống nhất. Thông qua việc bàn và quyết định trực tiếp, đã huy động được khối lượng lớn về nhân lực, vật lực để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng ở thôn, làng, tổ dân phố; thực hiện việc đền ơn, đáp nghĩa, giảm nghèo ở địa phương. Đặc biệt, nhiều xã, thị trấn đã tổ chức cho nhân dân bàn bạc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc như: chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa, đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”… được nhân dân tích cực tham gia. Nhờ vậy, trong hơn 10 năm qua, đã vận động nhân dân đóng góp được 5.588 triệu đồng, hàng chục ngàn m2 đất cùng hàng ngàn ngày công để tham gia xây dựng nông thôn mới, ủng hộ các hoạt động từ thiện, nhân đạo, xóa đói, giảm nghèo… Tiêu biểu là các xã: Ia Blang, Ia Pal, Bờ Ngooong, Ia Glai, AlBá, Thị trấn Chư Sê, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Đến cuối năm 2018, đã có 9/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng thường xuyên được củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả trong việc giám sát, nhất là trong giám sát các công trình đầu tư cộng đồng do nhân dân đóng góp, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với hộ nghèo, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu, chi quyết toán các khoản đóng góp của nhân dân. Hiện nay, 15/15 xã, thị trấn có Ban Thanh tra nhân dân với 105 thành viên, 15/15 Ban giám sát đầu tư của cộng đồng với 139 thành viên; thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, quyền giám sát, khiếu nại, tố cáo của nhân dân được thực hiện và phát huy.
Thực hiện QCDC được gắn với công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách chủ tịch Hồ Chí Minh; việc thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị và Quyết định 553, 554 của Tỉnh ủy đã tạo điều kiện để nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và giám sát cán bộ, đảng viên; được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm đóng góp ý kiến và đồng tình ủng hộ, điều này đã có tác động thúc đẩy công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Qua việc triển khai thực hiện QCDC ở xã, thị trấn đã có tác động rõ rệt trong hoạt động của chính quyền cơ sở, tác phong, lề lối làm việc, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức có chuyển biến tích cực theo hướng gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân.
Qua thực tiễn thực hiện QCDC ở huyện Chư Sê những năm qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là: Có sự lãnh đạo thường xuyên của cấp ủy Đảng, sự tích cực thực hiện của chính quyền và sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về tầm quan trọng thực hiện QCDC ở cơ sở; coi trọng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu. Địa phương, đơn vị nào người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền nhận thức đầy đủ, sâu sắc, lãnh đạo, chỉ đạo một cách đồng bộ, quyết liệt thì ở đó QCDC được triển khai thực hiện có kết quả.
Hai là: Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về dân chủ ở cơ sở và thực hành dân chủ. Phải tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện; phải coi trọng việc cụ thể hóa, việc tổ chức thực hiện trong từng lĩnh vực của các cấp chính quyền; đề cao vai trò vận động, thuyết phục, giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
Ba là: Phải gắn việc thực hiện dân chủ với thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; công khai, minh bạch các quy định, quy trình, cơ chế, chính sách; tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời những bức xúc của người dân; chấn chỉnh phong cách, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức.
Bốn là: Công tác cán bộ giữ vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả của việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Thực tiễn cho thấy, nơi nào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực trình độ, phẩm chất đạo đức tốt, thực sự vì dân thì ở nơi đó QCDC được thực hiện một cách tự giác, nghiêm túc, đạt hiệu quả thực sự. Ngược lại, nơi nào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức kém phẩm chất, năng lực, trình độ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, mất đoàn kết nội bộ, thì việc triển khai thực hiện dân chủ kém hiệu quả, hoặc thực hiện hình thức, đối phó.
Năm là: Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện QCDC ở cơ sở; quan tâm củng cố kiện toàn Ban chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên; kịp thời sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, đồng thời phê bình, kiểm điểm những tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, thực hiện chưa tốt.
 
Đình Thoại
 
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com