Quy chế dân chủ ở cơ sở > Thực trạng và giải pháp thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở ở huyện Đức Cơ

Thực trạng và giải pháp thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở ở huyện Đức Cơ

18/11/2017


Việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa không chỉ là một trong những nội dung thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa mà còn là quy luật hình thành, phát triển và tự hoàn thiện của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa.

          Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm đưa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trở thành quy định của Nhà nước, để thực hiện thường xuyên ở cơ sở, nơi hàng ngày diễn ra các hoạt động cuộc sống lao động của các tầng lớp nhân dân.
           Trong những năm qua, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn huyện Đức Cơ đã  được cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở quan tâm triển khai thực hiện ngày càng có hiệu quả. Ban chỉ đạo từ huyện đến cơ sở thường xuyên củng cố, kiện toàn; xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện có nhiều tiến bộ. Đặc biệt, sau khi Bộ chính trị ban hành Quyết định 217-QĐ/TW, ngày 12/12/ 2013 về việc ban hành quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết đinh 218-QĐ/TW ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Ban chỉ đạo đã tham mưu cho Ban Thường vụ ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn và tổ chức cho đồng chí Bí thư huyện ủy đối thoại trực tiếp với cán bộ, nhân dân xã Ia Din đã cho thấy, đây thực sự là một diễn đàn nhân dân và nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Người dân đã bày tỏ suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của mình một cách dân chủ, thẳng thắn trước những vấn đề bức xúc, lo lắng trong xã hội và liên quan đến lợi ích chính đáng của nhân dân.
           Việc thực hiện quy chế dân chủ được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội triển khai thực hiện sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và tầng lớp nhân dân, xem đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, từ đó đã làm chuyển biến tích cực về nhận thức của các tổ chức trong hệ thống chính trị và nhân dân về quy chế dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở khắc phục tình trạng hành chính, mệnh lệnh, quan liêu, xa rời dân; chú trọng hơn đến việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, xây dựng kế hoạch khắc phục khuyết điểm với tinh thần trách nhiệm cao; nhân dân tích cực tham gia góp ý kiến trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng - an ninh và hăng hái tham gia các phong trào thi đua do địa phương phát động đạt kết quả cao; nhiều đơn, thư khiếu nại, tranh chấp vướng mắc trong nhân dân được giải quyết ổn thoả, kịp thời, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo không khí cởi mở trong cộng đồng các dân tộc, góp phần quan trọng vào việc ổn định chính trị xã hội trên địa bàn.
Các nội dung liên quan đến thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được cụ thể hóa vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nhiệm vụ công tác. Trên cơ sở, tổ chức việc lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương hàng năm đã tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân nói chung và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nói riêng thực hiện và phát huy quyền làm chủ của mình trong tham gia góp ý xây dựng đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp ngày càng trong sạch, vững mạnh.
          MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã nghiêm túc triển khai việc thực quy chế dân chủ thông qua các hoạt động giám sát, kiểm tra. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được chỉ đạo quyết liệt, giải quyết ngay tại cơ sở gắn với công tác thanh tra, kiểm tra để xác minh, làm rõ, hạn chế việc khiếu kiện bức xúc, khiếu kiện vượt cấp, đông người. Qua đó, vai trò của Mặt trận và các đoàn thể tiếp tục được củng cố và phát huy.
           Việc thực hiện Quy chế dân chủ được thực hiện công khai, minh bạch trong các hoạt động, đặc biệt là trong quản lý và sử dụng tài sản, tài chính công, trong thi đua, khen thưởng và trong công tác cán bộ; triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, chấn chỉnh lề lối làm việc, tác phong phục vụ, từ đó góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của huyện và các địa phương. Mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, huy động được sức mạnh trí tuệ của tập thể, tạo cơ sở, tiền đề thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội...
            Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong thời gian qua vẫn còn tồn tại, hạn chế đó là: Một số cấp ủy Đảng, chính quyền cán bộ lãnh đạo chủ chốt của địa phương, đơn vị chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ thường xuyên, nhất là việc xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Bên cạnh đó, có những địa phương có địa bàn rộng, trình độ dân trí của một bộ phận người dân đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, ít tham dự các cuộc họp do thôn, làng, MTTQ và các đoàn thể tổ chức, nên chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ, chưa hiểu hết nội dung, mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Bản thân người dân chưa nhận thức được việc thực hiện QCDC ở cơ sở vừa là quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm trên địa bàn mình sinh sống, do đó, dẫn đến QCDC còn bị vi phạm ở nhiều nơi. Cán bộ CNVC-LĐ chưa mạnh dạn góp ý, phê bình với lãnh đạo, thủ trưởng đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ. Các cơ quan hành chính sự nghiệp chưa kịp thời củng cố Ban chỉ đạo, chưa kịp thời bổ sung quy chế hoạt động; còn lúng túng nhất là đối với chi bộ ghép.
           Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa quy chế dân chủ ở cơ sở, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đồng thời là biện pháp cơ bản, hữu hiệu để phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí, xa rời dân; các giải pháp thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở trong thời gian tới cần tập trung một số nội dung trọng tâm sau:
         1- Tiếp tục đẩy mạnh công tác quán triệt Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính Trị và Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, các nghị định của Chính phủ đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân
- Chú trọng phát huy vai trò MTTQ và các đoàn thể trong công tác tuyên truyền vận động, coi đó là một nhiệm vụ thường xuyên để nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viện và quần chúng nhân dân về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Mở rộng, phát huy quyền làm chủ của mình đi đôi với kỷ cương, trật tự, chống quan liêu tham nhũng, chống tình trạng lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật.
         - Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân về các chủ trương của Đảng, các văn bản về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đặc biệt quan tâm tuyên truyền phổ biến Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, Nghị định 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ gắn với việc xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị của của cơ quan, đơn vị.
         - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những chủ trương của Đảng và Nhà nước; kịp thời biểu dương những mô hình, kinh nghiệm hay về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
           2- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc thực hiện Quy chế dân chủ gắn với việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở
            - Các cấp ủy Đảng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện QCDC ở các loại hình là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
           - Cán bộ, đảng viên, cần phải xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân để xây dựng chương trình kế hoạch tổ chức tốt việc thực hiện Quy chế dân chủ gắn với nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị, phát huy ý thức dân chủ trong nội bộ và dân chủ với nhân dân.
          - Kịp thời khen thưởng, biểu dương cá nhân, đơn vị, quần chúng đã thực hiện tốt Quy chế dân chủ. Qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý và điều hành của Chính quyền; đổi mới phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể.
           3- Đẩy mạnh xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện cải cách hành chính và đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí
            - UBND huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính ở các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị đúng quy định, đảm bảo nhanh, kịp thời, không gây phiền hà cho nhân dân, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, các chế độ chính sách, các khoản đóng góp thu - chi, nhất là các chính sách liên quan thiết thực đến đời sống nhân dân.
           Chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc tổ chức tiếp dân, giải quyết các khiếu nại tố cáo của công dân, giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại tố cáo, hạn chế thấp nhất đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài, khiếu kiện vượt cấp. Tăng cường tiếp xúc đối thoại trực tiếp đối với nhân dân, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể, các tổ hòa giải ở cơ sở trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân.
            - HĐND chủ trì phối hợp với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong việc giám sát, tham gia ý kiến đóng góp với cấp ủy Đảng, chính quyền về thực hiện Quy chế dân chủ ở địa phương, cơ quan, đơn vị, trong đó MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cần phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm trong việc tham gia giám sát cán bộ công chức. Xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI).
             4- Tăng cường giám sát, kiểm tra và bồi dưỡng kiến thức về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ
          - Hàng năm, cấp ủy chi bộ tổ chức lấy ý kiến của quần chúng đối với tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Công khai kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của đảng viên, tổ chức cơ sở đảng. Qua đó, tạo điều kiện cho cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, ban ngành, đảng viên và cán bộ công chức phát huy dân chủ, thể hiện thái độ, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ và đấu tranh ngăn ngừa vi phạm tham nhũng, quan liêu, lãng phí.
          - Thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng. Đồng thời, xây dựng quy chế làm việc cụ thể để nâng cao trách nhiệm hiệu quả hoạt động tốt hơn.
              5- Tăng cường các hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ huyện
             - Tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc, phân công thành viên phụ trách địa bàn, lĩnh vực cho từng thành viên Ban chỉ đạo. Hàng năm, xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể, tổ chức sơ, tổng kết, giới thiệu kinh nghiệm về thực hiện Quy chế dân chủ ở địa phương, đơn vị cơ sở.
            - Hàng năm, xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trên tất cả các loại hình. Trên cơ sở đó đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nhằm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng, an ninh của địa phương, đơn vị
 Nguyễn Sanh, Ban Dân vận Huyện ủy Đức Cơ
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com