Phong trào thi đua > Các phong trào thi đua khác > Căn cứ địa cách mạng khu 10, xã Krong, huyện Kbang, "địa chỉ đỏ" khơi dậy niềm tự hào dân tộc

Căn cứ địa cách mạng khu 10, xã Krong, huyện Kbang, "địa chỉ đỏ" khơi dậy niềm tự hào dân tộc

22/07/2019


Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định đầu tư xây dựng khu căn cứ cách mạng của tỉnh tại xã Krong, huyện Kbang, công trình này được khởi công xây dựng vào ngày 17 tháng 3 năm 2017 và khánh thành đi vào hoạt động vào ngày 19 tháng 5 năm 2018, với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng từ vốn ngân sách của địa phương và sự đóng góp của các tổ chức và doanh nghiệp. Các hạng mục của công trình được xây dựng mô phỏng dựa trên các hạng mục có tại khu căn cứ cách mạng từ thời kháng chiến chống Mỹ, gồm có lán Bí thư, lán Phó bí thư, lán Văn phòng đánh máy, lán Cơ yếu, lán Bảo vệ, nhà Bia, nhà Tưởng niệm và bếp Hoàng Cầm.
Khu căn cứ địa xã Krong, huyện Kbang là vùng căn cứ địa cách mạng của tỉnh Gia Lai, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đây là nơi đứng chân của Tỉnh ủy Gia Lai suốt 20 năm (1955-1975), nơi chứng kiến những quyết sách sáng tạo, đúng đắn, lãnh đạo quân và Gia Lai đi đến thắng lợi cuối cùng. Không chỉ có địa thế hiểm trở, Krong còn luôn là hậu phương vững chắc, phục vụ kháng chiến. Chính nơi đây trong một thời gian dài đồng bào các dân tộc đã tích cực tham gia cách mạng, đoàn kết một lòng một dạ theo Đảng, Bác Hồ làm công tác bảo vệ, chở che, nuôi giấu các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Trung ương, cùng bộ đội hoạt động tại đây.
Sở dĩ khu vực này được gọi là căn cứ địa, căn cứ địa là vùng được lựa chọn để làm bàn đạp phát triển, xây dựng phong trào cách mạng ra vùng rộng lớn hơn, căn cứ địa phải có khả năng tạo ra các yếu tố về kinh tế, chính trị, văn hoá, quân sự cho cuộc cách mạng, một căn cứ địa vững chắc thì phải đảm bảo được được các yếu tố về thiên thời, địa lợi và nhân hoà; ở Gia Lai thì từ sau năm 1954, tỉnh có chủ trương xây dựng một căn cứ địa vững chắc để đứng chân và Krong được lựa chọn, đây chính là nơi đã hội tụ các yếu tố: Thứ nhất, về địa lợi Krong có một địa thế rất hiểm trở, lưng dựa vào dãy núi Kon Ka King và được bao bọc xung quanh bởi các dãy núi như là Bok Cam, Gbang và Mơ Tơ Rin đây cũng là nơi hội tụ của các con sông, dòng suối lớn nhỏ đổ về đầu nguồn con sông Ba, thuận lợi cho cả việc nuôi quân và đánh giặc; Thứ hai, về nhân tố con người Krong trước thuộc xã Bơ Nâm, huyện An Khê, Bơ Nâm vốn là căn cứ cũ có từ thời chống Pháp ở đây chủ yếu là người Ba Na sinh sống, một số làng đã có cán bộ kháng chiến, có đảng viên, có tinh thần yêu nước theo Đảng, theo Bác Hồ.
Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2001, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức khảo sát một số địa điểm tại khu căn cứ xưa và đã khảo sát được tổng cộng 5 địa địa điểm. Địa điểm đầu tiên, chính là nơi đứng chân của cơ quan Tỉnh ủy, trong suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ nơi đây đã chứng kiến những quyết sách, những chiến lược, sách lược đúng đắn để đưa cuộc cách mạng của chúng ta đi đến thắng lợi, di tích này nằm bên bờ Tây của Đak Kơ Bưm và trên diện tích 01 ha thuộc tiểu khu 813 do Lâm trường Krông Pa quản lý, khu này khi tiến hành khảo sát, lập hồ sơ di tích thì còn dấu vết căn hầm làm việc của đồng chí Trần văn Bình (Chi ủy viên Khu V, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia lai) và bếp Hoàng Cầm hình chữ (L); Địa điểm thứ hai, đó chính là thị trấn Dân Chủ, cách 6km so với cơ quan Tỉnh ủy, để chuẩn bị cho việc ký kết hiệp định Pari, tỉnh có chủ trương thành lập một thị trấn ngay tại trung tâm của khu căn cứ, đầu năm 1973 thị trấn Dân Chủ ra đời, có rất nhiều cuộc thảo luận xoay quanh cái tên để đặt cho thị trấn như “Dân Chủ” hoặc “Cao Bằng”, Cao Bằng là tỉnh phía Bắc kết nghĩa với tỉnh Gia Lai trong kháng chiến, mong muốn có một xã hội tốt đẹp “dân chủ”, “công bằng” như ở miền Bắc và cái tên “Dân Chủ” là mong muốn có một xã hội “Dân chủ”, “Công bằng” ngay tại lòng miền Nam kháng chiến và cuối cùng cái tên “Dân Chủ” được lựa chọn để đặt cho Thị trấn. Thị trấn “Dân Chủ” ra đời với 70 nóc nhà tranh tre, lứa mọc dọc hai bên đường. Ngay tại trung tâm của Thị trấn còn có cơ quan Đảng, đồn Công an, Cửa hàng mậu dịch và cư dân của Thị trấn là 20 hộ người kinh được bộ đội ta giải phóng từ các Dinh Điền phía Tây của tỉnh, thị trấn này ra đời góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ và nhân dân vùng căn cứ, thị trấn tồn tại từ năm 1973 đến năm 1979; Địa điểm thứ ba, đó chính là hai trạm Giao Bưu (trạm Giao Bưu B2 và B3), trạm Giao Bưu B2 còn gọi là “trạm Phục”, trạm Giao Bưu B3 gọi là “trạm Cắt” (cán bộ và nhân dân trong vùng gọi tên hai trạm Giao Bưu này theo tên của hai đồng chí trạm Trưởng trong nhiều năm). Trạm Phục nằm ở một địa hình rất lợi hại dưới sườn núi giữa hai dãy núi là Boc Cam và Kong Sơr Lăk, bên bờ của suối Đak Kơ Tia, dấu tích của di tích này hầu như vẫn giữ được nguyên vẹn. Trạm giao lưu B3 khi khảo sát, lập hồ sơ di tích dấu vết còn lại bếp Hoàng Cầm hình chữ chi và chiếc cầu Yang Mây cũ không sử dụng được (chiếc cầu này được làm vào mùa khô năm 1971). Địa điểm thứ tư, đó chính là cánh đồng “Ban kinh tài”, khi cuộc sống tại thị trấn Dân Chủ có mức phát triển, tỉnh chủ trương thành lập “Ban kinh tài” để giải quyết các vấn đề về tài chính và kinh tế, Ban kinh tài được thành lập từ một tổ chức hành chính quản trị của Tỉnh ủy (Tỉnh ủy có rất nhiều Ban như Ban Sản xuất, Giao thông, Mậu dịch…). Cánh đồng Ban kinh tài được khai phá rộng khoảng 20 ha để trồng lương thực cung cấp tại vùng căn cứ và vận chuyển ra chiến trường; Địa điểm thứ 5 đó chính là, cơ quan Tỉnh đội, cơ quan tỉnh đội ra đời năm 1960 do đồng chí Kpah Thìn làm Tỉnh đội Trưởng, trong khu vực còn có trường Quân giới của tỉnh, trường Quân giới Quân khu 5 và một số cơ quan quân sự khác.
Khu căn cứ địa Krong chính là “địa chỉ đỏ” lưu giữ những giá trị lịch sử hào hùng của các nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chúng ta tự hào và biết ơn đồng bào các dân tộc nơi đây và các đồng chí lão thành cách mạng đã đóng góp công sức, hy sinh xương máu góp phần đưa đất nước được độc lập, nhân dân được tự do, ấm no và hạnh phúc. Đây chính là điểm đến, điểm về nguồn để tổ chức các lớp học ngoại khoá, các buổi lễ tri ân các anh hùng liệt sỹ, tìm hiểu những năm tháng hào hùng của dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, nhớ nguồn của dân tộc ta.

 
Danh Xuân
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com