Phong trào thi đua > Các phong trào thi đua khác > Kết quả 10 năm thực hiện hong trào thi đua "Dân vận khéo" trên địa bàn tỉnh

Kết quả 10 năm thực hiện hong trào thi đua "Dân vận khéo" trên địa bàn tỉnh

27/10/2019


Thực hiện Kế hoạch số 70-KH/BDVTW, ngày 26 tháng 02 năm 2009 của Ban Dân vận Trung ương và các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”,  Ban Dân vận Tỉnh ủy kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện phù hợp vời đặc điểm tình hình của tỉnh. Qua 10 năm triên khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, thể hiện:
Trên lĩnh vực phát triển kinh tế
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên lĩnh vực phát triển kinh tế được quan tâm đẩy mạnh, tập trung hướng về cơ sở, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng; từng bước đổi mới cách thức sản xuất, kinh doanh, chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng trang trại, gia trại, cánh đồng lớn, liên doanh, liên kết, trao đổi, giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, kinh nghiệm, phát triển ngành nghề, làng nghề thu hút lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Đồng thời, các địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện các dự án đầu tư, kết hợp hài hòa giữa vận động với lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.
Qua triển khai, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả, như: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt chủ trương “Xóa 01 hộ đói, giảm 01 hộ nghèo”, đã giúp 14 hộ thoát nghèo bền vững, hiện đang giúp 43 hộ thoát nghèo. Mô hình “Gắn kết hộ người kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số” của Binh đoàn 15 được triển khai hiệu quả , đến nay có  3.927 cặp hộ gắn kết. Bộ đội Biên phòng tỉnh với Mô hình “Trình diễn lúa nước” tại Đồn Biên phòng Ia Mơ, đến nay đã nhân rộng được 125 hộ/75,6 ha. Hội Nông dân các cấp trong trong tỉnh vận động xây dựng quỹ hội được trên 28 tỷ đồng, cho 1.700 hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Từ phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; “Bốn đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”, Đoàn Thanh niên các cấp huy động trên 30 tỷ đồng để xây dựng các công trình, phần việc thanh niên. Bên cạnh đó, Hội Cựu chiến binh các cấp thành lập 17 câu lạc bộ “Cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi” với 947 hội viên, có vốn gần 2 tỷ đồng, toàn hội có 30 doanh nghiệp, 1.300 trang trại, gia trại và 08 hợp tác xã do cựu chiến binh làm chủ.
Thực hiện cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã thành lập 98 câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm từ 5 đến 10 triệu đồng” số tiền tiết kiệm được trên 3 tỷ đồng; xây dựng mô hình “Mỗi hộ có 01 vườn rau xanh và cây ăn trái”, đến nay 100% cấp hội đã thực hiện với số tiền trên 95 tỷ đồng giúp cho 22.134 hội viên vay trên 88 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, toàn tỉnh đã xây dựng mới 52 mô hình, duy trì 159 mô hình và nhân rộng 80 mô hình hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số nghèo áp dụng khoa học và kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó, đã xuất hiện hàng trăm gương cá nhân điển hình về phát triển kinh tế, có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Các điển hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới đã mang lại những động lực gắn với cuộc sống, lợi ích thiết thực của người dân, được nhân dân hưởng ứng, tạo bước chuyển biến tích cực, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, xuất hiện nhiều mô hình vận động nhân dân đóng góp tiền, ngày công, hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn, hiện nay có 60/184 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Mô hình xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân; có sự giúp đỡ tích cực của các đơn vị quân đội, huy động được sự tham gia của toàn xã hội. Năm 2018 có 14 làng đạt chuẩn các tiêu chí theo quy định thuộc 10 huyện, thị xã. Năm 2019, có 69 làng, thuộc 64 xã, thị trấn của các huyện, thị xã, thành phố đăng ký đạt chuẩn làng nông thôn mới năm 2019.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội
Đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia xây dựng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc; xây dựng gia đình, cơ quan, đơn vị, khu dân cư văn hóa, dần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, văn minh đô thị; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao diễn ra hết sức sôi nổi.
Các hoạt động “Dân vận khéo” được triển khai đã thu hút nhiều thành phần, lứa tuổi tham gia, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, trách nhiệm của cộng đồng dân cư, tiêu biểu như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh triển khai cuộc vận động “Qũy vì người nghèo” thu được trên 72 tỷ đồng, xây mới 1.952 căn nhà đại đoàn kết, sửa chữa 419 căn, hỗ trợ sửa chữa nhà theo chương trình 167 được 257 căn. Triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nay là phong trào  “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, toàn tỉnh có 1.650 khu dân cư văn hóa (đạt 76,35%), 264.693 gia đình văn hóa (đạt 76,19%). Từ Chương trình “Mái ấm Công đoàn”, các cấp công đoàn đã vận động đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động ủng hộ trên 3,6 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng mới 190 căn nhà, sửa chữa 49 nhà “Mái ấm Công đoàn”. Thực hiện cuộc vận động xây dựng “Quỹ nghĩa tình đồng đội”, Hội Cựu chiến binh các cấp đã vận động hội viên ủng hộ trên 5 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa 450 ngôi nhà cho cựu chiến binh. Triển khai Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2020”, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã tổ chức 47 cuộc truyền thông cho 9.967 hội viên, phụ nữ, học sinh; toàn tỉnh thành lập 14 câu lạc bộ “Nói không với nạn tảo hôn – hôn nhân cận huyết thống”, “Nói không với nạn tự tử”, có 398 chị em tham gia. Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh, đến nay có 121 “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch, xây dựng nông thôn mới”, với 8.898 hội viên tham gia. Đoàn Thanh niên các cấp triển khai nhiều hoạt động, như: “Xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng” thu hút gần 400 nghìn lượt đoàn viên, thanh niên hưởng ứng; khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho gần 22 nghìn lượt thanh thiếu nhi và nhân dân; trao tặng trên 10 nghìn suất quà với tổng giá trị trên 5 tỷ đồng; vận động gần 50 nghìn lượt đoàn viên, thanh niên đăng ký tham gia hiến máu tình nguyện và thu được trên 36 nghìn đơn vị máu. Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai tốt Chương trình “Nâng bước cho em đến trường”, giúp 50 em có hoàn cảnh khó khăn (trong đó có 04 học sinh của nước bạn Campuchia) với mức tiền 500.000 đồng/em/tháng.
Lĩnh vực quốc phòng, an ninh
Các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, nắm chắc tình hình nhân dân, xây dựng lực lượng cốt cán, kịp thời đề xuất xử lý có hiệu quả các vụ việc phức tạp ở cơ sở, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tự quản trong cộng đồng; tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân.
Tiêu biểu có các mô hình: “Hành quân dã ngoại làm công tác dân vận”,  “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội”, “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Cựu chiến binh gương mẫu”, mô hình “Tiếng kẻng an ninh”, “Tổ an ninh tự quản” , “Làng tự quản gắn với chốt an ninh trật tự”, “Trường học an toàn về an ninh trật tự”. Công an các cấp phối hợp xây dựng 2.134 tổ an ninh nhân dân, 1334 tổ tuần tra an ninh, 717 tổ hòa giải, 530 tổ tự quản về an ninh trật tự, 100 tổ dân phòng; xây dựng, duy trì 105 mô hình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tổ chức “Diễn đàn Công an xã lắng nghe ý kiến nhân dân” được 1.799 lượt, với 79.823 lượt người dân tham gia.
Lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị
Các cấp ủy đảng đã lãnh đạo triển khai thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, qua đó đã tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong toàn Đảng bộ. Cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cấp ủy các cấp thường xuyên quan tâm xây dựng sự đoàn kết, gương mẫu trong việc rèn luyện lập trường tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Tập trung giải quyết những vụ việc bức xúc nổi cộm; nói ít làm nhiều, làm đến đâu chắc đến đó. Thực hiện tốt công tác bố trí, sắp xếp, luân chuyển cán bộ đúng quy trình, dân chủ, công khai; thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo chức danh và vị trí việc làm; xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân không ngừng được đổi mới; cơ quan hành chính nhà nước các cấp xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; xây dựng đạo đức công vụ, tăng cường tiếp dân, đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc, phức tạp trong nhân dân; mở rộng hình thức tiếp xúc cử tri, tăng đồng thuận, mở rộng dân chủ trong xã hội.
Thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12 tháng 12 năm 2013 của Bộ Chính trị. Hằng năm, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đề xuất nội dung, xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện báo cáo thường trực cấp ủy phê duyệt trước khi thực hiện. Đến nay, đã tổ chức 1.166 lượt đoàn giám sát tại các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn; 301 cuộc phản biện với 482 lượt văn bản dự thảo. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục được đổi mới theo phương châm hướng về cơ sở với nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, như: chủ trương “Hằng tuần có 04 ngày làm việc ở cơ quan, 01 ngày làm việc ở cơ sở”.
Cùng với đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tổ chức Hội thi “Dân vận khéo” toàn tỉnh vào các năm 2011 đến 2013. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng; thông qua hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng, nghiệp vụ về công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ trao đổi, học tập kinh nghiệm về phương pháp công tác dân vận trong tình hình mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” vẫn còn một số hạn chế, như: Một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu ở một số nơi chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phong trào; sự phối kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể ở một số nơi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Phong trào chưa được thực hiện ở đều khắp các tổ chức trong hệ thống chính trị, chưa đồng đều trên các lĩnh vực, các điển hình “Dân vận khéo” trong các cơ quan nhà nước, trong doanh nghiệp, xây dựng hệ thống chính trị còn ít; việc nhân rộng các mô hình, điển hình chưa đạt yêu cầu như mong muốn.
 
Nhằm tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên về công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”; xác định rõ công tác dân vận, phong trào thi đua “Dân vận khéo” là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng phong trào theo chức năng, nhiệm vụ của mình; phát huy sức mạnh và vai trò làm chủ của nhân dân, vận động nhân dân tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước.
Hai là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận; rà soát, xây dựng kế hoạch, quy trình cụ thể, phù hợp để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Dân vận khéo” theo Kế hoạch số 66-KH/TU, ngày 03/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào “Dân vận khéo” giai đoạn 2017 – 2020, gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Ba là, nội dung của phong trào thi đua “Dân vận khéo” cần phù hợp với thực tiễn, gắn với nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ quan, đơn vị và công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Bốn là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận theo hướng vì nhân dân, chăm lo đời sống mọi mặt của nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thực hiện chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, tiếp thu ý kiến phê bình, góp ý kiến xây dựng của nhân dân về công tác quản lý, điều hành; xây dựng và thực hiện phong cách“Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Quan tâm giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo và những vấn đề bức xúc của nhân dân ngay tại cơ sở.
Năm là, các cấp, các ngành phải định hướng, hướng dẫn, giúp đỡ xây dựng mô hình, điển hình trong hệ thống ngành, lĩnh vực và địa phương, cơ sở; thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có hiệu quả.
 
Văn Sỹ
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com