Phong trào thi đua > Các phong trào thi đua khác > Kết quả kinh nghiệm trong triển khai thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" của Bộ Chỉ huy Biên

Kết quả kinh nghiệm trong triển khai thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh

12/02/2020


Quán triệt sâu sắc các nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác dân vận, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các đơn vị thường xuyên làm tốt công tác giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ hiểu rõ vị trí, vai trò và ý nghĩa của việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, từ đó mỗi cán bộ, chiến sỹ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện công tác Dân vận với quan điểm“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. 

Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên làm tốt công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, các lực lượng tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, như: tuyên truyền tập trung, nhỏ lẽ, cá biệt và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân trên khu vực biên giới, từng bước loại bỏ những hủ tục lạc hậu, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
         
Chỉ đạo các đơn vị cơ sở chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các xã biên giới, triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố cơ sở chính trị, đẩy mạnh các hoạt động giúp dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững bằng nhiều mô hình, chương trình có hiệu quả như: Mô hình “Trình diễn lúa nước” tại địa bàn xã Ia Mơ: Trình diễn trồng lúa nước trên diện tích đất ruộng là: 5.483 m2, đến nay, đã nhân rộng ra 125 hộ dân canh tác lúa nước với diện tích khoảng 75,6 ha. Mô hình “Bếp ăn tình thương” tại địa bàn xã Ia Dom, huyện Đức Cơ: Duy trì bếp ăn cho 16 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn bằng nguồn kinh phí do cán bộ, chiến sĩ đơn vị đóng góp. Chương trình “Nâng bước em đến trường”: Hỗ trợ cho 50 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn biên giới (có 04 cháu là người Campuchia) với số tiền 500.000đ/cháu/tháng. Mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”: Hỗ trợ nuôi 11 cháu tại 08 đồn Biên phòng bằng tiền đóng góp của cán bộ, chiến sỹ trong bộ đội biên phòng tỉnh.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13/02/2018 của Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”, lực lượng bộ đội biên phòng đã tích cực triển khai các phần việc giúp làng Sơn, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, các đơn vị tham gia giúp dân hàng trăm ngày công, hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, làm chuồng trại gia súc, gia cầm… tặng 05 con bò trị giá 45 triệu đồng làm phương tiện sinh kế cho dân. Duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của 07 đồng chí cán bộ tăng cường các xã biên giới, 49 đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại 48 chi bộ thôn, làng; tham mưu cho huyện ủy 03 huyện biên giới chỉ đạo 48/48 chi bộ thôn, làng tổ chức đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2020-2022; phân công 216 đảng viên phụ trách 951 hộ dân.

Nhìn chung, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, công tác vận động quần chúng đã đạt được những kết quả khả quan, triển khai nhiều mô hình, chương trình hiệu quả, đã đem lại dấu ấn sâu sắc và nhân văn góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân các xã biên giới, giữ vững, tăng cường lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước; đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Qua triển khai thực hiện phòng trào thi đua “Dân vận khéo” và với những kết quả đạt được, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh rút ra bài học kinh nghiệm như sau:
         
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp, gắn phong trào thi đua "Dân vận khéo” cùng với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; thường xuyên giáo dục, quán triệt cho cán bộ chiến sỹ hiểu rõ vị trí, vai trò và ý nghĩa của việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
         
Thứ hai, Phong trào thi đua "Dân vận khéo”, xây dựng mô hình, điển hình "Dân vận khéo” phải có tiêu chí đánh giá cụ thể, có chương trình công tác, kế hoạch tổ chức hoạt động với phương châm khéo chọn việc, khéo tuyên truyền, khéo tổ chức thực hiện, sơ tổng kết, kịp thời để nhân rộng.
         
Thứ ba, lựa chọn, xây dựng và phát huy kinh nghiệm của đội ngũ già làng, thôn trưởng, người có uy tín trong công tác vận động quần chúng; tích cực bám nắm địa bàn, chính quyền địa phương.
 
Hải Hạnh
 
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com