Phong trào thi đua > Các phong trào thi đua khác > Triển khai thực hiện hong trào thi đua "Dân vận khéo" ở huyện Đak Đoa

Triển khai thực hiện hong trào thi đua "Dân vận khéo" ở huyện Đak Đoa

28/05/2019


Thấm nhuần lời dạy của Bác "Dân vận khéo thì làm việc gì cũng thành công", những năm qua, huyện Đak Đoa đã cụ thể hóa công tác dân vận với các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào hi đua “Dân vận khéo” và đạt được những kết quả quan trọng.
Huyện Đak Đoa có tổng diện tích đất tự nhiên là 98.866,02 ha, là đơn vị hành chính loại I. Huyện có 16 xã và 01 thị trấn với 133 thôn, làng, tổ dân phố (trong đó có 91 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số), có 06 xã thuộc khu vực I, 07 xã khu vực II và 04 xã đặc biệt khó khăn. Tổng dân số 26.269 hộ, với 124.295 khẩu, trong đó dân tộc Kinh 56.379 khẩu, người đồng bào dân tộc thiểu số 67.916 khẩu.
 Năm 2009, phong trào xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được phát động; Ban Dân vận Huyện ủy Đak Đoa được Ban Thường vụ Huyện ủy giao xây dựng kế hoạch triển khai, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống nhân dân, nhất là vùng nông thôn của huyện. Ban Dân vận đã phân công toàn thể cán bộ xuống cơ sở để nắm tình hình; trao đổi, bàn bạc với cấp ủy, chính quyền, khối dân vận cơ sở các xã để hướng dẫn, tìm tòi xây dựng các mô hình triển khai thực hiện. Sau khi có Kế hoạch số 66-KH/TU, ngày 03/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2017 - 2020, Ban Thường vụ Huyện ủy đã cụ thể hóa, ban hành Kế hoạch số 56-KH/HU, ngày 08/6/2017 về việc đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2017 - 2020 để chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính - trị xã hội, các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện; chỉ đạo Ban Dân vận Huyện ủy ban hành Hướng dẫn số 03-HD/DV, ngày 15/11/2017 về tiêu chí đánh giá và biểu dương, khen thưởng điển hình “Dân vận khéo”. Tập trung xây dựng các mô hình liên kết hộ sản xuất nông nghiệp với nhân dân các thôn, làng trên địa bàn huyện để phát triển sản xuất; việc tuyên truyền, vận động thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trong đó chú trọng nội dung là nâng cao ý thức, đạo đức, xây dựng mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, sống có tình người; những mô hình tốt góp phần phòng, chống biểu hiện suy thoái theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Trong những năm qua dưới sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp với các cơ quan ban, ngành Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội, phong trào Dân vận khéo thời gian qua đạt được nhiều kết quả trên từng lĩnh vực, cụ thể:
Trên lĩnh vực kinh tế
Việc triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” của huyện đã tập trung gắn với việc triển khai các đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của Nhà nước, tận dụng tối đa các nguồn vốn của tỉnh, huyện và các nguồn vốn huy động khác trong nhân dân để triển khai xây dựng các mô hình trong mọi lĩnh vực của đời sông. Năm 2018 - 2019, Vụ Đông xuân, toàn huyện gieo trồng được 2.569 ha/2.580 ha, bằng 99,6% kế hoạch; các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển bình thường, chưa phát hiện dịch bệnh; cây hồ tiêu thu hoạch được khoảng 80% diện tích, năng suất ước đạt 34 tạ/ha, giảm 05 tạ/ha so với năm trước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (đến ngày 11/3/2019) ước đạt 13.597 triệu đồng, bằng 23,4% so với nghị quyết, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Công tác phòng, chống hạn hán cho các loại cây trồng được quan tâm chỉ đạo thực hiện, hiện nay huyện đang khảo sát để xây dựng 04 công trình thủy lợi (Ia Môk, xã Ia Pết; Ia Ptâu, Ia Têng, Ia Yơk, xã Hà Bầu; Trà Trập, xã Nam Yang; hiện tại nguồn nước vẫn đảm bảo phục vụ tưới cây công nghiệp và cây ngắn ngày.
Qua việc triển khai phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo”, kết hợp với việc tập trung triển khai xây dựng và thực hiện có hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều cách làm hay, nhiều điển hình tiêu biểu đối với việc phát triển kinh tế hộ gia đình, kết hợp sản xuất và chăn nuôi đem lại nguồn lợi tăng thu nhập, nâng cao đời sống, đặc biệt là vận động người dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ mới nâng cao chất lượng, giá trị nông sản; chuyển đổi ngành nghề, thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số chủ động tham gia các lớp đào tạo nghề để tìm kiếm việc làm, thu nhập ổn định, phát triển kinh tế - góp phần giảm nghèo bền vững, củng cố niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, củng cố đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tổ chức triển khai xây dựng được nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, trong đó nổi bật nhất là các mô hình trong chương trình xây dựng nông thôn mới, như: vận động nhân dân hiến đất để làm đường giao thông nội thôn, nội đồng; vận động nhân dân tham gia đóng góp hàng ngàn ngày công để lắp đặt đường điện chiếu sáng liên xã, liên thôn; nâng cấp, sửa chữa nhà sinh hoạt cộng đồng, làm hàng rào tại trường học trên địa bàn. Năm 2019 huyện phân bổ kế hoạch vốn 15.420 triệu đồng từ nguồn ngân sách của Trung ương hỗ trợ cho các xã để triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2019; rà soát, đăng ký xây dựng xã Đak Krong đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 và tiếp tục chỉ đạo xây dựng xã Hải Yang đạt chuẩn nông thôn mới.
Các mô hình “Dân vận khéo” phát triển kinh tế phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và chức năng nhiệm vụ của đơn vị về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhiều mô hình được xuất hiện như  mô hình trồng cây ăn quả (cam, bưởi, mít, xoài) với quy mô 02 ha, tại 02 làng Đê Pral và Đê Sơ mei - Đak Sơmei; trồng cây dược liệu Đinh lăng với quy mô 04 ha tại xã Kon Gang; trình diễn giống lúa J02 năng suất, chất lượng cao quy mô thực hiện 04 ha tại xã Kon Gang; trồng rau xanh theo hướng hữu cơ quy mô thực hiện 04 ha tại xã Tân Bình (02 ha), Thị trấn (02 ha) ; tuyên truyền, vận động xây dựng “cánh đồng lớn” và mô hình kinh tế hợp tác sản xuất; mô hình giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; xây dựng thùng gạo tình thương tại cơ sở xay xát đạt hiệu quả. Ngoài ra, phối hợp với các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn làm công tác dân vận tại địa bàn 04 xã (Adơk, Đak Sơmei, Tân Bình, Kon Gang).
Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội
Các lĩnh vực văn hóa – xã hội, giáo dục – y tế tiếp tục được duy trì. Thường trực Hội đồng nhân dân huyện bổ sung nội dung giám sát việc chi trả, thanh quyết toán đối với tiền hỗ trợ, chế độ ăn uống và công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh bán trú ở các trường học trên địa bàn huyện, nhất là đối với các trường ở xã Hà Đông; quyết định công nhận lại 17/17 xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục và xóa mù chữ năm 2018; sáp nhập 06 trường học trên địa bàn huyện. Việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được đảm bảo. Thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, đẩy mạnh thực hiện công tác tư vấn, giải quyết việc làm, đào tạo, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là quân nhân xuất ngũ trở về địa phương. Trong quý I/2019, đã giải quyết việc làm cho 245/1.500 lao động, bằng 16,3% kế hoạch. Tiếp nhận kinh phí tài trợ của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh tỉnh để triển khai xây dựng 10 nhà ở cho hộ người có công với cách mạng. Tiếp tục triển khai kế hoạch hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo theo Quyết định 33/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Các hoạt động thông tin tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân được tổ chức chu đáo, tạo tâm lý vui mừng, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân. Tiếp tục kêu gọi xã hội hóa để triển khai xây dựng Nhà lưu niệm Anh hùng Wơu (Wừu) tại xã Đak Sơ mei; xúc tiến hoàn thành các thủ tục để sớm khởi công xây dựng công trình Nhà tưởng niệm Anh hùng Wơu trong quý II năm 2019.
Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh
Việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” đối với lĩnh vực quốc phòng - an ninh tại địa bàn luôn được quan tâm chú trọng. Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo Ban Dân vận Huyện ủy xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng làm công tác tuyên truyền vận động, các ban ngành, đoàn công tác, tổ công tác phát động quần chúng tại địa bàn trọng điểm và vận động cá biệt giúp nhân dân đấu tranh phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các thể lực thù địch, đưa các đối tượng ra kiểm điểm trước dân. Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch 873/CAH-UBMTTQVNH- KH, ngày 25/11/2014 của Công an huyện và Ủy ban MTTTQVN huyện “về việc phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, qua đó đã tổ chức được 104 buổi phát động tại 17 xã, thị trấn thu hút hơn 17.258 lượt người tham dự.
Công tác tuyển quân, giao quân năm 2019 đạt 100%  chỉ tiêu tỉnh giao; tổ chức Lễ ra quân huấn luyện năm 2019; tiếp nhận 181 quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng theo kế hoạch. Làm tốt vai trò nòng cốt để giải quyết các vấn đề phát sinh tại cơ sở theo phương châm “Bốn tại chỗ”, không để các thế lực phản động lợi dụng kích động người dân tập trung đông người, gây rối.
Tập trung xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực đảm bảo an ninh trật tự tại các xã, thị trấn. Qua đó, đã triển khai thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng, kiện toàn tổ tự quản bảo vệ an ninh, trật tự, như Mô hình tổ tự quản, tổ an ninh nhân dân, tổ hòa giải ở các thôn, làng, tổ dân phố thực hiện, tự quản về lao động sản xuất, giúp nhau “xóa đói, giảm nghèo” và bảo vệ tài sản của các hộ gia đình; bảo vệ nông sản cà phê khi tới mùa thu hoạch hàng năm, đảm bảo về an toàn giao thông; hòa giải những tranh chấp trong cụm dân cư, tổ tự quản. Thường xuyên chỉ đạo Ban tiếp công dân, các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên rà soát, giải quyết dứt điểm các đơn thư, khiếu nại, tố cáo theo quy định. Nội dung đơn thư kiến nghị, phản ánh chủ yếu về chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, xem xét xử lý hành vi lấn chiếm đường đi chung, chậm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...Từ đầu năm 2019 đến nay, có 14 lượt công dân đến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, giảm 24 lượt so với cùng kỳ năm trước; các vụ việc được phân cấp giải quyết theo đúng quy định. Tiếp nhận 36 đơn tố cáo, kiến nghị của công dân, tăng 29 đơn so với cùng kỳ năm trước, hiện đã giải quyết xong 08 đơn.
Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị
Việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở luôn được cấp ủy Đảng từ huyện đến cơ sở quan tâm chú trọng gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ đã tạo được những chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như hành động của các cấp ủy Đảng và đảng viên. Tiếp tục triển khai thực hiện mô hình “Nâng cao năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở và năng lực lãnh đạo của các cán bộ thôn, làng, tổ dân phố” theo Nghị quyết số 03-NQ/HU, ngày 17/12/2015 của Huyện uỷ; “công tác kết nghĩa giữa các phòng, ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan, trường học, doanh nghiệp Nhà nước đứng chân trên địa bàn huyện tổ chức kết nghĩa với các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số”, qua đó, các cơ quan, đơn vị, cán bộ lãnh đạo của huyện và Đảng ủy các xã, thị trấn đã tập trung vào công tác lãnh đạo và triển khai mô hình, coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về đội ngũ cán bộ các cấp, đồng thời nâng cao nhận thức về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho mỗi cán bộ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị, củng cố tổ chức đảng, phát triển đảng viên, thể hiện đúng đắn chức năng, vai trò, nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền ngày càng đi vào nề nếp, chất lượng, hiệu quả hơn so với trước.
Công tác cải cách thủ tục hành chính luôn được quan tâm, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc huyện và UBND các xã, thị trấn bám sát vào nội dung, điều kiện cụ thể của từng đơn vị xây dựng kế hoạch cải cách hành chính của đơn vị mình, tập trung vào các nội dung: Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính, công tác chỉ đạo điều hành mức độ thực hiện đạt trên 90% kế hoạch; cụ thể hóa các quy định phù hợp với thực tế của địa phương, phân cấp quản lý, củng cố tổ chức bộ máy, xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính... từ đó công tác chỉ đạo, điều hành về nhiệm vụ cải cách hành chính từ huyện đến xã đã được nâng lên, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức về quan điểm, phục vụ nhân dân, công tác cải cách thủ tục hành chính cơ bản đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục giải quyết công việc hành chính giữa các cơ quan hành chính với cá nhân, tổ chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý hành chính; công tác kiểm tra cải cách hành chính được tăng cường,....
Phải khẳng định rằng, điều làm nên thành công của các phong trào ở huyện Đak Đoa đó là việc vận dụng sáng tạo phong trào Dân vận khéo của những người làm công tác dân vận trên địa bàn huyện. Qua đó nâng cao, chất lượng vai trò công tác dân vận, đáp ứng với nhiệm vụ trong giai đoạn mới hiện nay.
 
Hải Hạnh
 
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com