Phong trào thi đua > Gương điển hình tiên tiến > Người phụ nữ không cam chịu cái nghèo

Người phụ nữ không cam chịu cái nghèo

13/06/2013


(GLO)- “Chị Ánh là người ít nói nhưng lại được mọi người nói đến rất nhiều”-đó là lời nhận xét của chị Đoàn Thị Lệ Thủy-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thắng Lợi (TP. Pleiku) khi nói về chị Trần Thị Ngọc Ánh, hội viên chi hội phụ nữ tổ dân phố 1. Thật vậy, trải qua rất nhiều thăng trầm của cuộc sống, đối diện với vô vàn khó khăn, song người phụ nữ ấy đã vượt lên tất cả để làm giàu. Và khi cuộc sống đã tạm khá giả, chị lại không ngần ngại giúp đỡ những mảnh đời còn nhiều khốn khó.
Rời quê hương Khánh Hòa theo gia đình lên Gia Lai lập nghiệp từ những năm 1976, rồi vài năm sau chị Ngọc Ánh lập gia đình. Cuộc sống bước đầu của vợ chồng trẻ dẫu còn nhiều khó khăn, song trong căn nhà nhỏ của họ luôn tràn ngập tiếng cười hạnh phúc và tiếng cười trẻ thơ. Hạnh phúc êm đềm trôi, rồi chẳng may chồng chị mắc bệnh nặng, đồng lương y tá của chị chẳng thể nuôi nổi người chồng bệnh tật, cùng mẹ già và những đứa con đang tuổi ăn, học. 
Sau bao trăn trở, cuối cùng chị quyết định xin nghỉ việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh với trợ cấp một lần và lao vào kiếm tiền với công việc: lúc thì đi phụ hồ, hôm lại đi bốc vác thuê… để lo cho gia đình, chạy chữa thuốc thang cho chồng. Thế nhưng, vài năm sau, người chồng thân yêu cũng ra đi để lại cho chị một mẹ già và bốn đứa con thơ dại, từ đó chị vừa phải làm cha, vừa làm mẹ.
 
Với 2 sào đất của gia đình, chị bắt tay vào trồng các loại hoa tươi. Thời gian rảnh rỗi, chị lại đem bao đi lượm phân bò về để trồng hoa vừa đem bán kiếm thêm thu nhập. Nhớ lại những năm tháng đã qua, chị Ánh ứa nước mắt: “Qua bao nhọc nhằn, tôi cũng tích góp được ít vốn chuyển sang buôn bán nhỏ và chăn nuôi heo. Lúc đầu chưa có vốn, tôi nuôi 1 con heo nái và trồng rau quanh vườn cho heo ăn, đồng thời nuôi thêm vài ba chục con gà… Khi có thêm tiền, tôi tăng dần đàn heo lên năm, sáu con heo nái và vài ba chục con heo thịt. Thu nhập từ chăn nuôi heo cộng với buôn bán nhỏ cũng giúp tôi dành dụm được ít tiền để lo cho các con ăn học và chi tiêu trong gia đình”.
Nhưng với cách nghĩ “phải làm gì thêm để có tiền lo cho con cái ăn học thành tài, rồi còn phải lập gia đình cho chúng…”, người phụ nữ ấy lại một lần nữa quyết định chuyển hướng sang buôn bán cà phê, lâm sản phụ… Rồi chẳng hiểu thế nào, kinh doanh chưa bao lâu, tất cả vốn liếng trong nhà cùng với tiền vay mượn thêm đều bị lừa sạch. Không cam chịu, theo nguồn tin, chị lặn lội vào tận TP Hồ Chí Minh với hy vọng có thể cứu vãn được tình hình, đòi được tiền nợ nhưng rồi đi-lại về tay không. “Bù lại, chuyến đi ấy tôi đã gặp được một “quý nhân”-chủ của một công ty chuyên sản xuất các sản phẩm từ nguyên liệu khoáng, ông này đã giúp tôi rất nhiều từ kinh nghiệm đến vốn liếng để có thể khởi nghiệp lại từ đầu”-chị Ánh kể.

Những ngày đầu, chị Ánh lặn lội lên tận tỉnh Kon Tum, tìm đến những nơi người ta đào ao hồ, khoan giếng, làm thủy lợi chỉ để mua những… cục đất, sau đó gửi mẫu vào TP. Hồ Chí Minh kiểm tra xem có đúng là đất khoáng, sau đó lại đem từng bao đất từ Kon Tum vào TP. Hồ Chí Minh bán cho các xưởng sơ chế. Lâu dần, khi đã có chút kinh nghiệm phân biệt đất và có thêm chút vốn, chị mạnh dạn mở cơ sở mua bán sơ chế nguyên luyện khoáng vào năm 2002. Và hiện nay, cơ sở của chị thường xuyên duy trì khoảng 15-20 lao động là người địa phương với mức thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng.

Điều đặc biệt ở người phụ nữ này không chỉ ở nỗ lực vượt khó, làm giàu mà chị còn là người sống có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Theo lời nhận xét của chị Đoàn Thị Lệ Thủy, thì: Chị Ánh thường xuyên giúp đỡ những phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn bằng cách trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, hỗ trợ heo giống, cho mượn tiền để làm vốn buôn bán nhỏ và hướng dẫn nhiều chị em cách chăn nuôi đạt hiệu quả. Chưa hết, chị còn thường xuyên đi thăm, tặng quà cho những trẻ em mồ côi, khuyết tật, gia đình phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... vào những dịp lễ, Tết. Chỉ tính hai năm trở lại đây, chị Ánh đã giúp cho 3 hội viên phụ nữ có chồng, con bị bệnh nặng với số tiền 15 triệu đồng. Cùng với đó, chị đã hỗ trợ 10 triệu đồng để xây dựng một căn nhà tặng cho gia đình hội viên nghèo tại chi hội và hỗ trợ cho 32 hộ nghèo trong phường 1 tấn gạo…
Nói về những việc làm của mình, chị Ánh vui vẻ: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, bản thân mình đã từng trải qua những khốn khó nên mình rất hiểu và cũng muốn chia sẻ khó khăn với những chị em phụ nữ, những em nhỏ còn đang thiếu thốn bằng cách động viên, giúp đỡ họ trong lúc hoạn nạn”.
Ở tuổi 52, người phụ nữ ấy đã có quyền tự hào và hãnh diện. Bởi, chị đã làm tròn lời hứa với chồng năm xưa: Nuôi các con khôn lớn, trưởng thành! Và giờ đây, sau 16 năm vừa làm cha, vừa làm mẹ, chị đã nuôi dạy 4 cậu con trai thành tài: Con trai đầu đang làm việc tại Công ty TNHH một thành viên Phú Thịnh Gia; con trai thứ hai công tác tại UBND phường Thắng Lợi; cậu con trai thứ ba đang là giáo viên tại Trường Cao đẳng nghề của tỉnh và cậu con trai út hiện đang học Trường Đại học Tài chính Ngân hàng Đà Nẵng.
…Cần cù, ít nói, biết sống vì những người xung quanh nên chị Ánh luôn được người dân trong tổ dân phố yêu quý. Hơn thế, bản thân chị cũng như gia đình chị luôn là một tấm gương sáng để nhiều người học tập, noi theo.
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com