Phong trào thi đua > Nông thôn mới > Hình thành vùng nguyên liệu gắn với chuỗi liên kết tại Chư Sê

Hình thành vùng nguyên liệu gắn với chuỗi liên kết tại Chư Sê

24/12/2019


Nguồn Báo Gia Lai
Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) ở huyện Chư Sê, Gia Lai đã liên kết với các hộ dân để hình thành vùng nguyên liệu, có bao tiêu đầu ra sản phẩm. Mối liên kết này đã mở ra cơ hội chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Một số hộ đã mạnh dạn đăng ký triển khai thí điểm mô hình trồng dược liệu, trồng dâu nuôi tằm cho giá trị cao so với các loại cây trồng khác, hứa hẹn cuộc sống khấm khá hơn.
Định hình vùng nguyên liệu
 
Thất bại với cây hồ tiêu, ông Trần Trung Dũng (làng Á, xã Ia Hlốp) chuyển sang trồng 1,2 ha ớt. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế của cây ớt cũng không cao. Chính vì vậy, ông đã đăng ký tham gia mô hình trồng dược liệu với HTX Nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh. Hiện ông đang chuẩn bị 1 ha đất để trồng cà gai leo. Tham gia mô hình này, người dân được huyện hỗ trợ một phần vốn, HTX cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Cây cà gai leo có vòng đời 3 năm, sau khi trồng đến tháng thứ 4 là bắt đầu cho thu hoạch. Theo tính toán ban đầu, 1 ha mỗi năm sẽ cho thu nhập trên 200 triệu đồng, chưa tính tận thu phần củ rễ.  Ông Dũng cho hay: “Mô hình trồng dược liệu rất khả quan, tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn phân vân vì chưa có kết quả để so sánh. Nhưng vì đây là doanh nghiệp địa phương, lại được chính quyền bảo lãnh nên chúng tôi an tâm, không sợ họ “đem con bỏ chợ”. Với lại, đây cũng là loại cây trồng phù hợp trên diện tích hồ tiêu bị chết”.
 
 
  Công nhân Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh chuẩn bị cây giống  cà gai leo để trồng mở rộng diện tích. Ảnh: N.S
Công nhân Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh chuẩn bị cây giống cà gai leo để trồng mở rộng diện tích. Ảnh: N.S
 
Theo ông Nguyễn Văn Đương-Chủ tịch UBND xã Ia Hlốp, trên địa bàn xã đã có 10 hộ dân đăng ký tham gia mô hình trồng dược liệu (tối thiểu 5 sào/hộ) với diện tích gần 10 ha. Người dân tham gia mô hình được huyện hỗ trợ 40% chi phí đầu tư ban đầu, HTX Quang Minh hỗ trợ 30% cây giống; chính quyền xã đứng ra bảo lãnh với ngân hàng cho vay vốn phát triển sản xuất. Ngoài ra, HTX còn hỗ trợ máy móc làm luống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc; đến khi thu hoạch thì cho mượn máy cắt và bao tiêu đầu ra sản phẩm. Chi phí đầu tư ban đầu để trồng 1 ha cà gai leo ở mức 120 triệu đồng. “Hiện tại, một số hộ dân vẫn còn e dè, nhưng tôi tin rằng, khi thấy kết quả mô hình thử nghiệm của HTX thành công thì sẽ có nhiều hộ đăng ký tham gia. Ngoài việc lựa chọn những hộ dân đủ điều kiện tham gia, chúng tôi tích cực tuyên truyền để nhân rộng mô hình trong thời gian tới”-Chủ tịch UBND xã Ia Hlốp cho biết.
 
Trong khi đó, ông Đoàn Mạnh Thắng-Trợ lý kỹ thuật HTX Quang Minh-thông tin: Vườn ươm của HTX hiện có khoảng 500 vạn cây giống, gồm: đương quy, cà gai leo, hà thủ ô đỏ. Hiện đơn vị đã triển khai trồng hơn 50 ha các loại cây dược liệu này, sắp tới sẽ mở rộng diện tích trồng cây đinh lăng, cây cát cánh. Chủ trương của HTX là cùng với huyện xây dựng chuỗi liên kết với người dân, tạo điều kiện để họ tham gia mô hình trồng dược liệu và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Trong năm 2019, huyện đã có kế hoạch hỗ trợ trồng 16,2 ha cây dược liệu ở các xã: Ia Hlốp, Al Bá, Ia Tiêm. Tuy nhiên, trong thực tế, diện tích này có thể mở rộng đến 30 ha. “Chúng tôi đang trồng khảo nghiệm cây cát cánh để làm cơ sở xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học với tỉnh nhằm tạo tính pháp lý cho việc áp dụng trồng đại trà loại cây này trên địa bàn. Đây là loại dược liệu quý và cho lợi nhuận cao. Hiện giá cát cánh khô trên thị trường là 150.000 đồng/kg, nếu trồng tốt sẽ thu hoạch khoảng 6 tấn/ha, thu nhập 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm”-ông Thắng khẳng định.
 
Triển khai đề án nông nghiệp công nghệ cao
 
Ngoài việc xây dựng vùng chuyên canh cây dược liệu, ngành nông nghiệp huyện Chư Sê cũng đang xây dựng chuỗi liên kết trồng cây dâu tằm. Đó là kết hợp giữa các xã trong dự án trồng cây dâu tằm với Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang. Dự kiến, diện tích dâu tằm công nghệ cao được đưa vào sản xuất năm 2020 là 50 ha và năm 2025 đạt 145 ha. Năng suất lá theo quy trình áp dụng kỹ thuật cao cũng sẽ tăng lên: năm 2020 đạt 31,7 tấn/ha, năm 2025 đạt 39,2 tấn/ha. Vùng phát triển cây dâu tằm sẽ được mở rộng ở các xã: Chư Pơng, Al Bá, Hbông, Kông Htok, Ia Hlốp, xã Dun. Ông Lê Sỹ Quý-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê-khẳng định: Đơn vị đã phối hợp với UBND xã Al Bá chọn 6 hộ để triển khai thành công mô hình trồng dâu nuôi tằm. Mỗi hộp tằm giống cho 50 kg kén, lợi nhuận cao gấp 3-4 lần so với trồng cây rau màu truyền thống. Đặc biệt, nghề nuôi tằm có độ rủi ro thấp vì tiền đầu tư không cao. Với giá 1 triệu đồng/hộp giống, thời gian từ lúc nuôi đến thu hoạch chỉ khoảng 15 ngày, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân.
 
Đánh giá về sự hình thành các vùng nguyên liệu gắn với chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Năm 2019, qua kênh HTX, huyện đã liên kết với 20 hộ dân đăng ký trồng hơn 16 ha cây dược liệu ở các xã: Ia Hlốp, Ia Ko, Chư Pơng và Ia Glai. Năm 2020, huyện sẽ hỗ trợ phát triển 50 ha cây ăn quả ở 2 xã Ia Pal, Hbông. Theo ông Hợp, thực hiện đề án phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, huyện định hướng xây dựng 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có liên kết tại các xã nhằm phát triển các cây thế mạnh của địa phương. Cụ thể: vùng sản xuất dược liệu tập trung ở các xã: Ia Hlốp, Ia Ko (mở rộng thêm xã Ia Glai, Chư Pơng, Hbông và thị trấn Chư Sê); vùng sản xuất cây ăn quả có múi (xã Hbông, Ia Pal, Ia Tiêm, Ia Hlốp, Ia Glai và Al Bá); vùng trồng cây dâu tằm (xã Al Bá, Kông Htok, Chư Pơng, Ia Hlốp); vùng sản xuất rau củ quả an toàn (xã Ia Blang, Ia Hlốp, Ia Glai, thị trấn Chư Sê); vùng sản xuất hồ tiêu sạch (xã Chư Pơng, Ia Ko, Ia Glai); vùng sản xuất cà phê sạch (xã Dun, Ia Ko, Ia Glai, Chư Pơng, Bờ Ngoong, Ia Hlốp, Kông Htok, Al Bá, Ia Tiêm và thị trấn Chư Sê) và vùng trồng lúa ứng dụng công nghệ cao tại xã Ayun.
 
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê cho rằng: Hiện nay, người dân còn trồng manh mún, nhỏ lẻ chưa có vùng tập trung theo hướng hàng hóa để có thể áp dụng công nghệ cao. Vì vậy, thời gian tới, huyện khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vốn, giống, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng dồn điền, đổi thửa để tập trung ruộng đất nhằm đảm bảo hướng sản xuất ổn định lâu dài. “Đặc biệt, việc đầu tư phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao theo đề án của huyện dự kiến thu hút đầu tư có trọng điểm, tạo bước nhảy vọt về năng suất và chất lượng nông sản. Khu nông nghiệp công nghệ cao sẽ đóng vai trò “đầu tàu” mở đường cho việc đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao; tạo cơ sở phát triển nông nghiệp, nông thôn hướng nhanh tới công nghiệp hóa-hiện đại hóa; đưa nông nghiệp huyện Chư Sê thành nền nông nghiệp hàng hóa, có sức cạnh tranh cao trên thị trường nội địa và xuất khẩu”-ông Hợp khẳng định.
 
 
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com