Phong trào thi đua > Nông thôn mới > Kết quả bước đầu xây dựng Làng Nông thôn mới

Kết quả bước đầu xây dựng Làng Nông thôn mới

07/12/2018


Thực hiện chương trình xây dựng làng nông thôn mới (NTM) theo Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13 tháng 02 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, với tinh thần quyết tâm, sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, công tác thực hiện Chương trình xây dựng làng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, các chỉ tiêu cơ bản bước đầu đạt kế hoạch đề ra. 
Theo đó mục tiêu phấn đấu trong năm 2018 mỗi huyện, thị xã, thành phố có một mô hình điểm làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số ưu tiên gắn với lộ trình xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh đã đăng ký 34 làng thuộc 32 xã để xây dựng mô hình điểm làng NTN trong đồng bào dân tộc thiểu số. cách làm ở đây là xây dựng những địa bàn, đơn vị trọng tâm, trọng điểm, chọn những tiêu chí ưu tiên gắn với lộ trình xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới để thực hiện trước, lấy nông dân là hạt nhân thực hiện; tập trung huy động nguồn lực tại chỗ, đẩy mạnh các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”… và huy động toàn hệ thống chính trị vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Những kết quả bước đầu trong xây dựng làng nông thôn mới
Theo thống kê từ các huyện, toàn tỉnh đã huy động được 44 tỷ 121 triệu đồng để thực hiện chương trình từ mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án hỗ trợ từ các doanh nghiệp, đơn vị quân đội đóng chân trên địa bàn và từ ngân sách huyện. Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư xây dựng làng nông thôn mới trên tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, qua đó đã huy động được 8.690 ngày công để giúp nhân dân di dời nhà ở, bố trí, sắp xếp lại dân cư và thực hiện các công tác quy hoạch gần 30ha để tiến hành sắp xếp lại nhà cửa cho nhân dân ở vùng khó khăn ra khu ở mới tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện, Kong Chro, thị xã An Khê.
Việc triển khai thực hiện đã mang lại hiệu quả thiết thực, trở thành phong trào rộng khắp, được người dân và cộng đồng tích cực hưởng ứng, đến nay đã di dời, làm mới 224 căn nhà ở; chuyển và dựng lại 2 nhà rông văn hóa; 136 nhà kho của các hộ gia đình; xây dựng và sửa chữa 26 căn nhà chính sách, 05 căn nhà tình nghĩa. Các công trình phụ như bếp, nhà vệ sinh được bố trí đảm bảo vệ sinh môi trường. Làm mới 170 nhà vệ sinh, nhà tắm đảm bảo tiêu chuẩn; đào 96 hố rác tự hoại, 10 hầm rút; làm 610 vườn rau mẫu; cung cấp và trồng 748 cây ăn quả các loại phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân. Khuôn viên nơi ở của các hộ gia đình được chỉnh trang ngăn nắp, có cổng, ngõ, hàng rào; làm 25.644m2 hàng rào, nạo vét 5.700m2 kênh mương dọn cỏ quanh nhà; thu gom chôn lấp rác thải tạo cảnh quang môi trường nơi ở sáng - xanh - sạch - đẹp; làm mới 13.843 m đường giao thông nông thôn tại các trục làng; đường nội làng sạch sẽ, không lầy lội vào mùa mưa. Nhân dân được sử dụng 100% điện thắp sáng.
Nước sạch và vệ sinh môi trường được đảm bảo, đủ nước phục vụ tiêu dùng, thực hiện nâng cấp 02 hệ thống nước sinh hoạt tập trung tại làng Tăng, xã Krong và làng Kon Lốc 2, xã Đak Rong, huyện Kbang; tuyên truyền, vận động nhân dân chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh, tổ chức làm mới, di dời 599 chuồng gia súc, không còn tình trạng chăn nuôi dưới sàn nhà. Bên cạnh đó quan tâm đên công tác chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn, đã tổ chức khám, tư vấn, cấp thuốc chữa bệnh miễn phí cho 618 lượt người, cắt tóc cho 992 lượt người. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm đầu tư, đã mở lớp đào tạo nghề sữa chữa máy nổ công suất nhỏ: 13 người tham gia; Tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê: 30 người tham gia, bước đầu đã đem lại hiệu quả, phần lớn lao động được đào tạo nghề nông nghiệp đã biết vận dụng những kiến thức cơ bản về trồng trọt, chăn nuôi. Các cấp, các ngành đã trao tặng 30 con bò, 35 con dê, 240 kg gạo cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn, qua đó đã giúp họ từng bước vươn lên,
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và các đơn vị quân đội tham gia hỗ trợ các địa phương đã tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ăn ở hợp vệ sinh, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thu hút gần 7.000 lượt người dân tham gia.
Nhìn chung, tình hình đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân cơ bản ổn định, nhân dân đồng thuận cao, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước. Cảnh quan môi trường nông thôn của các làng đã được cải thiện một cách rõ rệt, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở hầu hết các xã được lựa chọn làm điểm làng nông thôn mới đều phát triển nhanh, nổi bật là hệ thống đường giao thông trục xã, cảnh quang, nhà cửa, hàng rào, vườn rau, nhà vệ sinh, khu chăn nuôi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa... ngày càng hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn,  tạo đà cho phát triển chung của tỉnh.
Tuy đã có nhiều nỗ lực trong công tác phát triển làng NTM, nhưng để có thể cán đích một cách sớm nhất, phấn đấu góp phần giúp xã đạt chuẩn nông thôn mới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, Cấp ủy các địa phương, đơn vị cần chú trọng hơn nữa đến việc triển khai nội dung Chỉ thị, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị.  Xác định rõ kết quả xây dựng làng NTM chính là kết quả phát triển KT - XH của địa phương để tập trung thực hiện quyết liệt. Xác định chủ thể của chương trình là người dân để thực hiện đúng phương châm “dân phải biết, dân bàn và tham gia”, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư xây dựng làng nông thôn mới trên tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm".
Thứ hai, Cần tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành xây dựng mô hình “Làng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS” trên cơ sở Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới theo Quyết định số 250/QĐ-UBND của UBND tỉnh Gia Lai, Công văn số 945/SNNPTNT- VPNTM, ngày 31 tháng 5 năm 2018 của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn về hướng dẫn một số nội dung về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể hóa thành các tiêu chí của làng nông thôn mới phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương để tổ chức thực hiện. Trước mắt, cần tập trung hỗ trợ một số huyện thí điểm thực hiện như hoàn thành việc quy hoạch, bố trí sắp xếp dân cư tại một số làng để rút kinh nghiệm và từ đó nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Thứ ba, Tập trung huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để việc xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS trở thành một phong trào toàn dân. Phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền và sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội; có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể, gắn trách nhiệm với kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thứ tư, Tổ chức đánh giá lại quá trình triển khai, rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình, cách làm hay. Cấp ủy, chính quyền các cấp và cán bộ ở cơ sở phải có trách nhiệm, quyết tâm thực hiện, xác định mục tiêu hoàn thành để có hướng chỉ đạo; rà soát công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, cảnh quan, môi trường từ đó tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn, chú trọng bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, hợp lý và giữ gìn được những đặc trưng và bản sắc nông thôn truyền thống. Việc xây dựng“làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS” phải ưu tiên gắn với lộ trình xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới.
Thứ năm, Các huyện, thị xã, thành phố chủ động cân đối lồng ghép các nguồn vốn và bố trí vốn ngân sách của địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai thực hiện đạt hiệu quả, chú trọng khuyến khích xã hội hóa theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. 
Thực hiện tốt những giải pháp nêu trên, thời gian tới, công tác xây dựng làng NTM sẽ được nâng cao hơn nữa về chất lượng. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, huy động tối đa vật chất, tinh thần của cộng đồng xã hội, phù hợp với điều kiện thực tiễn mỗi địa phương.
 
Thu Loan
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com