Phong trào thi đua > Làm theo lời Bác > Thực hiện phong cách Hồ Chí Minh trong công tác dân vận

Thực hiện phong cách Hồ Chí Minh trong công tác dân vận

12/06/2019


Ngày 15 tháng 5 năm 2016, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; năm 2019 cũng là năm kỷ niệm 70 năm tác phẩm “Dân vận” của Người và năm thực hiện chuyên đề “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo phong cách Hồ Chí Minh” cũng là năm thực hiện 50 năm Di chúc của Bác.
Đối với công tác dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khảng định “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân không để sót mộ người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể giao cho”. Những cán bộ dân vận cần phải “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Vậy, với ý nghĩa đó, việc thực hiện phong cách Hồ Chí Minh trong công tác dân vận, yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong hệ thống chính trị phải sâu sát quần chúng bằng cách thường xuyên tiếp xúc, gần gũi, trao đổi, đối thoại; phát huy dân chủ; nêu gương trước quần chúng nhân dân và thật sự quan tâm tới đời sống mọi mặt của quần chúng để nghe và hiểu được những điều quần chúng cần tâm tư, nguyện vọng chính đáng để kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng với tình hình nhằm xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của mọi người bằng phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác dân vận như sau:
1. Phong cách gần gũi, sâu sát quần chúng
Xuất phát từ quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân, đã lãnh đạo nhân dân phấn đấu dưới lá cờ tất thắng của chủ nghĩa Mác – Lênin”, về vai trò quyết định và sức mạnh sáng tạo vĩ đại của quần chúng, về vai trò lãnh đạo tất yếu của Đảng đối với sự nghiệp Cách mạng của quần chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy chúng ta phải không ngừng tăng cường mối liên hệ giữa Đảng và nhân dân, và coi đó là một trong những nhân tố sáng tạo nên sức mạnh to lớn của Đảng ta. Vì vậy, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chuyên trách công tác dân vận phải luôn luôn tin tưởng ở quần chúng, gần gũi quần chúng, hòa mình vào quần chúng, lắng nghe những ý kiến tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng, gương mẫu thực hiện tốt, có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo”; năm 2019 cũng là năm thực hiện tổng kết 10 năm thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, từ đó giúp cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội có những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách sát đúng của chính quyền và các phong trào, cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân hợp lòng dân, mới phát huy tác dụng và nâng cao hiệu quả công tác trong công cuộc đổi mới xây dựng quê hương, đất nước bằng những nội dung, việc làm cụ thể như góp phần thực hiện 02 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững hiện nay. Đó là quá trình tạo mối quan hệ khăng khít giữa cán bộ, đảng viên với quần chúng và cũng là quá trình tạo lòng tin yêu, mến phục của quần chúng đối với cán bộ, đảng viên. Qua đó, để thấy đối tượng của công tác dân vận là rất rộng, rất đa dạng, phong phú và cũng rất phức tạp. Đòi hỏi cán bộ làm công tác dân vận hiện nay, phải có tầm nhìn rộng, kiến thức sâu, kỹ năng tốt, gương mẫu trong cuộc sống, nói đi đôi với làm, để tổ chức thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cho phù hợp với từng đối tượng vận động.
Trong công cuộc đổi mới ngày nay, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã vượt qua những khó khăn, thử thách, giành được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và quan hệ đối ngoại. Đời sống Nhân dân được cải thiện; chính trị - xã hội ổn định; vị thế nước ta ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Trong những thành tựu chung đó, có sự đóng góp quan trọng của công tác dân vận và đội ngũ những người làm công tác dân vận, góp phần phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo được lòng tin của Nhân dân đối với Đảng.
2. Phong cách dân chủ, tôn trọng ý kiến nhân dân
Công tác dân vận có vai trò đặc biệt quan trọng, vì cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Nguyễn Trãi đã từng dạy “Quốc dĩ Dân vi bản” (Nước lấy dân làm gốc); “Đẩy thuyền đi cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”; cũng là dân trong bài nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện, ngày 18 tháng 1 năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhắc: “Các đồng chí ở Quảng Bình nói rất đúng:
Dễ mười lần không dân cũng chịu,
Khó trăm lần dân liệu cũng xong.
Di huấn đó đã được chứng minh qua các thời kỳ cách mạng của nước ta kể cả trong kháng chiến và trong xây dựng đất nước ngày nay.
Đối với phong cách của Hồ Chí Minh trong xây dựng chế độ dân chủ, việc xây dựng một nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng bởi đó là cơ sở pháp lý cho việc bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong thực tế.
Hiện nay, chúng ta đang thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” với xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện Quyết định số 217 và 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) Quy định về giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đối với những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nó đang trở thành phương châm hành động tạo điều kiện mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò làm chủ của mọi tầng lớp nhân dân, động viên mọi tiềm năng sáng tạo, đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới của đất nước. Vậy, cán bộ dân vận trước hết xây dựng cho mình một tâm thế, một tác phong dân chủ, tôn trọng tập thể, phục tùng các quyết định của tổ chức, xây dựng cho mình một phong cách tận tụy, tận tâm, tận lực, nói đi đôi với làm hay nói ít, làm nhiều, làm có kiến thức, có kỹ năng, khoa học, làm đến nơi, đến chốn đối với những công việc được giao. Đặc biệt, trong quá trình thực hành công việc phải luôn luôn phát huy quyền làm chủ trong mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Mối quan hệ này thể hiện trước hết ở quan điểm tất cả vì quyền lợi nhân dân. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp và xây dựng.
3. Phong cách nêu gương trong công tác dân vận
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu gương thì trước hết phải làm gương trong công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên về mọi mặt, phải cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, nói đi đôi với làm. Người nhấn mạnh: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Do đó, Người xác định nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên phải được  thể hiện trên cả ba mối quan hệ: Đối với mình, đối với người và đối với công việc.
- Đối với mình, phải không tự cao, tự đại, tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm thực hiện phê bình và tự phê bình để phát triển điều hay, lẽ phải; sửa đổi điều dở của bản thân. Phải nắm chắc đường lối, quan điểm của Đảng, kiên định với Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng; phải được trang bị kiến thức tổng hợp, gắn bó với thực tiễn đời sống của nhân dân. Người cán bộ dân vận phải thực hiện như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, phải là những cán bộ công tâm, khách quan, vì nước, vì dân, hết lòng chăm lo cho dân. Thực hiện đúng phương châm: “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, có trách nhiệm với dân”, xây dựng lý tưởng cách mạng sẵn sàng phục vụ nhân dân.
- Đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, cầu thị, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, học hỏi. Phải được rèn luyện, thử thách, không ngại khó, ngại khổ; luôn cầu mong tiến bộ. Cần lăn lộn trong phong trào quần chúng, mình mới hiểu biết được dân, được tiếp xúc trong thực tiễn sẽ sớm tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý, giúp ích nhiều vốn liếng, kiến thức của bản thân và không ngừng trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ nghiệp vụ về công tác dân vận trong tình hình mới.
- Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào phải giữ nguyên tắc “Dĩ công vi thượng”, tức là cán bộ, đảng viên phải “tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp, của nhân dân”, ngoài ra không có lợi ích nào khác. Lý tưởng cao quý nhất của Đảng ta, của cán bộ, đảng viên là phải phục vụ sự nghiệp cách mạng của quần chúng nhân dân, mang lại hạnh phúc cho lợi ích của nhân dân. Người nói: “Trong xã hội không gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”. Trung thành với nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, đó là lẽ sống cao quý nhất của người cách mạng.
Thực hiện phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác dân vận, người cán bộ dân vận cần nắm vững những phong cách trên nhằm xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc để không ngừng việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có như vậy mới thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2019 đầy ý nghĩa chính trị, kính dâng lên Người giữ trọn niềm tin.

 
Lê Quang Toàn, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan Thường trực Ban Dân vận Trung ương tại TP Đà Nẵng
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com