Bài báo "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh "cẩm nang" của công tác dân vận thời kỳ mới

Bài báo "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh "cẩm nang" của công tác dân vận thời kỳ mới

16/10/2019


Ngày 15/10/1949, tác phẩm "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đăng tải trên tờ Sự thật và hôm nay, giữa lúc toàn Đảng, toàn dân đang hướng đến kỷ niệm 89 năm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng, nghiên cứu tác phẩm "Dân vận" của Bác chúng ta càng cảm phục và thấm thía tầm tư tưởng của Người về công tác quan trọng này trước yêu cầu, nhiệm vụ công tác dân vận hiện nay của sự nghiệp xây dựng đất nước trong tình hình mới.
Tác phẩm "Dân vận" là một trong những tác phẩm ngắn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng lại là một tác phẩm rất quan trọng, mở đầu tác phẩm có 2 từ, nội dung 573 từ. Bác viết dân vận phải đúng, dân vận phải khéo, ở đây chúng ta có thể hiểu: "dân vận đúng" có nghĩa là làm dân vận phải có "khoa học", "dân vận khéo" có nghĩa là làm dân vận phải có "nghệ thuật", nghệ thuật là ở tầm "văn hóa", văn hóa ứng xử. Chủ tịch Hồ chí Minh đã từng nói có dân giúp sức thì khó mấy cũng vượt qua, mà dân không giúp, dân không ủng hộ thì có dễ mấy cũng không thành. Có tài giỏi đến mấy đi nữa mà xa dân thì cũng không làm nên trò trống gì. Dân ủng hộ nhiều thì thắng lợi nhiều, dân ủng hộ ít thì thắng lợi ít, dân ủng hộ giúp đỡ hoàn toàn, thì thành công và thắng lợi hoàn toàn. Bác đưa ra một chân lý: Dân vận phải thật thà nhúng tay vào việc, tức là nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, chủ yếu là hành động; Bác còn dặn là phải nghĩ ký, có làm được thì hãng nói, có làm được thì hãy hứa, đã nói là làm, đã hứa phải thực hiện nhất là với nhân dân. Một thời chúng ta cứ nghĩ dân vận tức là làm công tác tư tưởng, mà đảng viên đi làm công tác dân vận cho người ngoài đảng coi đó là công tác dân vận, như vậy là không đúng và rất hẹp. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Công chức nhà nước là người thay mặt Nhà nước trong ứng xử với công dân, thì chính đội ngũ công chức, viên chức nhà nước, trong các cơ quan công quyền phải là người đầu tiên làm dân vận. Vì vậy hiện nay Đảng ta có chủ trương thực hiện "Năm dân vận chính quyền". Trước đây, chúng ta bỏ qua việc làm dân vận của công chức nhà nước, cho nên mới để tình trạng quan liêu và tham nhũng nặng nề như thời gian vừa qua, chứ nếu công chức mà làm dân vận "cận thận""mẫu mực" thì bớt được rất nhiều sự quan liêu và càng chống được tham nhũng vì có dân đóng góp, dân giúp sức. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ một khuyết điểm rất to là: Lẽ ra phải chọn người giỏi nhất, người tốt nhất, người có uy tín nhất với dân để phụ trách công tác dân vận, thì thói thường ta mắc một khuyết điểm là hễ cứ ai yếu kém chuyên môn, làm hỏng việc thì đùn đẩy nhau sang phụ trách đoàn thể, nếu như vậy không bao giờ có thể chiếm được lòng tin của dân, đấy là một sự xúc phạm đối với nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nói: Dân vận phải "Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm"
Óc nghĩ: Mỗi người làm dân vận phải thuộc lòng để thực hiện, dân vận phải óc nghĩ, phải nâng cao trình độ nhận thức lên, tức là tăng cường tiềm lực trí tuệ nhất là với đảng cầm quyền, Đảng tiên phong phải bằng trí tuệ, khoa học thì mới có thể lãnh đạo tốt được.
Mắt trông: Tức là quan sát, Bác dạy tất cả chúng ta phải chú ý rèn luyện khả năng quan sát nhanh, phát hiện đúng tình hình và giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh "trăm nghe không bằng một thấy". Với sự nhạy cảm, tinh tế trong quan sát, kết hợp với "óc nghĩ" xác định được đúng, sai, nhận rõ bản chất và hiện tựợng của từng sự việc, từng vấn đề để làm đúng, tham mưu kịp thời cho Đảng và Nhà nước để có giải pháp đúng đắn kịp thời đưa phong trào của quần chúng đi đúng hướng.
Tai nghe: Là một phương pháp khoa học của công tác dân vận, theo Hồ Chí Minh cùng với "óc nghĩ", "mắt trông", người làm công tác dân vận còn phải đồng thời nắm bắt kịp thời các thông tin từ quần chúng. Đòi hỏi phải biết nghe dân nói, từ đó mà hiểu được những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của dân; loại trừ những thông tin thiếu chân thực, chính xác. Nghe dân nói, cũng là để biết dân đã hiểu gì, hiểu đến mức như thế nào, đã làm như thế nào và làm được đến đâu.
Chân đi: Là yêu cầu gắn với cơ sở, một đòi hỏi bức thiết, luôn đặt ra đối với cán bộ dân vận, đây cũng là một yếu tố chống căn bệnh quan liêu, hành chính, làm việc theo kiểu giấy tờ của các cơ quan. Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực luôn luôn hướng về cơ sở và gắn bó với cơ sở, đi cơ sở để khảo sát tình hình thực tế, lắng nghe ý kiến của dân và trực tiếp tháo gỡ những khó khăn nẩy sinh trong dân.
Miệng nói: Là thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, người cán bộ dân vận phải thường xuyên có trách nhiệm tuyên truyền, cổ động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, pháp luật, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng..., để dân hiểu, dân tin, dân ủng hộ và làm theo thì công tác tuyên truyền miệng phải đúng và phải khéo. Nói với với dân phải đơn giản, rõ ràng, thiết thực và cụ thể, tránh mệnh lệnh, hơn thế, còn phải có thái độ mềm mỏng; đối với người già, các bậc lão thành phải cung kính, lễ độ, với đồng chí, đồng bào phải đúng mực, nghiêm trang, với nhi đồng phải thương yêu, quý mến.
Tay làm: Là thể hiện quan niệm học đi đôi với hành, là gương mẫu, làm gương trước cho quần chúng. Nếu nói là để dân nghe, thì làm là để dân thấy, dân tin, dân học làm theo. Lời nói đi đôi với hành động là một yêu cầu, một phương pháp hết sức quan trọng đối với cán bộ nói chung, cán bộ làm công tác dân vận nói riêng.
Xuất phát từ nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Đảng ta luôn xác định, Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Từ Đại hội VII đến Đại hội XII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ra nhiều nghị quyết, chỉ thị cụ thể cho từng lĩnh vực công tác dân vận của Đảng.
Việc quán triệt và thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, nhất là phương pháp đã góp phần quan trọng trong vận động, tập hợp, tạo ra sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa tỉnh Gia Lai đi hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ngày 10/12/1945, Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Gia Lai được thành lập, lấy tên là Đảng bộ Tây Sơn. Trong những năm kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Đảng bộ tỉnh đã tổ chức, rèn luyện và hình thành một đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, cùng với nhân dân, lớp lớp con em tỉnh Gia Lai đã lên đường tòng quân, giết giặc. Với các phong trào "Góp lương nuôi bộ đội", "Đánh địch bằng hầm chông bẫy đá"..., đồng bào các dân tộc ở Gia Lai sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Nhiều người con của Gia Lai đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng như: Đinh Núp, A Sanh, Kpă Klơng, Thanh Minh Tám, Rơ Chăm Ớt… Nhiều chiến công hiển hách của quân và dân các dân tộc Gia Lai đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc và Chiến dịch Tây Nguyên mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Trải qua gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và 44 năm sau ngày tỉnh Gia Lai giải phóng. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách; vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng về công tác dân vận; nắm bắt thời cơ, phát huy các nguồn lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh; tích cực hợp tác và kêu gọi đầu tư phát triển và đã đạt được những thành tựu to lớn. Nếu như năm 1975, tỉnh có hơn 50 vạn người phải cứu đói, 95% dân số mù chữ, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội rất thiếu và lạc hậu do hậu quả của chiến tranh để lại thì đến nay, quy mô nền kinh tế tăng gấp hàng trăm lần, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt khá cao, các vùng chuyên canh cây nông nghiệp và cây công nghiệp được hình thành và phát triển nhanh… Cơ sở hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế-xã hội từng bước được đầu tư cơ bản; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Gia Lai đang trên đà phát triển trở thành vùng kinh tế động lực trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Giáo dục - đào tạo có chuyển biến cả về quy mô và chất lượng. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đẩy mạnh, cơ sở vật chất của ngành y tế từ tuyến tỉnh tới cơ sở được đầu tư nâng cấp. Công tác xóa đói, giảm nghèo được tổ chức thực hiện quyết liệt và đã trở thành phong trào rộng khắp được nhân dân, đơn vị, doanh nghiệp hưởng ứng; Công tác đền ơn đáp nghĩa, giải quyết chế độ cho người có công được triển khai thường xuyên, chu đáo. Chính sách dân tộc, tôn giáo tiếp tục được quan tâm, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin truyền thông, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất có nhiều tiến bộ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Nhìn lại chặng đường hơn 70 năm qua, càng tự hào bao nhiêu, chúng ta càng phải có trách nhiệm bấy nhiêu đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang mà các thế hệ đi trước giao phó. Chúng ta vẫn còn nhiều điều phải trăn trở, bởi vì Gia Lai vẫn là một tỉnh nghèo, đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng vẫn còn nhiều khó khăn. Một số mặt trong lĩnh vực văn hóa xã hội vẫn còn hạn chế nhưng chưa được khắc phục; những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị thế giới, sự chống phá của các tổ chức phản động, nhất là của bọn phản động FULRO lưu vong đã tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc của công cuộc đổi mới đất nước cũng như những kết quả đạt được trong việc đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, một lần nữa khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện trong tác phẩm "Dân vận" vẫn còn nguyên giá trị, làm cho tuyệt đại bộ phận nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, công tác dân vận cần tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đi vào chiều sâu, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng - Nhà nước với nhân dân, tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp: Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động về công tác dân vận của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị, nhất là của các cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu các cấp; Tăng cường thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng liên quan đến công tác dân vận, cuộc sống của nhân dân; tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, nhất là trong giải quyết các vấn đề liên quan đến người dân; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội theo hướng thiết thực, cụ thể, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chú trọng công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, trong đó có phong trào thi đua “Dân vận khéo”; Phát huy dân chủ, nhất là vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
 
Phạm Ngọc Xuân, Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Dân vận Tỉnh ủy
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com