Chư Prông: "Lấy sức dân để chăm lo cho dân"

Chư Prông: "Lấy sức dân để chăm lo cho dân"

25/03/2019


Với phương châm “Lấy sức dân để chăm lo cho dân”, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức hội, đoàn thể huyện Chư Prông đã tích cực triển khai thực hiện công tác dân vận với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả. Hoạt động này đã góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đời sống, vật chất tinh thần của người dân ngày một nâng cao.
Giúp dân thoát nghèo
 
Tôi vừa có chuyến công tác tại xã Ia Drăng và cảm nhận thật rõ những đổi thay của địa phương. Ông Mai Văn Thắng-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã-khẳng định, Ia Drăng được như hôm nay là nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành. Người dân trên địa bàn rất chịu khó làm ăn, chăm lo phát triển kinh tế. Đây lại là vùng đất đai phì nhiêu, thời tiết thuận lợi để phát triển các loại cây công nghiệp như: cà phê, hồ tiêu, cao su...
Ông Thắng cho hay, xã có 12 thôn, làng, trong đó tại 5 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước kia, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn do trình độ canh tác còn thấp, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, nhiều tập tục lạc hậu kìm hãm... Trước thực trạng đó, năm 2011, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chọn thực hiện điểm cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Theo đó, 3 hộ nghèo nhất làng Sung (gồm gia đình các ông: Siu Gôu, Rơ Châm Hiếu và Rơ Lan Hóp) được hỗ trợ bò sinh sản, giống cây trồng để sản xuất, chăn nuôi, cải thiện thu nhập. Năm 2016, cả 3 hộ đều đã vươn lên thoát nghèo, trở thành điểm sáng để người nghèo trong xã noi theo.
 
Là một trong những hộ được hỗ trợ thoát nghèo, ông Rơ Châm Hiếu cho biết: “Trước đây, gia đình mình nghèo nhất làng nhưng nhờ sự hướng dẫn, vận động của cán bộ, mình đã biết chăn nuôi, trồng cây cà phê, mỗi năm trừ chi phí còn tích lũy được hơn 20 triệu đồng. Có tiền, gia đình sửa lại nhà, mua sắm máy móc phục vụ sản xuất”.
 
 Việc giữ gìn vệ sinh môi trường chung trên địa bàn xã Ia Drăng cũng được người dân hưởng ứng thực hiện. Bà con tự nguyện đóng góp kinh phí thuê xe vận chuyển rác thải đem đi tiêu hủy. Hàng tuần, vào các ngày thứ ba, năm, bảy đều có xe đến thu gom rác thải. Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của nhân dân, cuối năm 2017, xã Ia Drăng đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
 
“Lấy sức dân để chăm lo cho dân”
 
Năm 2016, xã Bàu Cạn hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của huyện. Để có được kết quả đó, cùng với nỗ lực của hệ thống chính trị, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới đã được phát huy cao nhất.
Ông Đỗ Đức Thái-Phó Bí thư Đảng ủy xã Bàu Cạn-cho biết, sự đồng lòng chung sức của người dân có được là do cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đã thực hiện tốt công tác dân vận, mạnh dạn đổi mới nội dung, phương thức vận động nhân dân. Như chuyện làm đường giao thông nông thôn, nhờ làm tốt công tác dân vận mà đến nay đường làng 6 thôn đều được bê tông hóa, 97% các đường hẻm cũng được bà con tự đóng góp để bê tông hóa.     
 
“Xác định nhân dân vừa là chủ thể vừa là đối tượng thụ hưởng từ chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí với phương châm “Lấy sức dân để chăm lo cho dân”. Nổi bật có thể kể đến phong trào hiến đất, góp tiền để mở rộng đường giao thông nông thôn, làm đường điện, xây dựng nhà văn hóa xã, trồng cây xanh, tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp...”-ông Thái nói.
 
Thành công của xã Bàu Cạn trong xây dựng nông thôn mới còn được ghi nhận ở tiêu chí số 7 (chợ nông thôn). Chợ Bàu Cạn nằm trên địa bàn thôn Đoàn Kết. Để chợ hoạt động nền nếp, quy củ, chính quyền xã giao cho thôn quản lý mọi mặt. Ông Phạm Văn Sơn-Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Đoàn Kết-cho biết: “Vận động người dân vào chợ buôn bán là cả một quá trình, tuy rất khó nhưng không phải không làm được. Quan trọng là  vận động khéo, chỉ rõ cái lợi, cái bất lợi khi buôn bán trong chợ và nơi lề đường, chợ tự phát để người dân hiểu thì họ sẽ ủng hộ làm theo. Thôn cũng thành lập Ban quản lý chợ, nòng cốt là những cựu chiến binh để trông coi, quán xuyến chung. Dù cơ sở vật chất tại chợ chưa thật khang trang nhưng việc vận động được người dân vào chợ buôn bán đã là một thành công lớn, góp phần giúp xã cán đích nông thôn mới”. 
 
 
Nguồn Báo Gia Lai, ngày 25/3/2019
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com