Công tác tôn giáo > Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13 tháng 02 năm 20

Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13 tháng 02 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

22/06/2023


Sáng ngày 22 tháng 6 năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13 tháng 02 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh (viết tắt là Chỉ thị số 12-CT/TU).

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Hồ Văn Niên - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trương Hải Long - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung - Phó Bí thư Tỉnh ủy. Tham dự hội nghị tại điểm cầu chính của tỉnh có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đang công tác tại các cơ quan cấp tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Điều phối nông thôn mới của tỉnh.

Sau 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: (1) Nhận thức của người dân đã có nhiều thay đổi tích cực, từ trông chờ, ỷ lại sang chủ động, tự tin tham gia vào xây dựng nông thôn mới. (2) Hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư góp phần thay đổi bộ mặt của các làng đồng bào dân tộc thiểu số (nhất là điện, đường, sắp xếp nhà ở...). (3) Đời sống vật chất, tinh thần của người dân tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU được nâng lên; sinh hoạt, tập quán của người dân trong làng từng bước được thay đổi theo hướng văn minh, đặc biệt là tập quán chăn nuôi thả rông, nuôi gia súc dưới sàn nhà dần được xóa bỏ; môi trường từng bước được cải tạo xanh, sạch; an ninh trật tự được giữ ổn định, các hoạt động văn hóa truyền thống được duy trì và phát huy. (4) Các chương trình, mô hình liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp được triển khai bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. (5) Đã huy động được nguồn lực tổng hợp của các cấp, các ngành, các địa phương và sức mạnh nội lực của nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới; thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các chương trình đầu tư để thực hiện tốt Chỉ thị số 12-CT/TU.

Qua 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12, toàn tỉnh có 110 thôn, làng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới trên tổng số 206 thôn, làng đăng ký.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng bộc lộ những hạn chế cần quan tâm khắc phục, đó là: (1) Một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự vào cuộc, chưa quan tâm lãnh đạo thực hiện xây dựng làng nông thôn mới, hoặc có làm nhưng không quyết liệt dẫn đến hiệu quả còn hạn chế, có những địa phương dậm chân tại chỗ, không chuyển biến (các huyện: Ia Pa, Đak Pơ, Kông Chro, Chư Sê và thị xã An Khê). Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát chưa sâu sát và thường xuyên. (2) Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế, thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số có nội dung còn chung chung, chưa rõ dẫn đến kết quả chưa được như mong muốn. (3) Tỷ lệ hộ nghèo trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, người dân còn thiếu vốn làm ăn, thiếu đất sản xuất, thiếu kiến thức khoa học về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi; chưa biết tiết kiệm chi tiêu, tích lũy vốn... (4) Cơ sở hạ tầng hiện tại vẫn chưa đáp ứng yêu cầu trong xây dựng nông thôn mới, ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng làng nông thôn mới của địa phương còn nhiều khó khăn, chủ yếu là nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình. (5) Tiêu chí thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số ban hành chậm. Trình độ dân trí còn thấp, nhận thức còn hạn chế, khả năng tiếp cận khoa học công nghệ để ứng dụng vào sản xuất, nâng cao thu nhập còn yếu; chưa vận động được người dân thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang hình thức sản xuất hàng hóa, có liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đề nghị trong thời gian tới tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh, huyện, thị xã, thành phố đến xã, phường, thị trấn; đặc biệt là người đứng đầu cần xác định rõ trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, thường xuyên liên tục, thực chất. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, ưu tiên phát triển sản xuất; thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, các phong trào, cuộc vận động trên địa bàn xã, các nguồn hỗ trợ của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân để tạo được nguồn lực tổng hợp tập trung xây dựng làng nông thôn mới; tích cực giúp đỡ người dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, nhất là nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách. Các sở, ban, ngành của tỉnh tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí của ngành quản lý; kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để hướng dẫn địa phương hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng các cấp theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với cơ quan nhà nước cùng cấp tăng cường giám sát, tuyên truyền, động viên, huy động sức mạnh toàn dân và huy động mọi nguồn lực để cùng chung tay, góp sức xây dựng làng nông thôn mới; triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Đối với người dân tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số cần phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng làng nông thôn mới; chủ động tham gia thảo luận, quyết định và tổ chức thực hiện xây dựng làng nông thôn mới, xây dựng khu dân cư xanh, sạch, đẹp, có kinh tế - xã hội phát triển, an ninh trật tự được đảm bảo. Đoàn kết thống nhất, cộng đồng trách nhiệm, phát huy bản sắc văn hóa để cùng nhau xây dựng đời sống mới.

Dịp này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã tặng Bằng khen cho 12 tập thể và 16 cá nhân, đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS từ năm 2018 - 2022.


 
Hải Hạnh
 
 
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com