Công tác tôn giáo > Kết quả sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc

Kết quả sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc

23/06/2019


Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2003 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc, tỉnh Gia Lai đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc và thu được nhiều kết quả quan trọng, tích cực. Nhận thức về công tác dân tộc đã có sự chuyển biến rõ rệt, tạo sự đồng thuận giữa các tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, trong vùng đồng bào dân tộc đã có nhiều chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tăng nhanh hơn trước, tỷ lệ hộ nghèo giảm; kết cấu hạ tầng được cải thiện, hệ thống giao thông, công trình thủy lợi, điện, nước phục vụ sinh hoạt... được xây dựng ở hầu hết các xã trên địa bàn.
Tỉnh Gia Lai có 17 đơn vị hành chính; 222 xã, phường, thị trấn, 1.672 thôn, làng, tổ dân phố. Sau 15 năm thực hiện nghị quyết 24-NQ/TW, kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện và không ngừng được nâng cao. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã, thôn, làng có điện, trên 80% hộ được dùng nước hợp vệ sinh. Với nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc của Đảng, Nhà nước, tỉnh Gia Lai đã tích cực triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia như 132, 134, 135, 168, chính sách vay vốn theo Quyết định số 32, chính sách định canh, định cư theo Quyết định số 33… Từ đó, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển khá, GRDP bình quân đầu người đến năm 2018 đạt 45,3 triệu đồng/người/năm; chương trình xây dựng NTM được thực hiện với 60/184 xã đạt chuẩn, chiếm 32% số xã trong toàn tỉnh. Công tác xóa đói, giảm nghèo được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và được quan tâm chỉ đạo. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm nhanh từ 27,56% năm 2010 xuống còn 11,36% vào cuối năm 2015, cuối năm 2018 còn 10,04%. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện. Việc thay đổi tập quán lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số có bước chuyển biến tích cực, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, hạn chế được một số tiêu cực, thủ tục rườm rà; các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như: Tục chôn chung, nối dây, “thuốc thư” từng bước được xóa bỏ.
Công tác giáo dục, y tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm và đạt được những kết quả quan trọng. Toàn tỉnh có 15 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp trung học cơ sở, 02 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp trung học phổ thông với 3.980 học sinh theo học và 25 trường phổ thông dân tộc bán trú với 3.950 học sinh ở 08 huyện. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy học, các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số còn góp phần vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Hiện nay, có khoảng 500 học sinh người dân tộc thiểu số tại tỉnh học song ngữ Bahnar - Việt, Jrai - Việt. Bên cạnh đó, các sách công cụ, như: Từ điển Bahnar - Việt và Jrai - Việt được một số nhà giáo, nhà nghiên cứu, cơ quan thực hiện và phổ biến. Chính sách về bảo hiểm y tế được triển khai tích cực, đã cấp phát được 411.768 thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh có 80% trạm y tế xã có bác sỹ; bình quân đạt 26 giường bệnh/vạn dân.
Cùng với phát triển kinh tế, công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đời sống văn hóa, tinh thần của huyện cũng được quan tâm và có nhiều tiến bộ. Diện mạo nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều thay đổi, phát triển. Hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS, đồng bào có đạo được quan tâm xây dựng và củng cố, hoạt động có hiệu quả. Năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ vùng đồng bào DTTS, vùng tôn giáo ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Những kết quả trên đã khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc, công tác tôn giáo.
Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 21 đảng bộ trực thuộc với 1.022 tổ chức cơ sở đảng; 14.141 đảng viên người dân tộc thiểu số, chiếm 24,46% so với tổng số đảng viên toàn tỉnh, trong đó, đảng viên là người dân tộc Jrai 8.038 đồng chí, chiếm 13,9% so với tổng số đảng viên toàn tỉnh, đảng viên là người dân tộc Bahnar 4.481 đồng chí, chiếm 7,75% so với tổng số đảng viên toàn tỉnh, đảng viên người Tày 663 đồng chí, đảng viên người Mông 30 đồng chí và một số dân tộc khác. Đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được nâng lên về số lượng và chất lượng; đến nay, toàn tỉnh có 5.275 cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số, trong đó cấp tỉnh 1.192 người (chiếm 12,8%), cấp huyện 2.711 người (chiếm 13,7%); cấp xã 1.372 người (chiếm 29,4%). Số lượng cơ cấu đại biểu hội đồng nhân dân các cấp người dân tộc thiểu số nhiệm kỳ 2016 - 2021 là 2.636 người. Số ủy viên cơ cấu trong ủy ban mặt trận các cấp người dân tộc thiểu số nhiệm kỳ 2014 - 2019 có 3.638 vị. Việc phát huy vai trò của người có uy tín, cốt cán tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi được quan tâm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã xét, công nhận 1.256 người uy tín;
Với những kết quả qua 15 năm triển khai và thực hiện nói trên, đã thể hiện sự quan tâm lớn của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp của địa phương, nói lên tinh thần chỉ đạo nhất quán, ý thức trách nhiệm cao của cấp ủy Đảng, chính quyền về việc triển khai thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo của Đảng, Nhà nước ta với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ đó đã có tác động tích cực đến tâm tư, tình cảm của người dân góp phần nâng cao nhận thức đúng đắn về chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Nhân dân ngày càng phấn khởi, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân tộc tỉnh Gia Lai vẫn còn một số hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác dân tộc, việc thực hiện các chính sách dân tộc có lúc, có nơi còn có biểu hiện coi nhẹ. Việc thực hiện một số chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở một số ngành, địa phương chưa thật sự có hiệu quả. Chất lượng dạy và học ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp; điều kiện học tập, tiếp cận kiến thức, thông tin chưa đảm bảo. Đội ngũ cán bộ y tế ở một số nơi còn thiếu. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số chưa được quan tâm đúng mức. Một số cán bộ người dân tộc thiểu số được quan tâm bố trí, cơ cấu vào hệ thống chính trị nhưng vẫn hạn chế về trình độ, năng lực thực tiễn nên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước trong thời gian tới, tỉnh có những nhiệm vụ và giải pháp sau:
1. Tiếp tục quán triệt thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW và các chỉ thị, nghị quyết, chương trình của Trung ương, của tỉnh về công tác dân tộc và chính sách dân tộc như: Chương trình hành động 34-CTr/TU; Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Thông tri số 01-TT/TU, ngày 14 tháng 12 năm 2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Rà soát, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển bình đẳng, đúng pháp luật; tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện tốt các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia.
2. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ tại chỗ có năng lực và phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thường xuyên rà soát, đánh giá thực trạng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên; vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số phải có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là người dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò già làng, trưởng thôn, những người có uy tín để tập hợp, vận động đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục thực hiện tốt chế độ, chính sách cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số. Chú trọng giải quyết việc làm cho sinh viên người dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp ra trường.
3. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; đổi mới phương thức vận động quần chúng; đa dạng hóa các hình thức tập hợp, thu hút quần chúng vào tổ chức; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên.
4. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, gắn với tham gia xây dựng làng nông thôn mới theo tinh thần Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13 tháng 02 năm 2018 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh, ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen” theo tinh thần Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 04 tháng 6 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về ngăn chặn tình trạng vay tiền, mua nợ hàng hóa lãi suất cao trên địa bàn tỉnh. Chủ động phối hợp nắm chắc tình hình và tham mưu đề xuất cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời những vụ việc phức tạp, nảy sinh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không để lây lan, kéo dài, phát sinh thành điểm nóng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
5. Tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác dân tộc đảm bảo ổn định để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
 
 
Thu Loan
 
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com