Công tác tôn giáo > Những "cánh chim đầu đàn" trong đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đak Đoa

Những "cánh chim đầu đàn" trong đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đak Đoa

13/01/2021


Huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) hiện có 74 người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Họ không chỉ là cầu nối gắn kết ý Đảng-lòng dân mà còn như những “cánh chim đầu đàn” dẫn dắt dân làng phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng nông thôn mới.
 
Mặc dù đã bước qua tuổi 77 nhưng già làng Puih Kut (làng Brong Thông, xã Ia Băng) đều sắp xếp thời gian đến từng nhà để động viên, thăm hỏi bà con. Trước khi trở thành người uy tín của làng, ông là Trưởng thôn. Vì vậy, ông tường tận mọi hoạt động của làng.
 
Ông Kut chia sẻ: “Làng Brong Thông có 197 hộ, chủ yếu là người Jrai, chỉ có một vài hộ người Kinh vào buôn bán. Nguồn thu nhập chính của người dân là từ cà phê, cao su, hồ tiêu, trồng lúa nước và chăn nuôi bò, heo, dê”.
 
Vài năm trở lại đây, bà con đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, đời sống người dân từng bước được cải thiện. Trong làng hiện có vài hộ thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, 3 năm nay, nông sản mất mùa, mất giá và dịch bệnh khiến cho cuộc sống người dân thêm khó khăn.
 
“Vì vậy, tôi thường xuyên đến từng nhà nhắc mọi người chi tiêu tiết kiệm, chịu khó làm ăn, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhờ đó, làng Brong Thông không để xảy ra tình trạng trộm cắp vặt, bà con sống đoàn kết, đùm bọc, yêu thương nhau”-ông Kut nói.

Sau hơn 5 năm trong vai trò người uy tín, ông Hlưng (làng Groi Wết, xã Glar) được ví như “cánh chim đầu đàn” của cộng đồng. Mỗi khi có việc liên quan đến làng hay có nội dung mới cần tuyên truyền đến người dân, cán bộ xã, huyện đều tìm đến ông để phối hợp triển khai. Ngược lại, đối với những chính sách mới của Nhà nước, ông lại nhờ cán bộ phân tích, hướng dẫn để phổ biến đến người dân.
 
Ông Hlưng cho hay: “Để dân làng tín nhiệm thì không chỉ nói suông mà phải thể hiện bằng hành động, việc làm. Mình phải gương mẫu làm trước thì bà con mới tin tưởng, nghe và làm theo”.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông phẳng lỳ, ông Hlưng kể lại: “Cách đây 2 năm, đây còn là đường đất. Mùa nắng còn đỡ chứ mùa mưa lầy lội lắm, khổ nhất là vận chuyển nông sản và trẻ con đến trường”.

Cuối năm 2018, ông Hlưng đi đầu hiến đất làm đường. Một loạt cây trồng trong vườn nhà đã được ông chặt bỏ, cắm mốc lộ giới để mở rộng đường làng. Rồi ông đến từng nhà, phân tích cho bà con hiểu lợi ích của việc làm đường giao thông nông thôn, đặc biệt là con em thuận lợi đến trường, vận chuyển nông sản. Thấy hợp tình hợp lý, bà con đóng góp tiền, công sức làm đường.
 
“Mỗi hộ đóng 1 triệu đồng, gia đình mình đóng 2 triệu đồng. Bà con làm 1 công, vợ chồng mình làm 2 công. Như vậy, dân làng tin tưởng mới tích cực làm theo”-ông Hlưng thông tin.

Cùng với vận động người dân phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới, đội ngũ người uy tín ở Đak Đoa còn phối hợp với chính quyền cơ sở hòa giải thành công nhiều vụ việc phức tạp, nhất là mâu thuẫn vợ chồng, gia đình, hàng xóm, tranh chấp đất đai, trộm cắp vặt...
 
Từ đầu năm đến nay, ông Ang Lôh (làng Djrông, xã A Dơk) đã hòa giải thành công 8 vụ mâu thuẫn trong làng. Theo ông, các vụ việc gây mâu thuẫn không phải vấn đề quá lớn, nhưng do nhận thức của bà con còn hạn chế nên tự họ không hóa giải được. Lúc đó, ông là người trung gian dàn xếp, có những sự việc giải quyết kéo dài cả tuần mới thành.
 
Kể về vụ hòa giải mới đây, ông Ang Lôh cho biết: Trong thôn có 5 thanh niên bỏ học, ham chơi. Gần đây, nhóm này có biểu hiện trộm cắp cà phê của dân làng. Để xác minh rõ ràng sự việc, ông Lôh nhờ Công an viên, Ban công tác Mặt trận thôn theo dõi 5 ngày thì phát hiện Thil là 1 trong 5 thanh niên thường hái trộm cà phê của người dân. Ông Lôh đã phân tích để Thil nhận ra việc làm sai trái, vi phạm pháp luật.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Tiến Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện-khẳng định: Trên vai mỗi người có uy tín đang gánh khá nhiều trách nhiệm và kỳ vọng. Bởi họ là đầu mối của nhiều ngành, tổ chức đoàn thể, trong khi chế độ chính sách đãi ngộ đối với họ lại chưa có gì. Hàng năm, huyện cũng mới chỉ dừng lại việc gặp mặt, thăm, tặng quà. Nếu có chính sách đãi ngộ hàng tháng thì họ sẽ phát huy tốt hơn nữa vị trí, vai trò trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 
Nguồn Báo Gia Lai, ngày 13/01/2021
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com