Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của một số xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh
Từ ngày 30/3/2023 đến ngày 20/4/2023, Đoàn khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã tổ chức khảo sát qua báo cáo đối với UBND 05 huyện: Krông Pa, Ia Pa, Mang Yang, Chư Păh, Kbang; khảo sát trực tiếp tại các thôn, làng và làm việc với UBND 05 xã: Krông Năng, huyện Krông Pa; Pờ Tó, huyện Ia Pa; Đăk Trôi, huyện Mang Yang; Ia Kreng, huyện Chư Păh; Krong, huyện Kbang.
Qua khảo sát thực tế, các xã được khảo sát được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, quan tâm, đầu tư từ nhiều chính sách và các Chương trình mục tiêu quốc gia đã tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống của người dân ở một số xã vùng sâu, vùng xa, nhất là người dân tộc thiểu số.
Cơ sở hạ tầng cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống của nhân dân. Hệ thống đường giao thông được cứng hóa, đảm bảo đi lại thuận tiện. Các hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn. Trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng kiên cố.
100% thôn, làng có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng; công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc được quan tâm. Người dân được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet tại các điểm cung cấp dịch bưu chính công cộng ở các xã.
Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường được duy trì ở mức cao, phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cơ bản đảm bảo.
Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân được quan tâm, 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em.
Việc định canh, định cư, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư được chú trọng triển khai thực hiện, cơ bản giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho người DTTS trên địa bàn.
Đội ngũ cán bộ, công chức nói chung; cán bộ, công chức làm công tác dân tộc nói riêng và cán bộ người DTTS ở các xã từng bước được nâng cao về trình độ, năng lực.
Người dân thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý được tiếp cận và trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của một số xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại, như sau: (1) Một số cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa được đầu tư đồng bộ và duy tu, sửa chữa kịp thời, trên địa bàn một số xã đường giao thông xuống cấp, không đảm bảo an toàn khi lưu thông (Tuyến đường từ xã Đak Trôi đi xã Đê Ar và đoạn tuyến từ trung tâm xã đến ngã ba Kon Chiêng, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang); chưa có đường giao thông thuận lợi liên kết dân cư đến xã (Đường từ Thôn 5 đi làng Tung Gút để kết nối đường liên xã Krong, huyện Kbang); các công trình thủy lợi vừa và nhỏ như đập: Đập tràn trên đường đi thôn Bi Giông, Bi Gia nằm trên tuyến đường liên xã huyện Ia Pa thuộc địa phận xã Pờ Tó, có điểm đầu là Km1+426,00m (tiếp nối là đường BTXM cũ, Bm= 3,5m), điểm cuối kết thúc tại Km1+760,00m (tiếp nối là đường BTXM cũ Bm= 3,5m) hồ chứa nước khu vực suối Gyer, làng Đăk Bơt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang chưa được đầu tư, xây dựng; công trình nước sạch tự chảy đã hư hỏng không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của nhân dân, đa số các hộ dân đã đóng góp tiền tự mua đường ống dẫn về phục vụ nhu cầu sinh hoạt nhưng chất lượng nước chưa đảm bảo, còn 85 hộ dân ở xa các khu vực nguồn cung cấp nước, chưa có điều kiện dẫn nước về sinh hoạt tại xã Ia Kreng, huyện Chư Păh; một số điểm trường thiếu nước sạch, nhà vệ sinh, sân chơi, bãi tập cho học sinh; một số hộ nghèo người DTTS không có nhà tiêu hợp vệ sinh. (2)Việc thực hiện Dự án 2 (Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo) và Dự án 3 (Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng) Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Nội dung 1 Tiểu dự án 2 Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn gặp khó khăn trong quá trình triển khai,…(3) Học sinh ở các xã vùng sâu, vùng xa chủ yếu thuộc hộ nghèo người DTTS, khoảng cách từ nhà đến trường học xa, không có phương tiện di chuyển. Mặc dù trường không đủ điều kiện về số lượng học sinh để thành lập Trường phổ thông dân tộc bán trú nhưng để đảm bảo duy trì tỷ lệ học sinh đến lớp, nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương, giáo viên tại trường tiểu học, THCS trên địa bàn các xã đã huy động các nhà hảo tâm hỗ trợ cho học sinh ăn, ở tại trường, luân phiên phân công giáo viên quản lý học sinh ăn, ở tại trường ngoài giờ học; Các giáo viên dạy ở vùng sâu, vùng xa không được hưởng phụ cấp hoặc chính sách hỗ trợ nào khác ngoài lương. (4) Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ có thai và cải thiện dinh dưỡng ở trẻ em còn hạn chế, tỷ lệ sinh con tại nhà và tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn cao, như xã Đak Trôi, huyện Mang Yang có tỷ lệ sinh con tại nhà chiếm 81,6% và tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm 61,14%. (5) Tỷ lệ lao động qua đào tạo và có bằng cấp chứng chỉ trên địa bàn các xã nói chung và lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo còn thấp. Chủ yếu lao động phổ thông, sản xuất thuần nông phụ thuộc nhiều vào thời tiết, điều kiện tư nhiên, quy mô nhỏ lẻ, hiệu quả và giá trị kinh tế không cao. (6) Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, giao đất, giao rừng chưa đạt mục tiêu là động lực thúc đẩy người dân cải thiện sinh kế bằng nghề rừng, thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng; không có kinh phí thực hiện đo đạc đối với những diện tích đất lâm nghiệp đưa ra khỏi quy hoạch 03 loại rừng. (7) Trên địa bàn từng xã, thu nhập bình quân của người dân có sự chênh lệch (thu nhập bình quân của người dân tại làng Klư, xã Krong, huyện Kbang chỉ đạt 16.370.000 đồng/nguời/năm (thấp hơn 13.610.000 đồng/nguời/năm) so với thu nhập bình quân của người dân toàn xã Krong, huyện Kbang là 29.980.000 đồng/nguời/năm), không ổn định, dẫn đến công tác giảm nghèo chưa bền vững, chất lượng giảm nghèo chưa cao; còn tái nghèo, phát sinh nghèo và cận nghèo. Trong đó, thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo dân tộc thiểu số chủ yếu là về chất lượng nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh và nước sinh hoạt. (8) Công tác quản lý sau khi sắp xếp, bố trí ổn định dân cư trên địa bàn một số xã gặp khó khăn, các hộ dân tại các thôn, làng tái định cư chưa cấp được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn nhiều như tại thôn Bi Giông, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa; còn tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số.
Qua khảo sát, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị UBND các cấp chịu sự khảo sát và Thường trực HĐND tỉnh quan tâm, xem xét những nội dung sau:
1. UBND các xã
- Tổ chức triển khai thực hiện các dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Chủ động đầu tư xây dựng và huy động nguồn lực từ các nguồn hợp pháp khác để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của xã theo quy định của pháp luật, phục vụ dân sinh, thiết yếu, chú trọng đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đảm bảo chất lượng đạt chuẩn và nhà tiêu hợp vệ sinh tại các thôn, làng tái định cư.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; phát động các phong trào thể dục - thể thao, rèn luyện sức khỏe, văn hóa, văn nghệ quần chúng phù hợp với từng đối tượng; nhân rộng mô hình câu lạc bộ hoạt động văn hóa - văn nghệ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
- Thực hiện kế hoạch phát triển giáo dục ở địa phương, duy trì và nâng cao tỷ lệ đạt các tiêu chí về giáo dục và đào tạo thuộc thẩm quyền quản lý. Thường xuyên theo dõi, thống kê, nắm bắt nhu cầu về chế độ, chính sách cho các đối tượng là học sinh và giáo viên trên địa bàn xã nhằm kịp thời có giải pháp hỗ trợ hoặc kiến nghị với cấp có thẩm quyền để đảm bảo chất lượng giáo dục.
- Tổ chức thực hiện các chương trình y tế cơ sở, dân số, kế hoạch hóa gia đình; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền về cải thiện dinh dưỡng ở trẻ em, phổ biến kiến thức khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế nhằm giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ có thai.
- Đẩy mạnh công tác phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhằm nắm bắt nhu cầu về đào tạo lao động tại địa phương; cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm.
- Tổ chức và hướng dẫn việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án khuyến khích phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để phát triển sản xuất chăn nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương, chuyển đổi cây trồng phù hợp diện tích đất đã đưa ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số; hướng dẫn người dân lựa chọn giống cây trồng rừng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và có giá trị kinh tế cao. Chủ động xây dựng kế hoạch tham quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả ở các địa phương khác. Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình, dự án giảm nghèo phát triển sản xuất, nhằm tạo sinh kế, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
- Nâng cao công tác quản lý đất đai trên địa bàn, hướng dẫn các hộ dân tại các làng tái định cư hoàn thiện các thủ tục theo quy định pháp luật để được cấp Giấy chứng quyền sử dụng đất.
- Nâng cao nhận thức, thông tin về trợ giúp pháp lý, tăng cường khả năng thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý. Tăng cường chăm sóc, bảo vệ trẻ em và hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội.
2. UBND huyện
- Chỉ đạo UBND cấp xã tập trung triển khai, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Cân đối ngân sách huyện tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, kịp thời duy tu, sửa chữa các công trình nước sạch, thủy lợi nhỏ, các trường học thuộc địa bàn quản lý.
- Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển sự nghiệp y tế; chỉ đạo và kiểm tra việc bảo vệ sức khỏe nhân dân, chú trọng chăm sóc phụ nữ mang thai và trẻ em suy dinh dưỡng.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình khuyến khích phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp ở địa phương. Chỉ đạo UBND xã thực hiện các biện pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp, bảo vệ rừng, trồng rừng và khai thác lâm sản, phát triển ngành, nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất, trong đó, ưu tiên hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao liên kết theo chuỗi giá trị.
- Tổ chức khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là người dân tộc thiểu số, gắn với nhu cầu của thị trường.
- Hỗ trợ thúc đẩy và phát triển các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân sinh sống trên địa bàn. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cộng đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
3. UBND tỉnh
- Đề nghị khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho UBND cấp huyện, xã trong quá trình thực hiện quyết toán nguồn vốn các dự án, tiểu dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia đã thực hiện xong để giải ngân vốn theo quy định. Chỉ đạo các sở, ban, ngành chuyên môn có liên quan hướng dẫn UBND cấp huyện, xã triển khai thống nhất, đồng bộ các dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường có giải pháp hỗ trợ kinh phí thực hiện đo đạc đối với những diện tích đất lâm nghiệp đưa ra khỏi quy hoạch 03 loại rừng của các chủ rừng giao về cho địa phương quản lý, sử dụng theo quy định; hướng dẫn UBND các xã có làng tái định cư thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân theo quy định.
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù về chính sách hỗ trợ tiền ăn cho học sinh; hỗ trợ cho giáo viên kiêm thêm nhiệm vụ quản lý học sinh ở bán trú và cấp dưỡng nấu ăn cho học sinh được hưởng chế độ bán trú đối với những cơ sở giáo dục không đủ điều kiện về số lượng học sinh để thành lập Trường phổ thông dân tộc bán trú nhưng thực tế có học sinh ăn, ở tại trường.
4. Thường trực HĐND tỉnh
4.1. Đối với các xã được khảo sát, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị Thường trực HĐND tỉnh xem xét, đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ từ ngân sách tỉnh để đầu tư các nội dung sau:
(1) Sửa chữa, nâng cấp tuyến đường từ xã Đak Trôi đi xã Đê Ar và đoạn tuyến từ trung tâm xã đến ngã ba Kon Chiêng, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang.
(2) Xây dựng Đập thủy lợi tại suối Gyer, làng Đăk Bơt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang.
(3) Xây dựng Đập tràn thôn Bi Giông, Bi Gia (Trên đoạn đường từ Tỉnh Lộ 666 đi thôn Bi Giông, Bi Gia), xã Pờ Tó, huyện Ia Pa.
(4) Xây dựng đường từ Thôn 5 đi làng Tung Gút L=7,5 km (đường BTXM) để kết nối đường liên xã Krong, huyện Kbang.
(5) Xây dựng Dự án mở rộng dân cư làng Klư, xã Krong, huyện Kbang.
4.2. Nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị Thường trực HĐND tỉnh xem xét, đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết đặc thù quy định: Về chính sách hỗ trợ tiền ăn cho học sinh; hỗ trợ cho giáo viên kiêm thêm nhiệm vụ quản lý học sinh ở bán trú và cấp dưỡng nấu ăn cho học sinh được hưởng chế độ bán trú đối với những cơ sở giáo dục không đủ điều kiện về số lượng học sinh để thành lập Trường phổ thông dân tộc bán trú nhưng thực tế có học sinh ăn, ở tại trường.
Phương Trinh