Công tác tôn giáo > Vấn nạn "Thuốc thư, Ma lai" trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh

Vấn nạn "Thuốc thư, Ma lai" trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh

02/03/2015


Hỏi đến “ma lai, thuốc thư” không ai biết là gì, nhưng nó vẫn âm ỉ tồn tại trong đời sống của cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Theo lý giải của một số người Bahnar, Jarai thì “ma lai” là một thứ ma không có hình thù cố định, thường ẩn náu trong thân xác người bình thường khó phân biệt, ban đêm lang thang đi giết người để ăn nội tạng. Khi có tiếng chim lợn kêu, người ta tin đó là “ma lai” đang cưỡi chim lợn và trong làng ắt có người chết. Người có “ma lai” sẽ làm ra “thuốc thư”. Nếu ghét ai thì sẽ bỏ “thuốc thư” cho người đó đau ốm mà chết. Người bị nghi là “ma lai”, hoặc có “thuốc thư” bị cộng đồng xa lánh, bị đuổi ra khỏi làng, thậm chí bị giết cả nhà.
Trong những năm qua trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra khá nhiều vụ nghi “ma lai, thuốc thư” dẫn đến chết người; Tính từ năm 2010 đến tháng 6/2012, trên địa bàn huyện Mang Yang, Chư Sê, Đak Đoa…đã có khoảng 10 người bị đánh chết vì nghi có “thuốc thư”, hàng chục căn nhà bị đập phá, xô đổ và hàng trăm người thân của người nghi có “thuốc thư” bị cộng đồng xa lánh.
Chỉ tính riêng năm 2014, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ “ma lai, thuốc thư” tại 10 làng thuộc 9 xã, thị trấn của 6 huyện (Chư sê, Đak Đoa, Ia Grai, Phú Thiện, Kông Chro, Thị xã Ayun Pa), đã xảy ra 3 vụ xung đột, 02 vụ chết 02 người, 03 người bị thương và một số tài sản, nhà cửa bị đập phá hư hỏng. Chuyện đau lòng về “ma lai, thuốc thư” đã khiến người thì chết oan, người thì đi tù, người thì mất tài sản, nhà cửa, người thì bị đuổi khỏi làng... Nguyên nhân của việc nghi ngờ “thuốc thư” ở một số vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là do nhận thức lạc hậu đã ăn sâu vào tư tưởng, nếp nghĩ, lối sống, sinh hoạt của đồng bào, rất khó vận động để người dân từ bỏ. Bên cạnh đó có tình trạng một số người dân tộc thiểu số mắc bệnh hiểm nghèo, phổ biến nhất là bệnh ung thư, xơ gan cổ trướng, suy thận, đau dạ dày, đại tràng… nhưng không được phát hiện lại trùng hợp ngẫu nhiên với những lời nói vô tình của những người đang bị nghi ngờ có “thuốc thư”, khi bịnh bộc phát người ta tin là do người có “thuốc thư” gây ra. Một nguyên nhân khác là do một số đối tượng xấu, thầy mo, thầy cúng... tuyên truyền, lừa gạt nên người dân tộc thiểu số càng tin là có   “ma lai, thuốc thư”.
Mặt khác, có một số đối tượng người dân tộc thiểu số lười lao động, thường hay uống rượu, gây mâu thuẫn và có những lời nói đe dọa người khác là mình có thuốc thư làm người dân trong làng hoang mang, sợ hải nên khi có người trong làng đau ốm lâu ngày không khỏi, hoặc bị chết thì họ đều nghi ngờ người này bỏ “thuốc thư” làm  ra như vậy .
Để giải quyết kịp thời những vụ việc liên quan đến vấn đề “ma lai, thuốc thư”, thiết nghĩ cần thực hiện tốt một số công tác sau:
Một là, nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên  hiểu và nhận biết đúng tác hại của hủ tục “Ma lai, thuốc thư” và phải coi đây là nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành để đề ra các giải pháp đúng đắn và đồng bộ trong việc tuyên truyên, vận động đồng bào DTTS xóa bỏ hủ tục “Ma lai, thuốc thư” trên địa bàn  một cách có hiệu quả nhất.
Hai là, tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức cho đồng bào trong việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng nếp sống văn minh, kiên quyết đẩy lùi và xóa bỏ những hủ tục lạc hậu nhất là vấn đề “Ma lai, thuốc thư” ra khỏi đời sống cộng đồng.
Ba là, duy trì và phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc các tôn giáo, người có uy tín để họ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, quy ước, hương ước, vận động dân làng xóa bỏ các hủ tục lạc hậu nhất là hủ tục “Ma lai, thuốc thư”, xây dựng nông thôn mới, thôn, làng văn hóa; làm chỗ dựa, làm tai mắt trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, phản ảnh kịp thời đến các cấp chính quyền để có biện pháp giải quyết kịp thời.
Bốn là, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa làm chỗ dựa, nền tảng trong việc đấu tranh xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong đó có vấn đề “Ma lai, thuốc thư”.
Năm là, hàng năm chính quyền các cấp tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết đánh giá lại kết quả vận động đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ hủ tục lạc hậu, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ này, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề ra những giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả cho những năm tiếp theo.
Giải quyết vấn đề “Ma lai, thuốc thư” trên địa bàn tỉnh Gia Lai là vấn đề khó vì nó phần nào ảnh hưởng đến niềm tin cố hữu ăn sâu vào trong tư tưởng, tiềm thức từ nhiều đời nay của đồng bào các dân tộc thiểu số, vì vậy đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cần coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các cơ quan, ban ngành và được đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy thì mới có thể giải bài toán “Ma lai, thuốc thư” trên địa bàn tỉnh, đem lại sự bình yên cho buôn, làng, góp phần giữa vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.                      
 
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com