Công tác mặt trận - đoàn thể > Công tác xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân huyện Kbang

Công tác xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân huyện Kbang

10/03/2019


Kbang là huyện miền núi nằm ở phía đông tỉnh Gia Lai; diện tích đất tự nhiên: 184,074 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 78,7%; gồm 13 xã, 1 thị trấn, có 21 dân tộc sinh sống; kinh chiếm 51,8%, Bah nar chiếm 39,46%, còn lại là dân tộc khác. Tình hình phát triển kinh tế xã hội tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất năm 2017 đạt 7,83%. Trên lĩnh vực Nông nghiệp của huyện những năm qua tiếp tục chuyển biến tích cực, cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 55,24%; tổng diện tích gieo trồng năm 2017 là 34.424,9 ha, tăng 16,9% so với năm 2011; tổng đàn gia súc năm 2017 là 55.003 con, tăng 11,6% so với năm 2011.

Những thành tựu to lớn trong sản xuất nông nghiệp, đã góp phần làm thay đổi nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân; bộ mặt nông thôn, đời sống vật chất tinh thần của nông dân không ngừng được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững; Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động, thực hành dân chủ ở cơ sở có nhiều tiến bộ… Tuy nhiên, tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tổ chức Hội và phong trào nông dân đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn của sự hội nhập kinh tế quốc tế, tình hình lạm phát, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, lao động nông thôn thiếu việc làm ngày càng tăng; sản xuất còn manh mún, chưa tập trung và thiếu thông tin về khoa học kỹ thuật và liên kết thị trường; diễn biến của biến đổi khí hậu ngày càng khó lường; chất lượng, hiệu quả cạnh tranh các mặt hàng nông sản còn thấp; đời sống của nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; thu nhập bình quân đầu người còn thấp (cuối năm  2017 đạt 25,6 trđ/người/năm) so với mặt bằng chung của tỉnh; tỉ lệ hộ nghèo còn cao (chiếm 17,02%).

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, nhằm hỗ trợ, giúp đỡ hội viên nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao quy mô sản xuất và sản xuất hàng hóa; góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và từng bước phát triển kinh tế tập thể ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân và xây dựng Hội vững mạnh. Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ trên, trong những năm qua, Hội Nông dân huyện đã xác định xây dựng và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân (QHTND) là nhiệm vụ trọng tâm của Hội, góp phần giúp hội viên, nông dân phát triển kinh tế.

Với sự nỗ lực không ngừng của Ban vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện, xã, đến nay tổng nguồn vốn vận động được là 2.384,251 triệu đồng, trong đó từ nguồn ngân sách huyện trích bổ sung vào nguồn Quỹ là 700 triệu đồng, tăng 1.284,251 triệu đồng. Từ nguồn quỹ trên, Hội đã triển khai quay vòng vốn được 25 dự án, với doanh số cho vay 5.137 triệu đồng, với 338 hộ vay và giải quyết việc làm cho 400 lao động. Các dự án tập trung cho xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như: Chăn nuôi bò sinh sản kết hợp với nuôi trùn quế; trồng và chăm sóc cà phê, cao su, chanh dây; trồng và chăm sóc các loại rau và cho vay nhằm hạn chế tín dụng đen.

Ngoài ra, Hội Nông dân huyện còn tranh thủ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân ủy thác của Trung ương với kinh phí 1.100 triệu đồng. Đến nay đã quay vòng (03 lượt), triển khai cho 09 dự án, giải quyết việc làm cho 188 lao động. Triển khai xây dựng 01 dự án, 180 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 10 hộ hội viên nông dân tham gia xây dựng cánh đồng mía lớn. 

Các dự án triển khai đều gắn với các mô hình kinh tế tập thể và nhân rộng sang nhiều hộ dân khác, như: mô hình trồng rau an toàn tại xã Đông, các hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi trên 1,4 ha đất canh tác từ trồng mì sang trồng cây cà chua SIGENTA thu lợi nhuận tăng 3 lần so với trồng mì; cây chanh dây xã Sơn lang, đã chuyển đổi 07 ha đất bãi trồng bắp 02 vụ sang trồng cây chanh dây năng suất cao, dễ tiêu thụ, giá cao gấp nhiều lần so với trồng bắp; dự án chăn nuôi bò sinh sản tại ở xã Kông Lơng Khơng, sau gần 02 năm thực hiện dự án đến nay đàn bò đã sinh sản thêm 09 con bê, nâng tổng đàn bò của dự án lên 27 con…
Từ nguồn vốn trên, đã góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nâng cao đời sống của nông dân, tăng thu nhập, giảm nghèo, nâng cao quy mô sản xuất và sản xuất hàng hóa, phát triển ngành nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức tập thể ở nông thôn, tạo việc làm, thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Từ đó, khẳng định được vai trò, trung tâm nòng cốt trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, làm cho hoạt động Hội và phong trào nông dân có nội dung phong phú hơn, có lợi ích cụ thể, thu hút được đông đảo hội viên tham gia sinh hoạt, chất lượng hoạt động được nâng lên đáng kể.

Những kết quả trên đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống Hội với công tác xây dựng, quản lý, điều hành Quỹ HTND và hoạt động dịch vụ hỗ trợ vốn cho nông dân; giúp hội viên nông dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; đồng thời đẩy mạnh các phong trào thi đua trong nông dân, tham gia thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh ở nông thôn; tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo có thu nhập ổn định, làm cơ sở vươn lên hộ khá, giàu. Mặt khác, củng cố niềm tin trong nông dân với công tác hội, thu hút nông dân tham gia tổ chức Hội.

Từ những kết quả đạt được trong việc xây dựng Quỹ hỗ trợ Nông dân huyện Kbang, rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Một là, các cấp Hội tập trung tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết 26 của BCHTW Đảng (khóa X) “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; Kết luận số 61-KL/TW ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 05/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, phối hợp tốt với UBND cùng cấp, củng cố đẩy mạnh hoạt động của Ban vận động xây dựng QHTND, xây dựng Kế hoạch triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các thành viên trong Ban vận động, giao chỉ tiêu cụ thể cho các đơn vị, Hội cơ sở; đưa chỉ tiêu ủng hộ xây dựng QHTND vào hệ thống chỉ tiêu thi đua đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong huyện để xét thi đua khen thưởng hàng năm của Nhà nước và của Hội.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động tạo nguồn vốn Quỹ HTND theo hướng xã hội hóa, tranh thủ nguồn vốn vận động từ các tổ chức, cá nhân đóng góp; đồng thời đề nghị ngân sách nhà nước trích bổ sung nguồn Quỹ HTND. Trong tổ chức hoạt động của Quỹ HTND các cấp cần chú trọng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gắn với định hướng và quy hoạch vùng nguyên liệu của địa phương, tập trung xây dựng và nhân rộng các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả trên địa bàn. Tổ chức tốt công tác cho vay vốn đảm bảo quy định của Điều lệ Quỹ của Trung ương Hội, thường xuyên nắm chắc diễn tiến của nguồn Quỹ huyện, chỉ đạo giải ngân hỗ trợ cho những hộ hội viên thật sự khó khăn thiếu vốn sản xuất. Việc bình xét hộ vay được tiến hành dân chủ, công khai ở chi hội; thủ tục đơn giản theo quy định, tạo điều kiện để hộ vay tiếp cận dễ dàng nguồn vốn của Quỹ được thuận lợi. Việc đưa vốn vào sử dụng và quá trình sử dụng vốn để sản xuất của hộ vay được sự hướng dẫn, kèm cặp, giúp đỡ của chi hội, tạo điều kiện cho hộ sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy được hiệu quả nguồn vốn.

Ba là, thực hiện hỗ trợ vốn đúng mục đích, đúng đối tượng, bảo toàn và phát triển nguồn vốn. Triển khai xây dựng các dự án phải gắn với thực hiện các Nghị quyết, chủ trương của Huyện ủy về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình kinh tế tập thể (Tổ hội nghề nghiệp, nhóm sở thích, Hợp tác xã...); xây dựng và nhân rộng các mô hình nông dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn; đồng thời là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên hàng năm của các cấp Hội.

Bốn là, thường xuyên củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ban vận động xây dựng Quỹ huyện và cơ sở đảm bảo, có trình độ chuyên môn về quản lý kinh tế, tài chính, có phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ, góp phần đẩy mạnh hoạt động, công tác Hội và phong trào nông dân.

Năm là, thường xuyên duy trì tốt chế độ kiểm tra, giám sát hoạt động Quỹ HTND, kịp thời phát hiện chấn chỉnh, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc và hạn chế rủi ro; phối hợp với các ngành xử lý nợ quá hạn. Tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình triển khai thực hiện; đồng thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong vận động, ủng hộ và điều hành Quỹ có hiệu quả.

 
Ngọc Thọ
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com