Công tác mặt trận - đoàn thể > Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Của câu lạc bộ, đội, nhóm trong trường trung học phổ thông

Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Của câu lạc bộ, đội, nhóm trong trường trung học phổ thông

12/04/2020


Trong giai đoạn hiện nay, xã hội ngày một phát triển, nhu cầu được giao lưu, học hỏi, trải nghiệm của đoàn viên thanh niên theo đó cũng ngày càng cao hơn. Chính vì vậy, việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội để đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên ở các trường Trung học phổ thông (THPT) là điều cần thiết, góp phần xây dựng tổ chức Đoàn, Hội trở thành mái nhà chung để đoàn kết, giáo dục và rèn luyện sinh viên.
Trước thực tiễn đó, từ nhiều năm nay, Đoàn Thanh niên và Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã chỉ đạo cho Hội LHTN các trường THPT nỗ lực tìm kiếm những phương cách và mô hình hoạt động mới nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong đó, việc xây dựng và phát triển các câu lạc bộ (CLB), đội nhóm học sinh theo sở thích, chuyên môn, năng khiếu là một hướng đi mang lại hiệu quả thiết thực giúp nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn, Hội cũng như hỗ trợ tích cực cho học sinh trong học tập và rèn luyện, nâng cao nhận thức và trình độ kỹ năng, nhất là các kỹ năng cần thiết để tiếp cận thế giới hiện đại. Việc xây dựng các câu lạc bộ kỹ năng cho học sinh trong các trường THPT là mô hình không mới và đã được áp dụng rộng rãi hiện nay. Thời gian qua, với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, các CLB, đội, nhóm ở các trường đã tạo sức lan tỏa lớn, làm được nhiều chương trình từ thiện ý nghĩa, khẳng định sự năng động của tuổi trẻ và sự cống hiến của thanh niên vì lợi ích chung của cộng đồng.
Đối với các trường THPT trên địa bàn tỉnh, hiện nay có nhiều CLB, đội, nhóm học sinh về kỹ năng và sở thích, là câu lạc bộ do các trường thành lập hoặc là do các trường học liên kết thành lập. Mỗi CLB, đội, nhóm tập trung vào một mảng cụ thể, gắn với sở thích, sở trường trên cơ sở phát huy trí tuệ của các thành viên nên công tác tổ chức hoạt động rất thực chất và hiệu quả. Điều đó giúp các hoạt động hỗ trợ học tập, đào tạo kỹ năng được tổ chức thường xuyên, chất lượng; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao luôn được nâng cao chất lượng, các hoạt động tình nguyện được tổ chức thường xuyên, rộng khắp.
Nổi bật là Đội thanh niên xung kích với vai trò là lực lượng nòng cốt không chỉ thực hiện các công việc tình nguyện tại chỗ như đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ văn minh học đường, tuyên truyền pháp luật, Tiếp sức mùa thi, Hoa phượng đỏ… mà còn tổ chức các chương trình thiện nguyện tặng quà cho trẻ mồ côi, gia đình chính sách. Có những nhóm tình nguyện có những hình thức làm việc hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao.
Tiếp đến là Câu lạc bộ Âm nhạc tham gia biểu diễn rất nhiều hoạt động, sân chơi cũng như các sự kiện lớn nhỏ tại trường. Ngoài ra, còn phải kể đến mô hình hoạt động của các CLB Kĩ năng học sinh năng động của các nhà trường với nhiều hoạt động thường xuyên có chiều sâu, các thành viên được rèn luyện bản thân thông qua các lớp kỹ năng trong giao tiếp, cách học tập, cách tiếp cận thế giới công nghệ thông tin, nhiếp ảnh,..., giúp học sinh tự tin hơn trong cuộc sống.
Để có các nội dung phong phú, đi sát vào thực tiễn và kinh phí tổ chức thì  những thành viên chủ chốt của các CLB, đội, nhóm đã chủ động lên kế hoạch với nhiều ý tưởng hay, tổ chức đi tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức đa dang như: thu gom phế liệu, quyên góp giúp đỡ từ cơ quan, đơn vị và các số cá nhân có lòng hảo tâm để gây quỹ cho cho các chương trình, thậm chí là các bạn tự đóng góp, trao đổi vật phẩm như sách vở và các vật dụng thiết yếu để có những chương trình thành công.
Từ thực tiễn hoạt động của các mô hình CLB, đội, nhóm tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh cho thấy đây là môi trường thuận lợi để đoàn viên thanh niên trở thành chủ thể của hoạt động, phát huy được tính sáng tạo của mình. Thực sự trở thành nơi các bạn trẻ chia sẻ kiến thức trong học tập, rèn luyện kỹ năng sống cho bản thân. Các CLB, đội, nhóm cũng chính là kênh thông tin tuyên truyền hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến thanh niên; đồng thời là nơi phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố tích cực bổ sung cho lực lượng cán bộ đoàn, hội tiêu biểu nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên.
Bên cạnh những kết quả và lợi ích của các mô hình CLB, đội, nhóm mang lại thì còn đó những tồn tại nhất định như: Một số hoạt động còn nặng về tính hình thức. Điều kiện về kinh phí và cơ sở vật chất hoạt động câu lạc bộ vẫn còn hạn chế. Vẫn còn một số lượng lớn các bạn đoàn viên thanh niên thờ ơ với phong trào chung, không tự giác rèn luyện bản thân trong các CLB, đội, nhóm.
Câu lạc bộ thu hút, tập hợp đoàn viên rất tốt nhưng trên tinh thần tự nguyện, thiếu ràng buộc nên tổ chức có khi lỏng lẻo, số lượng thành viên thường xuyên dao động dẫn đến nhiều hoạt động dài hơi bị thiếu nhân lực và thất bại trong một thời gian ngắn.
Để đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng, sở thích; tạo dựng môi trường thuận lợi để rèn luyện và phát triển năng lực cho sinh viên, nắm bắt diễn biến tư tưởng của đoàn viên, sinh viên tốt hơn; để các câu lạc bộ đó thực sự trở thành “Cánh tay nối dài” của Đoàn và Hội, hỗ trợ đắc lực trong việc đoàn kết, tập hợp đoàn viên thanh niên thì tổ chức Hội tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, đối với bản thân mỗi đoàn viên thanh niên cần ý thức được những lợi ích các bạn sẽ có được khi tham gia các CLB đội nhóm. Tự giác rèn luyện được ít nhất là  kỹ năng: giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, quản lý thời gian và nhận định vấn đề. Đoàn viên thanh niên khi tham gia sinh hoạt trong các Câu lạc bộ chính là cơ hội giao lưu, để tránh khỏi các tệ nạn xã hội khác.
Thứ hai, đối với tổ chức Đoàn, Hội ở các trường cần phải xây dựng các câu lạc bộ kỹ năng cho đoàn viên thanh niên có hệ thống trên các lĩnh vực: văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, kỹ năng, công tác xã hội, sở thích…nhằm tạo môi trường cho học sinh tham gia ngoài giờ học. Luôn có sự đổi mới trong nội dung sinh hoạt nhằm thu hút được sự quan tâm, tham gia của đoàn viên thanh niên. Các Câu lạc bộ này có thể trở thành một đầu mối để Đoàn, Hội đánh giá năng lực sáng tạo, năng lực phấn đấu của học sinh, từ đó cùng với kết quả học tập có thể phát hiện đoàn viên thanh niên ưu tú.
Bên cạnh việc xây dựng hệ thống câu lạc bộ, Đoàn và Hội vẫn quan tâm phát huy vai trò của Liên chi đoàn và các chi đoàn, đảm bảo quy tắc sinh hoạt của Đoàn thanh niên và Hội LHTN. Các hoạt động cần thiết thực, phù hợp với đặc thù từng trường, kích thích được tính sáng tạo và sự tham gia của đoàn viên thanh niên.
Thứ ba, đối với CLB, đội, nhóm kỹ năng cho học sinh, khi tổ chức các chương trình phải có sự sáng tạo, phá vỡ lối mòn quen thuộc, tạo cho các bạn sự mới lạ và kích thích mọi người tham gia. Mỗi chương trình sinh hoạt phải mở đầu thật ấn tượng phải đạt được mục tiêu “từ sự bất ngờ mang đến niềm đam mê”, luôn luôn cố gắng tạo cảm giác “ai cũng là trung tâm” bằng cách tạo thật nhiều công việc, nhiều cơ hội thể hiện, để không ai cảm thấy lạc lõng trong tổ chức. Và kết thúc mỗi hoạt động cần để lại một ấn tượng đẹp đối với người tham gia.
Đồng thời, cần có sự ghi nhận và đánh giá sát sao các hoạt động để giúp đỡ, hay tuyên dương các gương điển hình trong các buổi tổng kết, tạo được sự thi đua giữa các Câu lạc bộ, giữa các thành viên với nhau.
Hệ thống câu lạc bộ phải được xây dựng theo phương châm lấy hiệu quả làm căn cứ, tránh việc xây dựng câu lạc bộ một cách hình thức, phô trương.
Thứ tư, về phía các nhà trường, tiếp tục quan tâm, chăm lo, chỉ đạo thường xuyên các hoạt động của Đoàn, Hội. Tạo điều kiện tối đa cho các hoạt động CLB, đội, nhóm.  Xem đây là một trong những biện pháp tối ưu để tập hợp, quản lý đoàn viên thanh niên, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho mỗi đoàn viên thanh niên, đáp ứng được nhu cầu từ xã hội.
 
Khôi Nguyên
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com