Công tác mặt trận - đoàn thể > Mang Yang: Vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Mang Yang: Vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm

27/03/2020


(GLO)- Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mang Yang đã triển khai nhiều mô hình nhằm cụ thể hóa cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.
HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH ĐIỂM
 
Tháng 12-2019, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mang Yang đã chọn 4 hộ ở làng Chrơng 2 (xã Đak Ta Ley) để hỗ trợ thực hiện mô hình điểm nuôi dê sinh sản. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là 34 triệu đồng, trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ 30 triệu đồng, các gia đình đối ứng 4 triệu đồng. Các hộ tham gia mô hình đều là người dân tộc thiểu số, có điều kiện đất đai, kinh phí làm chuồng nuôi nhốt đảm bảo cách xa nhà ở, tránh gây ô nhiễm môi trường; đảm bảo điều kiện nhân lực chăm sóc, nguồn thức ăn cho dê. Mỗi gia đình được cấp 2 con dê. Ngoài chăm sóc dê ăn uống đầy đủ, người nuôi thường xuyên vệ sinh máng ăn uống, định kỳ phát quang khu vực xung quanh, khơi thông cống rãnh và sát trùng chuồng trại; tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm như: tả, tụ huyết trùng... đảm bảo cho dê phát triển khỏe mạnh. Sau 4 tháng triển khai, đàn dê của các gia đình phát triển tốt, một số đã sinh sản.
Theo chân bà Dương Thị Mỹ Hà-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đak Ta Ley, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi dê sinh sản của gia đình anh Kưi. Khu chuồng nuôi dê được anh Kưi làm phía sau vườn, cách xa ngôi nhà sàn. Anh Kưi phấn khởi nói: “Tháng 12-2019, tôi được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ 2 con dê. Tôi bỏ thêm 16 triệu đồng mua 4 con nữa. Sau 4 tháng nuôi, dê đẻ được 6 con. Tôi thấy nuôi dê dễ hơn so với các con vật khác bởi không phải tốn công chăn dắt. Thức ăn cho dê là các loại lá cây dễ kiếm, có sẵn trong vườn nhà”.
 
Tương tự, mô hình điểm “Nấu rượu ghè bằng men truyền thống” tại làng Rỏh (xã Lơ Pang) do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mang Yang triển khai năm 2019 cũng đem lại hiệu quả tích cực. Bà Đinh Thị Lan-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Lơ Pang-cho hay: “Khi mô hình được triển khai, bà con trong làng rất phấn khởi. Tết vừa rồi, 10 gia đình tham gia mô hình cùng nhau làm hơn 100 ghè rượu và đều tiêu thụ hết. Mô hình này đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số biết sản xuất, kinh doanh theo hướng hàng hóa bằng chính đặc sản của mình, từ đó khơi dậy tình yêu với nghề truyền thống, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc”.
 
TIẾP TỤC TRIỂN KHAI VÀ NHÂN RỘNG
 
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mang Yang-cho biết: “Các mô hình điểm khi triển khai đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Nhiều gia đình ở làng Chrơng 2 nhận thấy hiệu quả của mô hình nuôi dê sinh sản cũng tự đầu tư chuồng trại và tìm mua con giống về nuôi. Chị em phụ nữ ở làng Rỏh thì ý thức hơn trong việc giữ gìn và tăng thu nhập từ nghề truyền thống. Trong năm 2020, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch triển khai thêm các mô hình điểm, đầy đủ, toàn diện hơn để bà con ở các làng khác làm theo”.
Cụ thể, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mang Yang chọn làng Rỏh (xã Lơ Pang) và làng Dơ Nâu (xã Kon Thụp) để triển khai mô hình điểm phát triển toàn diện mọi mặt từ sản xuất nông nghiệp, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, xây dựng môi trường xanh-sạch-đẹp đến xây dựng hệ thống tổ chức chính trị vững mạnh. Để làm được điều đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, chính quyền xã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với hệ thống chính trị làng tích cực tuyên truyền, vận động bà con đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, cải tạo vườn tạp, trồng rau xanh, chi tiêu hợp lý, tiết kiệm; thực hiện xây dựng chuồng trại gia súc, gia cầm xa nơi ở; có nhà tiêu hợp vệ sinh; triển khai mô hình “Con đường hoa”, “Hàng rào xanh”. Đồng thời, phát huy vai trò của các nghệ nhân trong truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát, duy trì và phục dựng các lễ hội truyền thống…; phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
 
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện nhấn mạnh: “Triển khai mô hình điểm phát triển toàn diện tại 2 làng Rỏh và Dơ Nâu là cách làm thiết thực nhằm thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Sau 1 năm triển khai, nếu 2 mô hình này đạt hiệu quả, chúng tôi sẽ nhân rộng thêm tại các làng khác. Thông qua đó từng bước giúp đồng bào dân tộc thiểu số dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từ bỏ tập quán lạc hậu, biết cách thức làm ăn, biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết quản lý chi tiêu kinh tế gia đình, sử dụng đồng tiền có hiệu quả, tích lũy để tái đầu tư sản xuất; không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà tự lực vươn lên xóa đói giảm nghèo; đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo chung của huyện”.
Nguồn: Báo Gia Lai

|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com