Công tác mặt trận - đoàn thể > Người cao tuổi Gia Lai thực hiện có hiệu quả quyết tâm thư của đại biểu già làng các DTTS khu vực T

Người cao tuổi Gia Lai thực hiện có hiệu quả quyết tâm thư của đại biểu già làng các DTTS khu vực Tây Nguyên gửi Bác

23/02/2019


Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, vai trò của già làng, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số được nâng lên. Đây cũng là động lực thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi để già làng, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu sổ có những đóng góp tích cực trong việc tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an ninh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện đại đoàn kết dân tộc, xây dựng ý thức pháp luật cho người dân trong cộng đồng dân tộc mình, địa phương mình.

Gia Lai là tỉnh miền núi có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, bên cạnh đó tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước thường xuyên chống phá ta trên nhiều lĩnh vực. Trước tình hình đó, thực hiện Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg ngày 01/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Quyết định số 2561/QĐ-TTg, ngày 31/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tăng cường vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số”... ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt danh sách là người có uy tín trong năm 2018, với tổng số 599 người/1.256 già làng được được hưởng các chế độ, chính sách theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng chính phủ.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và Ủy ban nhân dân các cấp, sự giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi của Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể các cấp, của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; 10 năm qua, các già làng, người uy tín trong tỉnh đã tích cực thực hiện 5 lời hứa trong quyết tâm thư của đại biểu già làng các dân tộc thiểu số khu vực Tây nguyên. Từ chỗ nhiều hộ đồng bào DTTS sống du canh du cư, phá rừng làm nương rẫy đến nay được sự dìu dắt của già làng và người uy tín trong đồng bào DTTS đã định canh định cư ổn định bền vững gắn với phát triển sản xuất, khắc phục được phương thức sản xuất lạc hậu, một bộ phận đồng bào đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết sản xuất gắn với thị trường, nhiều hộ đồng bào DTTS sản xuất giỏi, đời sống được nâng lên rõ rệt. Về nhà ở, cơ bản đã xóa được nhà tạm; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, có trạm y tế, lưới điện quốc gia, bưu điện văn hóa xã. Khối đại đoàn kết các dân tộc được giữ vững và phát huy, đã phát huy tốt vai trò của các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng các DTTS trong vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thông qua các cuộc vận động của ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, đồng bào rất phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, đồng thời nâng cao cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Trong đó đặc biệt chú trọng công tác tranh thủ, phát huy vai trò của già làng trong đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động quần chúng, ổn định tình hình ở cơ sở.

Các già làng tích cực, tuyên truyền vận động mọi người trong buôn, làng thực hiện tốt nội dung trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các dân tộc thiểu số Miền nam họp tại Pleiku ngày 19/4/1946; với sự hiểu biết về phong tục, tập quán của đồng bào, các già làng đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành tham gia xây dựng quy ước, hương ước của buôn làng phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của chính quyền địa phương và cũng là những người thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực hiện của dân làng. Các già làng không chỉ gương mẫu thực hiện mà còn tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp dân ở địa phương thực hiện các chính sách, pháp luật của Đảng vả Nhà nước, nhất là chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, tôn giáo; nghiên cứu vận dụng các luật tục, quy ước và hương ước của dân làng phù họp với chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước; vận động đồng bào phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế để vươn lên xóa đói giảm nghèo, không di dân tự do, thực hiện tốt tái định cư, bảo vệ và phát triến rừng, nâng cao đời vật chất, tinh thần của nhân dân.

Trước những âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phát huy truyền thống đoàn kết, yêu quê hương, đất nước; ý chí bất khuất, kiên cường của quân và dân các dân tộc trong tỉnh, các già làng trong tỉnh đều quyết tâm không nghe, không tin, không làm theo kẻ xấu; tích cực vận động đồng bào các dân tộc ở địa phương nâng cao cảnh giác, kiên quyết cùng các lực lượng làm thất bại mọi âm mưu, hành động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề nhân quyền, dân chủ, dân tộc, tôn giáo, mê tín dị đoan, xuyên tạc và bịa đặt, dụ dỗ và mua chuộc, cưỡng ép và đe dọa, xúi giục và kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, vượt biên trái phép, đòi lập cái gọi là “Nhà nước Đê Ga” của FULRO lưu vong. Các già làng tích cực tham gia các tổ chức làm công tác giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở với nhiều mô hình (do công an hướng dẫn) như : “Ba phòng, ba chống”, “Ba tự quản”, “khu dân cư an toàn, bình yên không có tội phạm”, “Tiếng kẻng an ninh”, “Liên gia về an ninh trật tự”... Kết quả có hàng trăm già làng trở thành nòng cốt của các tổ an ninh nhân dân, tổ tự quản về an toàn giao thông, tổ hòa giải... ở địa bàn cơ sở. Góp phần làm cho quê hương luôn ổn định, phát triển, cho bà con dân làng được sống bình yên, đoàn kết và tiến bộ.

Trong sinh hoạt tại cộng đồng, các già làng đã cung cấp cho lực lượng công an rất nhiều tin quan trọng liên quan đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từ đó giúp lực lượng công an phát hiện, đấu tranh với hoạt động FULRO, “Tin lành Đê Ga”; vận động các đối tượng có hành vi phạm tội, có lệnh truy nã ra đầu thú... Tích cực tham gia giải quyết các vụ tranh chấp đất đai, mâu thuẫn, xung đột, mê tín, nghi ngờ “Ma lai”, “thuốc thư” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tham gia tuyên truyền, vận động đối tượng, gia đình đối tượng theo tà đạo “Hà Mon”, Tà đạo “Pơkhăp BRâu”, “Tin lành Đê Ga” quay trở về sinh hoạt tôn giáo thuần túy, tái hòa nhập cộng đồng, chăm lo làm ăn phát triển kinh tế...

Các già làng đã hưởng ứng và tích cực thực hiện tốt phong trào thi đua “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” do Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam phát động. Hầu hết các già làng, người có uy tín đều làm tốt vai trò của già làng, người có uy tín, tích cực tham gia công tác xã hội như: Công tác mặt trận, các Hội quần chúng, tổ hòa giải, tổ tự quản... đã có những đóng góp tích cực trong tham gia giải quyết các vấn đề về kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Nhiều già làng là tấm gương tiêu biểu trong thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Pháp luật Nhà nước. Tiêu biểu như: Ở thành phố Pleiku có ông RMah Thanh, xã Gào và ông KSor Hyuinh, Phường Yên Thế, Ông Đinh Yem ở xã Đông và Đinh Văn Púa ở xã Đăk Rong (huyện Kbang), Ông Siu Plim ở xã la Tô, ông KSor GRik ở xã la Der và bà rơ Châm Phyah, xã la K Rái (Huyện Ia Grai), Ông Kpă Jao ở buôn Chính đơn l, xã Ia Mah (KrôngPa); bà Đinh thị Duenh thị trấn Kông ChRo (huyện Kông Chro); bà Siu H’ Hip ở thị trấn Nhơn Hòa (Huyện Chư Pưh); Ông Rơ Lan Hào, ở thị trấn Chư Sê (Huyện Chư Sê) và bà KSor BLâm ở xã la Mơr (huyện Chư Prông)…

Phát huy những thành quả đã có, người dân Tây Nguyên nhất là các già làng, người uy tín Gia Lai như được tiếp thêm động lực, nỗ lực hơn nữa góp phần tuyên truyền, vận động con em mình tích cực lao động, sản xuất, thoát nghèo, hướng tới một cuộc sống ấm no; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng buôn làng, quê hương ngày càng giàu đẹp.
 
Phạm Trang
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com