Công tác mặt trận - đoàn thể > Phong trào "Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông" - Phong trào "Vì dân"

Phong trào "Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông" - Phong trào "Vì dân"

02/03/2019


Xác định an toàn giao thông là lĩnh vực quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống người dân và sự phát triển KT-XH của địa phương; trong những năm gần đây, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã triển khai thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”; đồng thời xây dựng kế hoạch, chọn điểm và hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các mô hình điểm về khu dân cư bảo đảm trật tự an toàn giao thông để vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào, mang lợi ích cho cộng đồng và xã hội.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tập trung hướng dẫn các địa phương phát huy hoạt động của các nhóm nòng cốt, các tổ, nhóm tự quản ở cơ sở, hướng dẫn các địa phương căn cứ thực tế để chọn mô hình phù hợp. Qua đó, có nhiều mô hình điển hình về tham gia bảo đảm an toàn giao thông được triển khai đạt hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Nổi bật là công tác xây dựng mô hình “Khu dân cư đảm bảo trật tự an toàn giao thông” và “Gia đình đảm bảo trật tự an toàn giao thông” được triển khai sâu rộng và ngày càng đi vào chiều sâu trên địa bàn toàn tỉnh; các nhóm nòng cốt, tổ tự quản đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình phối hợp với các ngành chức năng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành Luật giao thông đường bộ, đã có tác động tích cực trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của người dân. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã xây dựng 04 mô hình điểm “Khu dân cư và gia đình đảm bảo trật tự an toàn giao thông” tại thành phố Pleiku, thị xã An Khê, huyện Chư Sê và huyện Chư Prông. Với phương châm lấy Khu dân cư là địa bàn phối hợp thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”; tổ chức cho các khu dân cư và các hộ gia đình ký cam kết thực hiện các nội dung trong bản cảm kết khu dân cư và gia đình đảm bảo trật tự an toàn giao thông và lồng ghép trong việc đăng ký “Khu dân cư văn hóa” và “Gia đình văn hóa”; kết quả thực hiện được đánh giá hàng năm thông qua “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tổ chức cho trên 300.000 hộ gia đình đăng ký bảo đảm trật tự an toàn giao thông và 2.160 thôn, làng, tổ dân phố đăng ký bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Quá trình thực hiện đã có nhiều mô hình, điển hình đã và đang hoạt động có hiệu quả góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở địa phương như:

Huyện Chư Sê: Mô hình “Tự quản các đoạn đường liên thôn, nông thôn” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể xã Ia Blang phối hợp thực hiện trên địa bàn 10 thôn, làng của xã. Tổ tự quản đã phối hợp với Công an xã tổ chức cho nhân dân đăng ký không vi phạm luật ATGT cho: 01 xe khách; 25 xe tải; 13 xe con; 2.235 xe Mô tô và tổ chức cho chủ phương tiện của 499 xe công nông ký cam kết không vi phạm luật ATGT đường bộ, không chở người trên thùng xe trái quy định, điều khiển xe trên các tuyến quốc lộ. Ngoài ra, MTTQ và các ban, ngành của xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp công sức và vật chất trong công tác làm đường giao thông nông thôn thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ dân đã hiến hơn 1000m2 đất nông nghiệp để mở đường; nhiều hộ tự chặt cây trồng nhà mình khi mở rộng đường và làm đường Bê tông; tham gia đóng góp tiền để mở rộng đường trung tâm của xã…

Huyện Đăk Pơ với mô hình “Khu dân cư tự quản về an toàn giao thông” của thôn An Bình, xã cư An: năm 2015, dưới sự hướng dẫn của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, sự chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy xã, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Cư An đã quyết định xây dựng mô hình “Khu dân cư tự quản về an toàn giao thông” trên địa bàn thôn An Bình. Nhằm phát huy tốt vai trò của Mặt trận, Ban công tác Mặt trận đã phối hợp với các đoàn thể trong thôn đi đến tận hộ gia đình để tuyên truyền, vận động và ký cam kết thực hiện "Gia đình không vi phạm luật giao thông đường bộ" theo Hướng dẫn của Ban Thường trực Mặt trận huyện, xã, đã tổ chức cho 36/36 hộ có nhà ở dọc Quốc lộ 19 ký cam kết (đạt 100%). Bên cạnh việc tuyên truyền, thông tin đến người dân về những quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ, tổ tự quản đã nhắc nhở 30 trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ (chủ yếu chở vượt quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm…), từ đó ý thức của người dân trong việc thực hiện pháp luật về trật tự an toàn giao thông được nâng lên, tai nạn giao thông đã được kìm chế, giảm hẳn số vụ vi phạm trên địa bàn. Hàng năm lấy việc chấp hành luật Giao thông đường bộ là một trong những tiêu chí để bình xét “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”.

Huyện Ia Pa với Mô hình xây dựng “Đoạn đường tự quản”, “Làng phụ nữ kiểu mẫu” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tại Thôn Mô Rin 3, xã Ia Mrơn: qua đó để chủ trương “Đoạn đường tự quản” nhận được sự đồng thuận, tự giác thực hiện trong nhân dân, Ban Công tác Mặt trận thôn đã chủ trì phối hợp với các Chi hội tổ chức 5 buổi họp dân thu hút trên 730 lượt người dân tham dự; phối hợp với đoàn thể cấp trên tổ chức được 7 đợt tuyên truyền, vận động nhân dân đảm bảo an toàn giao thông, trật tự thôn xóm thu hút hơn 570 lượt người dự nghe; vận động được 52 hộ có xe công nông, độ chế cam kết tham gia giao thông an toàn; tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh không bán rượu bia sau 22 giờ, đến nay đã có 13 hộ cam kết thực hiện. Tổ chức họp nhân dân và thống nhất chọn các đoạn đường phức tạp, điểm nóng về an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội để tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác tham gia thực hiện “Đoạn đường tự quản” với tổng chiều dài hơn 800m (trong đó “Đoạn đường thanh niên tự quản” là 350m, “Đoạn đường phụ nữ tự quản” là 450 m). Vận động nhân dân trong thôn tham gia đóng góp được 26.750.000 đồng, hiến 600 m2 đất, 270 ngày công để làm đường bê tông nông thôn…

Ngoài ra, còn nhiều mô hình, điển hình đã và đang hoạt động có hiệu quả trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông như: mô hình “Gắn biển hiệu An toàn giao thông bằng chất phản quang ở trước và 2 bên đuôi xe công nông”; mô hình “Đoạn đường Mặt trận Tổ quốc đảm bảo trật tự an toàn giao thông” tại huyện Chư Pưh; mô hình “Tuyến đường kiểu mẫu” của thành phố Pleiku và mô hình “Khu dân cư tự quản” của Phường Diên Hồng, Thành phố Pleiku…

Có thể thấy công tác xây dựng mô hình “Khu dân cư đảm bảo trật tự an toàn giao thông”  và “Gia đình đảm bảo trật tự an toàn giao thông” được triển khai đồng bộ, các nhóm nòng cốt, tổ tự quản đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc phối hợp với các ngành chức năng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành Luật giao thông đường bộ, đã có tác động tích cực trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của người dân góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông ở từng địa phương trong những năm gần đây.
 
Có được kết quả trên là do có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân với phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, vai trò của Ban công tác Mặt trận, các chi hội, chi đoàn trong xây dựng điển hình trên các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói riêng được phát huy tối đa, đã đem lại những lợi ích thiết thực nhất và gần dân nhất.
 
 
Phạm Trang
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com