Công tác mặt trận - đoàn thể > Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở Ia Pa: Thực chất và lan tỏa

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở Ia Pa: Thực chất và lan tỏa

06/06/2021


Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đông đảo các tầng lớp nhân dân huyện Ia Pa hưởng ứng tích cực. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
Xác định gia đình là tế bào của xã hội, môi trường văn hóa trong gia đình là yếu tố quan trọng để hình thành tư tưởng, đạo đức và lối sống của mỗi con người, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp ở huyện Ia Pa đẩy mạnh tuyên truyền, vận động từng gia đình trong khu dân cư tích cực đăng ký và phấn đấu thực hiện các tiêu chuẩn để đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Công tác bình xét gia đình văn hóa được thực hiện chặt chẽ, công khai, dân chủ. Những nội dung được chú ý khi bình xét gia đình văn hóa là việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, gia đình hòa thuận, không có người mắc tệ nạn xã hội, không có bạo lực, tích cực tham gia sinh hoạt thôn, làng và tương trợ cộng đồng… Kết quả, năm 2020, toàn huyện có 7.857 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm 60,3%.
 
Hộ bà Ksor H’Pam (buôn Biah A, xã Ia Tul) là điển hình về xây dựng gia đình văn hóa. Chồng bỏ nhà đi từ năm 1999, một mình bà làm lụng nuôi 5 người con ăn học. Hiện tại, cả 5 người con của bà đều thành đạt, trong đó, người con út có bằng thạc sĩ. Bà H’Pam cũng là người tiên phong trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm ở địa phương. Hưởng ứng phong trào xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bà vận động người thân, bà con làng xóm di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm nhà sàn, xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh, trồng con đường hoa, tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.
 
Bà H’Pam chia sẻ: “Nhớ lại những vất vả, thăng trầm của cuộc đời mình, nhiều khi tôi vẫn rơi nước mắt. Nhưng càng khổ bao nhiêu, tôi càng cố gắng nuôi con ăn học bấy nhiêu bởi có con chữ mới giúp các con đỡ khổ. Cũng may, các con đều thuận hòa, biết thương mẹ, cố gắng học hành. Các con nay đều có gia đình riêng nhưng cứ đầu tháng lại tập trung đông đủ tại nhà mẹ nấu ăn, động viên nhau, không khí gia đình ấm cúng lắm”.
  
Cùng với xây dựng gia đình văn hóa, công tác xây dựng thôn, làng văn hóa đã tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt đời sống của Nhân dân, làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn. Năm 2020, toàn huyện có 44 thôn, làng đạt danh hiệu văn hóa, chiếm 86,2%.
 
Buôn Thăm (xã Ia Trok) nhiều năm liền được công nhận danh hiệu văn hóa. Hiện 100% số hộ trong buôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 50% số hộ sử dụng nước sạch, 82,4% số hộ có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh. Các tuyến đường luôn được vệ sinh sạch sẽ. Người dân tự thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi. Buôn Thăm đang phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trưởng thôn Rmah Bun cho hay: Trên cơ sở những tiêu chí xây dựng làng văn hóa, hệ thống chính trị của buôn đẩy mạnh tuyên truyền người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Hầu hết các đám cưới được tổ chức lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp truyền thống văn hóa của địa phương. Bên cạnh đó, tang lễ được tổ chức tiết kiệm, việc sử dụng hệ thống loa đài với âm lượng lớn hầu như không còn, các tập tục lạc hậu giảm đáng kể. Thời gian tổ chức tang lễ thực hiện đúng quy định, không quá 2 ngày.
  
Bên cạnh đó, phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa đã được các cơ quan, đơn vị trong toàn huyện hưởng ứng tích cực. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt các tiêu chí về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh công sở. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong hoạt động cơ quan, xây dựng người cán bộ, công chức “Trung thành, tận tụy, gương mẫu, sáng tạo”, đẩy mạnh cải cách hành chính, chống tiêu cực, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Kết quả, năm 2020, toàn huyện có 57/61 cơ quan, đơn vị, trường học đạt danh hiệu công sở văn hóa, chiếm 93,4%.
 
Ông Nguyễn Hùng Linh-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Ia Pa-đánh giá: Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đi đôi với cuộc vận động xây dựng nông thôn mới đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn. “Để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, Ban Chỉ đạo huyện xác định đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời, huy động sự chung tay thực hiện của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân. Phấn đấu cuối năm 2021, toàn huyện sẽ có 8.000 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 46/51 thôn, làng đạt văn hóa, 59/61 công sở đạt văn hóa”-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện nhấn mạnh.
 
Nguồn Báo Gia Lai, ngày 6/6/2021
 
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com