Công tác mặt trận - đoàn thể > Tổng kết 30 năm thực hiện Chỉ thị số 51-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc giúp đỡ Hội Ng

Tổng kết 30 năm thực hiện Chỉ thị số 51-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc giúp đỡ Hội Người mù Việt Nam trên địa bàn tỉnh Gia Lai

24/03/2019


Thực hiện Chỉ thị 51-CT/TW, ngày 12/4/1989 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) về việc giúp đỡ Hội Người mù Việt Nam; Kết luận số 73-KL/TW, ngày 16 tháng 6 năm 2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 51-CT/TW (viết tắt là Kết luận 73-KL/TW), Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy quán triệt, triển khai Chỉ thị 51-CT/TW, Kết luận 73-KL/TW, ban hành Thông tri số 23-TT/TU, ngày 19 tháng 06 năm 2014 về việc giúp đỡ người mù và hội người mù (viết tắt là Thông tri 23-TT/TU); chỉ đạo việc đẩy mạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc chăm lo giúp đỡ người mù. Đồng thời, UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Hội Người mù tỉnh; công nhận 15 hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi tỉnh, trong đó có hội người mù. Ban dân vận các cấp làm đầu mối tham mưu cấp ủy, phối hợp với chính quyền và ngành lao động, thương binh và xã hội, ngành nội vụ, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội hướng dẫn việc thực hiện và sơ kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị 51-CT/TW, Kết luận 73-KL/TW, Công văn 1304-CV/TU và Thông tri 23-TT/TU. Năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận 73-KL/TW.
Cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm phối hợp, hỗ trợ hoạt động hội người mù, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để hội hoạt động có hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người mù. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ về vật chất và tinh thần đối với người mù, coi việc chăm lo, giúp đỡ người mù là việc làm thường xuyên, lâu dài.
Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương về thực hiện chế độ, chính sách đối với người khuyết tật nói chung và người mù nói riêng; cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên chỉ đạo các ngành chức năng điều tra, rà soát, kịp thời giải quyết chính sách, chế độ cho người mù. Đến nay, hầu hết người mù trong tỉnh đã được hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội theo Nghị định số 13/2010/NĐ-CP, ngày 27 tháng 02 năm 2010 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP, ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.
Hội Người mù tỉnh thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền các hoạt động hội, gương người khuyết tật, người mù có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Cung cấp báo, tạp chí, đĩa CD, băng cát - sét; tổ chức học tập Điều lệ Hội Người mù và các văn bản hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội đến các hội viên nhằm tạo điều kiện cho hội viên được tiếp cận với nhiều kênh thông tin và hiểu hơn về tôn chỉ, mục đích của hội.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.900 người mù, trong đó có 851 người mù 02 mắt, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 73%, phụ nữ mù chiếm tỷ lệ 40%, có đến 75% người mù không biết chữ. Được sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, các doanh phiệp và các mạnh thường quân; trong những năm qua, hội đã tiến hành thăm hỏi và tặng 1.863 suất quà, với tổng trị giá 760 triệu đồng nhân các ngày lễ, tết trong năm.
Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thường xuyên quan tâm, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, các mạnh thường quân vận động nguồn lực, tổ chức thăm, tặng quà cho người mù với 1.150 suất quà, tư vấn sản xuất, trợ cấp khó khăn gần 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 357 người mù, xây dựng nhà tình nghĩa gần 300 triệu đồng; ngành lao động, thương binh và xã hội phối hợp với hội rà soát, điều tra, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như những khó khăn trong cuộc sống của người mù để kịp thời có những chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, nhằm chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho người mù ngày càng được tốt hơn. Qua đó, động viên, biểu dương kịp thời những tấm lòng vàng của các tổ chức, các nhà hảo tâm; gương người tốt, việc tốt, vượt khó vươn lên, học tập, lao động sản xuất để thoát nghèo, bình đẳng, tự tin, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Tỉnh Hội đã thành lập một đội văn nghệ gồm 05 thành viên, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ do địa phương tổ chức. Trong tỉnh có 02 vận động viên bơi lội tham gia các kỳ đại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc, đạt được 19 huy chương vàng, 18 huy chương bạc.
Sau khi thành lập, Hội Người mù tỉnh tiến hành tổ chức đại hội kiện toàn nhân sự, xây dựng chương trình hành động của hội hằng năm và định kỳ. Tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; bám sát chức năng, nhiệm vụ của hội, tranh thủ sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương Hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc xây dựng, củng cố tổ chức, cán bộ hội, tạo điều kiện về cơ chế, nguồn lực để hội hoạt động. Chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên, biểu dương những người mù, gia đình người mù vượt khó vươn lên trong cuộc sống.
Để kịp thời đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, trình độ phục vụ công tác, Hội Người mù tỉnh đã cử cán bộ đi học các lớp đào tạo cán bộ do Trung tâm phục hồi chức năng Hội Người mù Việt Nam, Trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, như: Lớp cán bộ quản lý lãnh đạo hội, lớp sử dụng máy vi tính văn phòng cho người mù, lớp giáo viên dạy chữ nổi (Braille)... Đến nay, Hội có 02 cơ sở dịch vụ xoa bóp, bấm huyệt cổ truyền, tạo công ăn việc làm cho 09 lao động là người mù, thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng; hỗ trợ thường xuyên 10 kg gạo/tháng cho 01 hộ gia đình người mù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; giúp 05 hội viên vay vốn để sản xuất, chăn nuôi với số tiền 41 triệu đồng; xây dựng 05 căn “Nhà tình nghĩa” và sửa chữa 02 nhà ở cho người mù thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn với số tiền 265 triệu đồng. Công tác vận động, quyên góp xây dựng Quỹ hội được đặc biệt quan tâm; đã vận động, quyên góp được 1,145 tỷ đồng.
Định kỳ, hội tổ chức sinh hoạt giao ban, hội ý, sơ kết, tổng kết, nhằm đánh giá những kết quả làm được, chưa làm được, rút ra bài học kinh nghiệm và xây dựng phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới. Ban Chấp hành Hội đã bám sát Điều lệ Hội và nhiệm vụ Nhà nước giao, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tập trung xây dựng nội quy, quy chế hoạt động phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác, ngày càng đi vào hoạt động ổn định, nền nếp...
Bên cạnh kết quả đáng khích lệ thì việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 51-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc giúp đỡ Hội Người mù Việt Nam trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn một số tồn tại, hạn chế như sau:
- Việc quán triệt, triển khai, thực hiện Chỉ thị 51-CT/TW, Kết luận 73-KL/TW ở một số cấp ủy, chính quyền, nhất là cấp cơ sở chưa thường xuyên, liên tục; việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị, Kết luận còn chậm, thiếu các giải pháp cụ thể và đồng bộ, có nơi còn hình thức. Một số chủ trương, chính sách có liên quan đến công tác chăm sóc, giúp đỡ người mù chưa được cụ thể hóa kịp thời.
- Việc tuyên truyền, vận động các nguồn lực xã hội để giúp đỡ người mù và hoạt động của Hội Người mù còn hạn chế. Công tác phối hợp với mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các ngành chức năng trong việc nắm bắt tình hình đời sống, mức thu nhập, sinh kế của người mù các cấp còn nhiều bất cập; tuyên truyền, vận động thực hiện Chỉ thị 51-CT/TW, Kết luận 73-KL/TW có nơi chưa chặt chẽ và thường xuyên.
Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 51-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc giúp đỡ Hội Người mù Việt Nam trên địa bàn tỉnh Gia Lai cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Một là, Các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cần tiếp tục quán triệt, thống nhất nhận thức, nâng cao trách nhiệm của tổ chức mình, trong từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về việc giúp đỡ người mù và Hội Người mù. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 51-CT/TW, Kết luận 73-KL/TW và các văn bản của Trung ương, của tỉnh về giúp đỡ người mù và Hội người mù.
Hai là, Các cấp chính quyền trong tỉnh cần tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các cơ quan chức năng theo dõi, chăm lo, giúp đỡ người mù; quan tâm chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Người mù hoạt động có hiệu quả và tham gia các chương trình quốc gia về giáo dục, dạy nghề, việc làm... Quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện cho Hội thực hiện dự án thành lập Trung tâm “Phục hồi chức năng giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm cho người mù”.
Phát huy vai trò của Hội Người mù trong việc đoàn kết, tập hợp, động viên, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người mù; thành lập tổ chức hội người mù ở những địa phương đủ điều kiện thành lập; tạo điều kiện về cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo để Hội hoạt động. Rà soát, sửa đổi, bổ sung những chế độ, chính sách không còn phù hợp với tình hình hiện nay để đảm bảo cho hoạt động của Hội Người mù.
Ba là, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội có chương trình phối hợp với Hội Người mù để chăm lo, giúp đỡ người mù xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ, xây dựng Hội Người mù hoạt động ngày càng hiệu quả, thiết thực.
Bốn là, Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; nâng cao chất lượng và năng lực hoạt động của cơ quan thường trực hội cấp tỉnh, đẩy mạnh cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng, hòa nhập với cộng đồng”; chăm lo xây dựng tổ chức và đội ngũ cán bộ hội các cấp; chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch của hội.
Năm là, Chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong công tác tuyên truyền, vận động nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ người mù và Hội Người mù. Kịp thời tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để hội hoạt động có hiệu quả, thông qua đó nhằm động viên hội viên, người mù khắc phục tâm lý mặc cảm, tự ti, nỗ lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống để trở thành những người có ích cho xã hội.

 
Ngọc Thọ
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com