Công tác dân vận chính quyền > Chư Pưh: Liên kết phát triển kinh tế hợp tác xã

Chư Pưh: Liên kết phát triển kinh tế hợp tác xã

31/03/2020


(GLO)- Huyện Chư Pưh đang đề ra giải pháp giúp người dân nói chung và các hộ sản xuất kinh doanh cá thể nói riêng tạo được sự liên kết trong phát triển kinh tế thông qua hoạt động của hợp tác xã (HTX).
Ông Nguyễn Long Khánh-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh-cho biết: Toàn huyện hiện có 22 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian qua, huyện đã tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp điển hình, tiên tiến, ưu tiên phát triển gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, huyện đã mời TS. Trần Minh Hải-Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác (Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và PTNT II, Bộ Nông nghiệp và PTNT) về truyền đạt, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận các giải pháp xây dựng, phát triển HTX kiểu mới để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Hợp tác xã Dịch vụ-Sản xuất-Kinh doanh nông-lâm nghiệp Long Hưng (xã Ia Phang) là một trong 3 HTX được chọn làm điểm để xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Ông Võ Ngọc Giàu-Phó Giám đốc HTX-cho hay: Hợp tác xã được thành lập vào tháng 7-2017, đăng ký hoạt động trên 10 lĩnh vực gồm chăn nuôi, trồng trọt và các dịch vụ kèm theo. Tuy nhiên, trong thời gian đầu, mô hình cánh đồng lúa một giống được HTX tập trung đầu tư. Theo đó, vụ mùa 2018, HTX đã liên kết với 120 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ia Phang sản xuất 100 ha lúa nước bằng giống Ma Lâm 48 và 20 ha bằng giống J02. Các hộ tham gia được HTX hỗ trợ 70% chi phí sản xuất, sản phẩm sau khi thu hoạch được bao tiêu toàn bộ. Với giá 5.000 đồng/kg lúa giống Ma Lâm 48 và 10.000 đồng/kg lúa giống J02, bà con thu lãi 25-40 triệu đồng/ha.
 
“Đặc biệt, vụ Đông Xuân 2019-2020, HTX tiếp tục liên kết với các hộ sản xuất 33 ha lúa giống J02. Đây là giống lúa mới có chất lượng gạo tốt đang được thị trường ưa chuộng. Ước tính, năng suất lúa vụ Đông Xuân bình quân đạt 5-5,5 tấn/ha. Sau khi thu hoạch, HTX sẽ thu mua với giá 10.000 đồng/kg, cao gấp 2 lần so với giống Ma Lâm 48, giúp nông dân có thu nhập cao trên cùng đơn vị diện tích. Vụ mùa sắp tới, HTX tiếp tục vận động người dân liên kết sản xuất giống lúa J02, dự kiến mở rộng thêm khoảng 70 ha”-ông Giàu thông tin thêm.
 
Là hộ tham gia liên kết sản xuất lúa, bà Rơ Mah H’Đa (làng Thơ Nhueng, xã Ia Phang) phấn khởi nói: “Vụ mùa 2019, gia đình tôi trồng 2 sào lúa giống J02 do HTX cung cấp, thu hoạch được hơn 1 tấn lúa. Tôi mới bán một phần cho HTX được 4 triệu đồng, số lúa còn lại để gia đình ăn trong năm. Sau khi trừ chi phí, gia đình còn lãi khoảng 3 triệu đồng. So với giống Ma Lâm 48 thì giống J02 có năng suất và giá bán cao hơn. Do đó, vụ Đông Xuân 2019-2020, gia đình tôi đã trồng 8 sào lúa này. Cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt và đang trong giai đoạn làm đòng. Tôi hy vọng vụ này gia đình sẽ có thu nhập cao”.
Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS (xã Ia Rong) và HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn (xã Ia Blứ) cũng được huyện Chư Pưh chọn làm điểm trong mô hình vừa làm dịch vụ gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, 2 HTX này đã liên kết với 50 hộ nông dân ở các xã: Ia Blứ, Ia Rong, Ia Hrú, Ia Hla trồng 15 ha mít Thái, 10 ha sầu riêng theo tiêu chuẩn hữu cơ, dự kiến đến năm 2021 sẽ cho thu hoạch. Đây là những mô hình điểm mà huyện Chư Pưh chọn để cho các xã khác học tập, nhất là đầu tư liên kết sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị hàng hóa cho một số loại cây trồng chủ lực trên địa bàn.
 
 
 
 
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho biết: Việc tìm một hướng đi chung cho các HTX đang được địa phương đặt ra nhằm tạo tiền đề cơ bản để vận động xây dựng chuỗi liên kết giữa nông dân với HTX, giữa HTX với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm. Để phát triển HTX hiệu quả hơn trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể theo chiều sâu trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc và giá trị theo Luật HTX năm 2012. Ngoài ra, huyện cũng chú trọng xây dựng, nhân rộng các HTX kiểu mới trong lĩnh vực nông nghiệp để gắn kết với thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
 
Cũng theo ông Tứ, huyện sẽ ưu tiên lồng ghép bố trí các nguồn vốn, các chương trình kinh tế, dự án phát triển kinh tế-xã hội với phát triển kinh tế tập thể. “Thời gian tới, huyện tập trung tuyên truyền, vận động, triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh và địa phương để người dân thấy rõ được những lợi ích khi tham gia HTX sẽ tạo ra mối liên kết chặt chẽ trong quá trình sản xuất cho ra những sản phẩm chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập”-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh thông tin thêm.
Nguồn: Báo Gia Lai

|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com