Công tác dân vận chính quyền > Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dân vận của lực lượng công an tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017-2020

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dân vận của lực lượng công an tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017-2020

27/12/2017


Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. 

Nhận thức sâu sắc vai trò của công tác dân vận trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, Đảng ủy và lãnh đạo Công an tỉnh đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kết luật… của Trung ương và của tỉnh về công tác dân vận,  nhất là Quy chế số 02, ngày 09/02/2013 của Đảng ủy Công an Trung ương về công tác dân vận trong lực lượng công an nhân dân, đồng thời triển khai thực hiện tốt Chương trình số 01-CTr-BDV-CAT, ngày 15/2/2017 của Ban Dân vận Tỉnh ủy và Công an tỉnh về chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy với Công an tỉnh giai đoạn 2017 – 2021; xây dựng hướng dẫn công tác dân vận và kế hoạch thực hiện công tác dân vận chính quyền trong Công an tỉnh năm 2017; xây dựng kế hoạch số 32-KH/ĐUCAT(PV28-PX16) về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong lực lượng Công an tỉnh giai đoạn 2017 – 2020; hướng dẫn tiêu chí cơ bản đánh giá và khen thưởng điển hình “Dân vận khéo” trong lực lượng Công an tỉnh.

Ban hành nhiều chủ trương, giải pháp với nhiều hình thức phù hợp, tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua, như Phong trào “Công an nhân dân học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”, cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”… nhằm tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa lực lượng Công an với nhân dân. Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động phối hợp, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo về công tác dân vận, nâng cao nhận thức cho cán bộ chiến sỹ; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, góp phần giữ vững ANTT, bảo vệ an toàn các sự kiện chính trị trọng đại, các ngày lễ lớn của đất nước; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức công tác dân vận, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức sơ kết, tổng kết phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; tổ chức các hoạt động kỷ niệm “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ”. Năm 2017, các địa phương ở cơ sở đã tổ chức lồng ghép tuyên truyền phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy và phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại 2.137 cơ quan, trường học, thôn, làng, tổ dân phố, có 325.745 người tham dự; tổ chức hơn 300 lượt buổi tuyên truyền bằng xe loa, xây dựng 82 phóng sự, tin bài tuyên truyền pháp luật… Thông qua công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, quần chúng nhân dân đã chủ động cung cấp cho lực lượng chức năng 3.713 tin báo có giá trị liên quan tội phạm, tệ nạn xã hội, tình hình ANTT giúp điều tra, khám phá, làm rõ xử lý nhiều đối tượng tội phạm. Xây dựng mới một số mô hình, như: “Mô hình 5 trong 1” về công tác quản lý, giáo dục người lầm lỗi tại cộng động dân cư ở thị xã An Khê; mô hình “Cảm hóa, giáo dục Nữ chấp hành xong án phạt tù về địa phương” tại huyện Ia Pa; mô hình “Làng tự quản về ANTT” tại huyện Mang Yang; mô hình “Tiếng loa giao thông” tại huyện Kông Chro…

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số nơi cấp ủy, lãnh đạo đơn vị, địa phương và một bộ phận cán bộ, chiến sỹ chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác dân vận nên chưa thường xuyên quan tâm đến công tác dân vận. Đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên còn ít, trình độ, năng lực của một số cán bộ tuyên truyền viên, báo cáo viên còn hạn chế, chưa nói được tiếng đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức về vấn đề dân tộc chưa sâu… dẫn đến ngại tiếp xúc với quần chúng nhân dân là đồng bào dân tộc thiểu số và các già làng, người có uy tín. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chống lại âm mưu thủ đoạn chống phá, chia rẻ khối đại đoàn kết toàn dân, lôi kéo người vượt biên chưa kịp thời và chưa thật sự sắc bén. Chất lượng tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở có mặt còn hạn chế. Việc chủ động tham mưu, đề xuất những vấn đề liên quan đến công tác dân vận còn chậm, hoạt động còn mang tính thời vụ. Công tác xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” còn hạn chế, chưa phong phú, đa dạng.

Để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác dân vận của lực lượng Công an tỉnh Gia Lai, góp phần đảm bảo ANTT giai đoạn 2017-2020, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) và Thông tri số 01-TT/TU, của Tỉnh ủy ngày 14/12/2015 về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”; Chỉ thị số 09/CT-BCA-V28 ngày 01/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Tăng cường công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân, trong tình hình mới”; Quy chế số 03/QC-ĐU-(PX16-PV28) ngày 25/6/2015 của Đảng ủy Công an tỉnh về công tác dân vận trong lực lượng CAND; triển khai Chương trình hành động số 58-Ctr/TU ngày 23/8/2013 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 25 ngày 3/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Chương trình số 01-CTr-BDV-CAT, ngày 15/2/2017 của Ban Dân vận Tỉnh ủy và Công an tỉnh về chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy với Công an tỉnh giai đoạn 2017 – 2021…

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng điển hình “Dân vận khéo” gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh; phong trào “Học tập thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”; Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” của Công an tỉnh Gia Lai, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng lực lượng, xây dựng bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, công tác thanh tra và thực hiện quy chế dân chủ trong lực lượng Công an Gia Lai. Tổ chức chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy chế dân chủ nhất là lĩnh vực liên quan đến công tác tiếp dân. Đổi mới về biện pháp công tác thanh tra, kiểm tra trong lực lượng Công an tỉnh; tập trung giải quyết dứt điểm những vụ khởi tố kéo dài; kịp thời xử lý các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ.

Thứ tư, đổi mới và tăng cường các biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở các lĩnh vực địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT; vận động người có uy tín để làm hạt nhân trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Chú trọng vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy, phòng, chống mua bán người; cung cấp tin báo, tố giác tội phạm; giao nộp vũ khí, vật liệu nổ; chấp hành, giữ gìn trật tự an toàn giao thông, phòng cháy và chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; quản lý giáo dục, cảm hóa người vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư, người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; vận động đối tượng phạm tội tự thú, khai báo… Phối hợp chặt chẽ với MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, các ngành đoàn thể trong công tác vận động toàn dân tham gia bảo vệ ANTT; gắn kết phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ với các cuộc vận động và “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ”.

Thứ năm,  đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và hoạt động xã hội từ thiện của lực lượng Công an tỉnh. Chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân nắm vững chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các nội quy, quy tắc về bảo vệ ANTT; các phương thức thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm, các tệ nạn xã hội; quyền và nghĩa vụ công dân trên lĩnh vực ANTT để từ đó tự nguyện, tự giác tham gia vào nhiệm vụ bảo vệ ANTT trong tình hình mới.

Thứ sáu,  không ngừng quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận trong lực lượng Công an đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Bố trị đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực vận đồng quần chúng, biết nói và nghe được tiếng đồng bào dân tộc thiểu số, khắc phục tình trạng đưa cán bộ phẩm chất năng lực yếu, kém và không có uy tín về làm công tác dân vận. Ngoài ra, cần làm tốt công tác nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Chú trọng các mô hình, điển hình tiên tiến công tác dân vận trong lĩnh vực ANTT ở cơ sở, nhằm đưa công tác dân vận ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả ./.
Ksor Hoa, Phòng PV28-Công an tỉnh
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com