Công tác dân vận chính quyền > Ia Dom thực hiện phong trào "Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và ANTT xóm, bản khu vự

Ia Dom thực hiện phong trào "Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và ANTT xóm, bản khu vực biên giới"

14/12/2017


Xã Ia Dom là xã biên giới nằm ở phía Tây Nam của huyện Đức Cơ, được thành lập năm 1973, là một xã có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh. Xã có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia với chiều dài 17,6 km. Xã Ia Dom có 08 thôn, làng; 1.705 hộ/6.995 khẩu với 9 dân tộc anh em cùng sinh sống.

Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, thì tình hình khu vực bên giới còn khá phức tạp. Các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề chủ quyền, lãnh thổ, dân tộc, tôn giáo để chia rẽ mối đoàn kết giữa hai dân tộc, gây cản trở việc hoạch định phân giới cắm mốc, ngăn cản các công ty, doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại Campuchia, gây áp lực về chính trị nhằm tạo cớ can thiệp từ bên ngoài, nhằm  thực hiện ý đồ chia rẽ mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nhà nước nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng.
           
Từ tình hình trên, đặt ra yêu cầu hết sức nặng nề đối với nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; xác định việc đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới và an ninh trật tự thôn, làng  là một nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài trong quản lý, bảo vệ biên giới.
           
KẾT QUẢ THỰC HIỆN PHONG TRÀO

         
Trên cơ sở Chỉ thị số 34/CT-BTL ngày 24/6/2003 của Bộ Tư lệnh BĐBP về việc tổ chức Phong trào "Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới"; Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 10/5/2005 của Tỉnh ủy Gia Lai về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào tự quản đường biên, cột mốc, an ninh trật tự khu vực biên giới tỉnh”; Kế hoạch số 766/KH-BCH ngày 13/7/2007 của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai về “Tổ chức phong trào tự quản đường biên, mốc quốc giới và ANTT thôn, làng”; Hướng dẫn số 862/HD-PCT của Phòng Chính trị BĐBP tỉnh về triển khai thực hiện “Phong trào tự quản đường biên, mốc quốc giới và ANTT thôn, làng”, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã đã phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh chủ động khảo sát, đánh giá toàn diện tình hình đường biên, mốc quốc giới và ANTT trên địa bàn toàn xã, xây dựng các quy ước tự quản; tổ chức các hội nghị già làng, trưởng thôn, người có uy tín để phổ biến chủ trương, bàn biện pháp thực hiện phong trào; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về nội dung, hình thức tự quản đường biên, mốc quốc giới và ANTT thôn, làng, cách phát hiện, nắm tình hình, báo cáo và xử lý, giải quyết vụ việc xảy ra ở thôn, làng.
         
Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh đã phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện, xã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương các chủ trương, biện pháp lãnh đạo chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào, thành lập ban chỉ đạo, hướng dẫn các ban, ngành các đoàn thể tổ chức triển khai phong trào. Kết hợp chặt chẽ giữa việc thực hiện phong trào với việc tổ chức quy hoạch dân cư, đưa dân ra sát biên giới sản xuất kết hợp với giao đường biên, mốc quốc giới để nhân dân tham gia tự quản.
         
Hằng năm, Đảng ủy, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã Ia Dom đã phối hợp chặt chẽ với Đồn trong tổ chức sơ kết phong trào. Qua đó, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được đưa ra trao đổi, học hỏi; đồng thời phát hiện những nảy sinh, vướng mắc, bất cập trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện ở các cấp để tháo gỡ, giải quyết; kịp thời tiến hành khen thưởng, động viên hàng năm cho các cá nhân, tập thể tham gia tích cực, có thành tích tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ.
         
Xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả 03 tổ tự quản bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, do các hộ gia đình có đất sản xuất giáp biên giới tham gia. Bên cạnh đó, tại các thôn, làng đã xây dựng được 08 tổ tự quản an ninh trật tự trong phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trong giải quyết các vấn đề liên quan đến ANCT – TTATXH của địa phương. Ngoài ra, địa phương đã tổ chức và duy trì có hiệu quả “Kết nghĩa Cụm dân cư hai bên biên giới” giữa Làng Mook Đen, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ với Làng Pó Lớn, xã Pó Nhầy, huyện Ozadao, vừa giữ vững chủ quyền lãnh thổ vừa xây dựng đường biên giới hoà bình hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.
           
Trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Đồn phát huy sức mạnh của các tổ tự quản, huy động quần chúng tại chỗ, đẩy lùi hoạt động lấn chiếm biên giới, xâm canh, xâm cư, không để xảy ra đối đầu, căng thẳng trên biên giới, thực hiện tốt hiệp định, quy chế biên giới, góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình phân giới cắm mốc tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia trên địa bàn.
         
Cùng với việc tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới và giữ gìn ANTT thôn, làng; nhân dân xã còn tích cực phát hiện, tham gia đấu tranh với các hiện tượng vượt biên, tuyên truyền đạo trái pháp luật, buôn lậu và gian lận thương mại, vận chuyển - buôn bán trái phép chất ma túy, góp phần giữ vững an ninh chính trị và TTXH ở khu vực biên giới của xã.
         
Đảng ủy, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, các lực lượng quân sự, công an đã phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng trong xây dựng, chỉ đạo, hướng dẫn phong trào vừa kết hợp củng cố, kiện toàn lực lượng công an, dân quân xã đảm bảo về số lượng và chất lượng. Huy động đông đảo dân quân và công an xã và quần chúng nhân dân tham gia tuần tra bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, thôn làng góp phần giữ vững ANTT ở khu vực biên giới. Trong thời gian qua các tổ ANTT thôn, làng; tự quản đường biên, mốc quốc giới và các lực lượng chức năng đã tiến hành tuần tra, kiểm soát được 5.280 lần/24.397 lượt quần chúng nhân dân tham gia.
           
Phong trào quần chúng tham gia tự quản về đường biên, mốc quốc giới và an ninh trật tự khu vực biên giới được lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và phong trào “Xây dựng nông thôn mới” với nhiều nội dung, biện pháp thiết thực gắn với việc củng cố, kiện toàn đội ngũ già làng, trưởng thôn.
         
Cùng với việc tuyên truyền nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho quần chúng nhân dân, với cấp uỷ, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành đã phối hợp với Đồn Biên phòng thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ và chấp hành tốt các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội; tuyên truyền phổ biến các hiệp định, quy chế biên giới.
           
MỘT SỐ KINH NGHIỆM RÚT RA TRONG THỰC HIỆN PHONG TRÀO
         
Một là,
Đồn Biên phòng là lực lượng nòng cốt, tích cực đề xuất, tham gia ý kiến với  Đảng ủy, UBND xã để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phong trào; là đầu mối phối hợp với các Ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện.
         
Hai là,
thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời trong việc phát động tổ chức phong trào. Chú trọng xây dựng điểm, nhân rộng điển hình tiên tiến, tổ chức sơ tổng kết rút kinh nghiệm.
         
Ba là,
lấy Đồn Biên phòng, xã làm tổ trưởng, tổ phó tổ tự quản là đối tượng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho các tổ hoạt động có hiệu quả.
         
Bốn là,
biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích, chấn chỉnh kịp thời các tổ hoạt động yếu kém. Tranh thủ, sự đồng tình ủng hộ của các già làng, người có uy tín để tích cực tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tự giác tham gia phong trào.
 Nguyễn Công Chánh, Trường Chính trị tỉnh
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com