Công tác dân vận chính quyền > Người có uy tín chung sức xây dựng Tây Nguyên phát triển

Người có uy tín chung sức xây dựng Tây Nguyên phát triển

27/08/2019


Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng trao đổi với người có uy tín các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: báo Gia Lai
(GLO)- Tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa tổ chức hội nghị tọa đàm “Phát huy vai trò của người có uy tín các dân tộc thiểu số Tây Nguyên trong xây dựng nông thôn mới”. Qua đó, nhiều đơn vị và cá nhân điển hình đã được biểu dương và đánh giá cao...
Thôn Đa Hoa, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng có ông Cil Pam Ha Pất, dân tộc Kơ Ho, cán bộ y tế thôn là người có uy tín tiêu biểu của huyện. Ông Cil Pam Ha Pất bộc bạch: “Xã Tu Tra là 1 trong 8 xã của huyện Đơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Hiện xã Tu Tra đang tập trung xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Làm cán bộ Y tế thôn Đa Hoa, tôi luôn nhắc nhở và hướng dẫn bà con biết tự chăm sóc sức khỏe và phòng chống dịch bệnh cho bản thân, gia đình, cách nuôi dạy con cái, thực hiện  kế hoạch hóa gia đình…”
 
Ông thường xuyên phối hợp với ban công tác Mặt trận thôn tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các tiêu chí về xây dựng khu dân cư kiểu mẫu; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ghép cà phê giống mới trên gốc cà phê mít già cỗi để cho năng suất cao hơn, chăn nuôi bò lai, khuyến khích bà con góp vốn xoay vòng để giúp nhau xây dựng và sửa chữa nhà ở… Đa số người dân thôn Đa Hoa theo đạo Tin Lành  (hệ phái Cơ đốc Phục lâm) nên ông đã tuyên truyền bà con chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn bà con sống “tốt đời, đẹp đạo”. Sau giờ đi lễ tôn giáo vào sáng thứ 7 hàng tuần, bà con đã duy trì việc tổng dọn vệ sinh đường làng, trồng, chăm sóc cây xanh ở các tuyến đường và khu vực công cộng… Đến nay, trong thôn chỉ còn 3 hộ nghèo. Đa Hoa vinh dự là 1 trong 6 thôn đầu tiên của huyện Đơn Dương được UBND huyện công nhận khu dân cư kiểu mẫu. Mới đây, thôn tiếp tục được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng  biểu dương, khen thưởng với mô hình khu dân cư tự quản về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
 Buôn Kroa C, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, tỉnh Đak Lak ngày đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới gặp rất nhiều khó khăn như tỷ lệ hộ nghèo cao, giá cả hàng nông sản xuống thấp, làm ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập và đời sống, tạo khó khăn trong công tác vận động người dân tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới… Ông Y Ngoăn Êban là người có uy tín đã kiên trì, tích cực tuyên truyền giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)  hiểu  về quyền lợi và trách nhiệm người dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới, giúp bà con thay đổi nhận thức và đồng tình hưởng ứng tham gia. “Từ nguồn đóng góp của người dân và các doanh nghiệp gần 2 tỷ đồng, Buôn đã xây dựng 1 trạm biến thế và kéo đường điện dài 1,8 km ra khu sản xuất, lắp điện thắp sáng 3/3 km đường trục chính của Buôn, làm bê tông và cấp phối gần 5km đường ngõ xóm, trục chính nội đồng... Đến nay, đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng cải thiện, diện mạo buôn Kroa C có nhiều đổi mới, khang trang”- Ông Y Ngoăn Êban phấn khởi cho hay.
 
Ở thôn Đak Kon, xã Đak Rơ Nga, huyện Đak Tô, tỉnh Kon Tum có ông A Yêu dân tộc Xê Đăng là Bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận và là người uy tín của thôn. Đây là thôn xa nhất và thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện với 100% đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 36%. Quá trình xây dựng nông thôn mới, ông A Yêu đã vận động bà con chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, quy ước, hương ước của thôn. Ông cũng là hộ đi đầu trong phát triển kinh tế với mô hình trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp, trừ chi phí mỗi năm ông có lãi hơn 300 triệu đồng.  Ông cùng ban nhân dân thôn và các đoàn thể của thôn tuyên truyền vận động người dân đóng góp được 652 ngày công và hiến 0,6 ha đất để bê tông hóa đường giao thông nông thôn; hướng dẫn bà con học hỏi kinh nghiệm và  áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, vận động 37 hộ chuyển đổi 31,5 ha cây trồng… Qua đó, bà con đã thay đổi nhận thức và tự lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình, không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. 
Tại thôn Plei Pông, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai có ông  Đinh Tuy dân tộc Bahnar, là người có uy tín của thôn. Ông đã cùng với cán bộ xã và  thôn tích cực vận động người dân trong thôn thực hiện xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS theo tinh thần Chỉ thị 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai. Bản thân và gia đình ông luôn gương mẫu thực hiện trước để người dân làm theo. Thôn có trên 80% DTTS, sinh sống chủ yếu bằng lao động nông nghiệp, điều kiện kinh tế-xã hội còn gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, ông cùng cán bộ thôn quan tâm hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, tiết kiệm trong chi tiêu gia đình, tiết kiệm thời gian để đầu tư vào sản xuất, tạo điều kiện cho con cái học hành... 
 
Ông Đinh Tuy cho biết thêm: “Người dân Thôn Plei Pông đã đồng thuận tham gia, cùng sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền, ban ngành địa phương di dời, sắp xếp 62 nhà chính, 11 nhà phụ; di dời 1 nhà rông truyền thống theo vị trí quy hoạch; 74/74 hộ dân di dời chuồng bò ra khỏi gầm sàn nhà, hướng dẫn bà con làm được 100 vườn rau xanh phục vụ đời sống... Đến nay cuộc sống của bà con trong thôn cơ bản ổn định, nhà ở được tu sửa vững chắc hơn, đất vườn nhà được phân lô rộng với 600m2/hộ, phù hợp để bố trí vườn nhà và chuồng trại chăn nuôi hơp vệ sinh... Bộ mặt nông thôn mới tại  Plei Pông khang trang, xanh, sạch, đẹp”.
 Có thể khẳng định, những mô hình, cách làm và cá nhân tiêu biểu tâm huyết, trách nhiệm của người có uy tín các DTTS là những bông hoa tươi thắm chung sức xây dựng nông thôn mới ở Tây Nguyên. Nhân hội nghị tọa đàm nêu trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đã biểu dương thành tích toàn thể đội ngũ gần 5.000 người có uy tín các DTTS đã góp phần xây dựng Tây Nguyên ngày càng phát triển. Đồng thời nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và cải thiện đời sống nhân dân các dân tộc Tây Nguyên. Rất mong các vị tiếp tục là tấm gương sáng góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh” do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên vững mạnh”.
                                       Nguồn: Báo Gia Lai ngày 27/8/2019

|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com