Công tác dân vận chính quyền > Phú Thiện – địa phương đi đầu trong thực hiện xây dựng mô hình “Nông hội”

Phú Thiện – địa phương đi đầu trong thực hiện xây dựng mô hình “Nông hội”

27/04/2020


Phú Thiện là huyện nằm ở phía Nam của tỉnh, so với 04 huyện, thị xã trong khu vực thì Phú Thiện được thiên nhiên ưu đãi nhiều hơn về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng lại có đập Thủy lợi Ayun Hạ nên rất thuận lợi trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, là nôi văn hóa của người Jrai với những nét văn hóa đặc trưng, là điều kiện tốt để cho Phú Thiện phát triển các ngành nghề truyền thống và du lịch văn hóa.
Trong những năm qua, tận dụng lợi thế để phát triển lúa nước, Phú Thiện đã trở thành vựa lúa của cả tỉnh; ngành chăn nuôi thủy sản nước ngọt phát triển mạnh; từng bước hình thành các vườn cây ăn quả với chất lượng cao. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất trên địa bàn còn manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu, vẫn còn tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”; chưa phát huy được tiềm năng văn hóa và du lịch của địa phương.
Do đó, khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra chủ trương về xây dựng mô hình “Nông hội”, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú thiện đã khẩn trương triển khai thực hiện, với mục tiêu: nhằm thực hiện vận động người dân tham gia sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; giúp nông dân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau và giữa nông dân với chính quyền, doanh nghiệp tạo môi trường và điều kiện về liên kết tổ chức sản xuất, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao và chế biến, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng tinh thần hợp tác của người dân, khắc phục lối làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, kém hiệu quả.
Từ khi Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Kế hoạch số 190-KH/HU ngày 07/10/2019 về “Xây dựng mô hình Nông hội trên địa bàn huyện Phú Thiện” đến hết tháng 02/2020, trên địa bàn huyện đã thành lập được 09 mô hình Nông hội (toàn tỉnh có 32 mô hình Nông hội) – trở thành địa phương đã ra mắt được nhiều Nông hội nhất tỉnh. Các Nông hội của Phú Thiện rất đa dạng về nội dung hoạt động: từ các ngành nghề truyền thống (dệt thổ cẩm), đến trồng cây ăn quả, nuôi cá, chuyên canh lúa…và liên kết sản xuất nông nghiệp (kết hợp chăn nuôi thủy sản, gia súc với trồng lúa, mỳ, rau). Các Nông hội này cũng tạo sự thu hút, gắn kết các thành phần hộ tham gia: Trong 09 Nông hội có 02 Nông hội 100% hội viên là người Kinh, 02 Nông hội 100% hội viên là người đồng bào DTTS và 04 Nông hội có cả người Kinh và người đồng bào DTTS.
Kết quả Phú Thiện đạt được là thành công bước đầu, khẳng định sự nhanh nhạy, định hướng đúng đắn của cấp ủy, chính quyền và thực hiện nghiêm túc của các cơ quan, ban ngành nơi đây. Qua trao đổi với các cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy Phú Thiện, được biết sở dĩ Phú Thiện triển khai nhanh việc xây dựng mô hình Nông hội là do: (1) Có sự thống nhất trong lãnh đạo về mặt chủ trương và triển khai thực hiện. Ngay sau khi có Kế hoạch của Huyện ủy, các xã, thị trấn  xây dựng kế hoạch và bắt tay vào triển khai thành lập Nông hội dựa trên điều kiện thực tế của cơ sở. (2) Có sự phân công và phối hợp đồng bộ giữa các phòng, ban, ngành của huyện. Ủy Ban nhân dân huyện đã cụ thể hóa Kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy, chỉ đạo Phòng Nội vụ tham mưu thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về tổ chức, hoạt động, hướng dẫn các xã thực hiện quy trình thành lập Nông hội, quy chế hoạt động…; chỉ đạo các phòng ban của huyện hướng dẫn, cung cấp thông tin theo nhu cầu của Nông hội; Phòng Tài chính – Kế hoạch tham mưu kinh phí để hỗ trợ trang thiết bị cần thiết ban đầu cho mỗi nông hội khi thành lập; Hội Nông dân huyện tổ chức xác minh, đánh giá “năng lực” các hộ gia đình dự kiến tham gia Nông hội. (3) Vai trò tích cực của Ban Dân vận Huyện ủy: Trong suốt quá trình xây dựng Nông hội, Ban Dân vận đã chủ động tham mưu cấp ủy chỉ đạo có hiệu quả công tác xây dựng Nông hội; thường xuyên phối hợp với các ngành và xuống cơ sở hướng dẫn thành lập Nông hội. (4) Sự chủ động của chính quyền, cấp ủy các xã, thị trấn; sự nhiệt tình của các thành viên, nhất là Ban chủ nhiệm các Nông hội.
Để tạo điều kiện cho các Nông hội hoạt động tốt sau khi thành lập, Huyện ủy Phú Thiện đã chỉ đạo tặng mỗi Nông hội một bộ máy chiếu và loa kéo trị giá khoảng 25 triệu đồng từ nguồn kinh phí của huyện; đồng thời chỉ đạo thành lập ban kiêm nhiệm, phụ trách chung về vấn đề Nông hội của huyện (thành viên gồm: Ban Dân vận, phòng Nội vụ, phòng Tài chính, UBMT Tổ quốc Việt Nam huyện, Hội Nông dân).
Sau khi các Nông hội được thành lập, bước đầu đã đi vào nền nếp, đã tổ chức sinh hoạt trong hội viên định kỳ hàng tháng; tổ chức tập huấn cho hội viên về kỹ thuật sản xuất, tổ chức họp bàn, thảo luận đầu ra cho các sản phẩm của Nông hội.
Với những kết quả đạt được và sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền huyện Phú Thiện, các thành viên Nông hội rất tin tưởng và tin rằng trong năm 2020 công tác xây dựng Nông hội sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, hoạt động có hiệu quả và sẽ hình thành được các thương hiệu nổi tiếng với những: “Thổ Cẩm Ia Piar”, “Cá Tâm Ngư”, “Lúa Quyết Tâm”, “Mỳ Rương Kan”…/.
 
Minh Khuê
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com