Công tác dân vận chính quyền > Tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân

Tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân

22/12/2017


Nhằm kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở và phát huy vai trò, quyền làm chủ của nhân dân, ngày 14/3/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đến nay, hầu hết các cấp ủy đảng, chính quyền đều ban hành quy định, xây dựng kế hoạch tổ chức đối thoại với nhân dân, bước đầu mang lại những kết quả thiết thực. 

Các cuộc đối thoại đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân và cán bộ, đảng viên tham gia. Tại các buổi tiếp xúc, đối thoại đã có nhiều vấn đề được người dân chia sẻ, phản ánh trực tiếp, nhất là những vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, công tác quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, vấn đề ô nhiễm môi trường, việc thực hiện các chế độ, chính sách... Qua đối thoại, nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc mà nhân dân quan tâm đã được lắng nghe và giải quyết kịp thời, nhận được sự đồng tình cao của nhân dân.

Tại TP. Pleiku bên cạnh duy trì giao ban, đối thoại hằng quý với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, Thường trực Thành ủy, UBND thành phố tổ chức đối thoại theo chuyên đề tại những địa bàn có tiềm ẩn phức tạp. Nhờ đó, nhiều vấn đề kịp thời được giải quyết như: tổ chức đối thoại với tiểu thương chợ Hoa Lư, Thành phố Pleiku liên quan đến việc chuyển địa điểm của chợ sang vị trí mới và hợp đồng thuê ki ốt bán hàng của các tiểu thương trong chợ, kết quả của việc đối thoại, tiểu thương đã thống nhất chuyển qua chợ nới và giao mặt bằng chợ cũ để thành phố quản lý.

Tại Thị xã An Khê, Thường trực Thị ủy, UBND, các ban, ngành đoàn thể thị xã đối thoại với Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban mặt trận thôn của 90 thôn, làng, tổ dân phố để nghe phản ánh tình hình cơ sở và những đề xuất, kiến nghị, qua đó Thường trực Thị ủy chỉ đạo cơ quan chức năng tham mưu công tác quy hoạch, quản lý đô thị phù hợp với thực tiễn địa phương; giải quyết vấn đề về môi trường, cung cấp nước sạch, phát triển kinh tế - xã hội… góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tính đến nay đã có 14/17 huyện, thị, thành phố, tổ chức được 37 buổi tiếp xúc, đối thoại; các xã, phường, thị trấn tổ chức được 96 buổi đối thoại trực tiếp với nhân dân trên địa bàn. Hiệu quả của việc thực hiện đối thoại trực tiếp còn thể hiện ở chỗ, qua hoạt động này, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, dự án, quy định của địa phương được tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân biết; tại các cuộc tiếp xúc này nhân dân được cung cấp thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội để nhân dân hiểu rõ, nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn những thuận lợi, khó khăn của địa phương, từ đó, nhân dân thấy được phần trách nhiệm của mình trong việc tham gia cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, thông qua tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, mỗi tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, tạo sự chuyển biến trong tác phong làm việc, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Quy chế đối thoại vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân có lúc, có nơi chưa được quan tâm thường xuyên. Một số địa phương chưa xây dựng quy chế, kế hoạch tổ chức đối thoại ít nhất 1 lần/năm theo Quy chế.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định 553-QĐ/TW của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm một số nội dung sau:

Một là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu đối với hoạt động đối thoại trực tiếp với nhân dân; coi đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Hai là: Hoạt động đối thoại phải được đưa vào chương trình, kế hoạch thực hiện hàng năm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Thực hiện tốt các bước chuẩn bị cho cuộc đối thoại (kế hoạch, chương trình, nội dung, thành phần, địa điểm đối thoại, tổng hợp các ý kiến, dự kiến kết quả giải quyết). Nội dung đối thoại phải cụ thể và trọng tâm, là những vấn đề nhân dân đang quan tâm.

Ba là: Các cơ quan chuyên trách, tham mưu giúp việc, các phòng, ban, đơn vị liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham mưu cho đồng chí Bí thư, Chủ tịch tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy chế, nhất là tổ chức thực hiện nghiêm túc các thông báo kết luận sau tiếp xúc, đối thoại.

Bốn là: Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng nguyện vọng nhân dân và dư luận xã hội trước, trong và sau tiếp xúc đối thoại; tổ chức giám sát việc giải quyết của các cơ quan, đơn vị đối với các phản ánh, kiến nghị của nhân dân tại các buổi tiếp xúc, đối thoại, qua đó, kịp thời báo cáo và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tiếp tục chỉ đạo giải quyết.
Tiếp xúc, đối thoại với nhân dân không chỉ để lắng nghe và ghi nhận mà hơn hết đó là tìm hướng giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, kiến nghị của nhân dân. Làm tốt công tác này sẽ phát huy vai trò và quyền làm chủ của nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
 Lê Thoại
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com