Công tác dân vận chính quyền > Vận động nhân dân chung tay đẩy lùi dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh

Vận động nhân dân chung tay đẩy lùi dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh

27/10/2019


Từ đầu năm đến nay, cả nước nói chung, Gia Lai nói riêng đang phải đối đầu với việc bùng phát dịch sốt xuất huyết. Dịch bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra theo chu kỳ từ 3 đến 5 năm. Trong năm 2016 tình hình dịch sốt xuất huyết bùng phát và lan rộng trên toàn quốc, riêng tỉnh Gia Lai ghi nhận dịch bệnh xảy ra ở 17/17 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 13.374ca/01ca tử vong; năm 2019 chu kỳ dịch bệnh tiếp tục quay trở lại và ngày càng phức tạp hơn, tính đến ngày 6/8/2019 dịch bệnh đã xảy ra tại 17/17 huyện, thị xã, thành phố, số ca bệnh sốt xuất huyết được ghi nhận trên toàn tỉnh là 5.270 ca/1ca tử vong (riêng trong tháng 7 là 2.591 ca). 
Tình hình bệnh sốt xuất huyết năm 2019 có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường. Từ đầu năm 2019 số ca mắc sốt xuất huyết khá cao (do tình hình dịch tăng cao từ cuối năm 2018) sau đó giảm dần tới tháng 3 nhưng vẫn duy trì số ca mắc trung bình rải rác tại các địa phương; nhưng từ tháng 4 trở đi bệnh có xu hướng biến động, đến giữa tháng 5 số ca mắc bắt đầu tăng cao tập trung tại huyện Chư Prông, Kbang, Pleiku, An Khê, đến tháng 7 số ca mắc bệnh lại tiếp tục tăng tại các huyện Chư Pưh, Chư Sê, Đăk Đoa, Đăk Pơ, Đức Cơ khiến số ca mắc trên địa bàn toàn tỉnh vẫn duy trì ở mức cao và khó kiểm soát. Tính đến ngày 6/8/2019 số ca sốt xuất huyết tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2018, tập trung nhiều nhất tại thành phố Pleiku là 1.118 ca, huyện Kbang 996 ca, Chư Prông 524 ca, An Khê 466 ca, Đăk Pơ 364 ca, xảy ra 01 ca tử vong tại huyện Chư Sê.
Trước thực trạng trên, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Công điện chỉ đạo Sở Y tế, chính quyền các địa phương tập trung phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Đến tháng 8, số ổ dịch được ghi nhận là 645 tại 432/2082 thôn, làng của 141/222 xã, phường, thị trấn, trong đó đã khống chế được 483 ổ dịch (đã được xử lý 472 ổ dịch).
Tuy nhiên, khi mùa mưa với đặc điểm mưa, nắng đan xen; cùng với đó là tập quán tích trữ nước sinh hoạt của người dân, công tác vệ sinh môi trường thu, gom vật dụng phế thải chứa nước (như lốp xe, xô chậu, chai, lọ ...) không đảm bảo, sẽ là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết. Ngoài ra, do nhu cầu đi lại, giao thương của người dân giữa các vùng, miền làm cho nguồn lây bệnh phát tán từ vùng có dịch đến vùng không có dịch khiến cho tình hình dịch diễn biến phức tạp và khó kiểm soát. Do đó, trong những tháng cuối năm nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết, nhất là công tác truyền thông, vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, bọ gậy thì nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng (tương tự năm 2016) hoàn toàn có thể xảy ra.
Muốn ngăn chặn, đẩy lùi dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh, không chỉ dựa vào sự tác nghiệp của các cơ quan chuyên môn mà còn rất cần sự chung tay góp sức của các cấp, ban, ngành và toàn dân, trong đó có phần quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng.
Một số nội dung tuyên truyền, vận động, cụ thể:
(1) Các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội địa phương phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố chủ động trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân làm vệ sinh môi trường trên diện rộng, thu gom rác thải, dọn dẹp vườn tược, thực hiện tốt phương châm “không có lăng quăng, bọ gậy, không có sốt xuất huyết” và công tác này phải thực hiện thường xuyên liên tục hàng tuần cho đến khi hết ca bệnh sốt xuất huyết  trên địa bàn.
(2) Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thành lập các đội xung kích tham gia phối hợp với ngành Y tế triển khai các hoạt động phòng, chống dịch tới hộ gia đình, kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, công tác phun hóa chất xử lý dịch….hoạt động này được triển khai thường xuyên và liên tục.
(3) Tổ chức lễ phát động chiến dịch “ Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết” trên địa bàn.
Để công tác tuyên truyền, vận động phát huy hiệu quả tốt nhất, các địa phương có thể xem xét, gắn công tác phòng, chống sốt xuất huyết vào nội dung chấm điểm đánh giá thi đua công nhận gia đình văn hóa hàng năm.
 
Thu Nguyệt
 
 
 
 
 
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com