Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống > Kết quả thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 12/4/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV)

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 12/4/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV)

29/05/2019


Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 12 tháng 4 năm 2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025 (viết tắt là Nghị quyết 05-NQ/TU), các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp nghiêm túc tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện sát với thực tiễn địa phương, đơn vị.
Từ đó đã nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhân dân về công tác giảm nghèo, nhất là việc giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước đưa Nghị quyết số 05-NQ/TU đi vào cuộc sống. Trong 02 năm (2017 - 2018), công tác giảm nghèo chung và giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số được cấp ủy, chính quyền các cấp xem là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, cụ thể:
Cấp ủy, chính quyền thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện về thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo tích cực hướng dẫn, đôn đốc, giám sát các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác giảm nghèo bền vững theo nhiệm vụ được phân công.
Ở các địa phương, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện phân công nhiệm vụ cho các phòng chuyên môn cấp huyện phụ trách công tác giảm nghèo ở các xã, phường, thị trấn, chú trọng đối với các xã đặc biệt khó khăn, các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đảng ủy, ủy ban nhân dân cấp xã phân công cán bộ cấp xã phụ trách công tác giảm nghèo ở các thôn, làng và phân công cán bộ, đảng viên phụ trách công tác giảm nghèo đến từng hộ nghèo, giúp hộ nghèo phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên thoát nghèo.
Thực hiện các chính sách giảm nghèo đa chiều, thời gian qua các địa phương đã sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để đầu tư nâng cấp, cải thiện cơ sở hạ tầng ở các huyện nghèo, xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn, thôn, làng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho người dân, cụ thể: Chương trình 30a: Kinh phí thực hiện trong 02 năm (2017 - 2018) hơn 193 tỷ đồng, các địa phương đã xây dựng và đưa vào sử dụng được 55 công trình; duy tu, bảo dưỡng 32 công trình (đường giao thông, trạm y tế, trường học, công trình thủy lợi...); Chương trình 135: Thực hiện đầu tư xây dựng 400 công trình và duy tu bảo dưỡng 94 công trình với nguồn kinh phí trên 276 tỷ đồng.
Về hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017 - 2018, các ngành, các địa phương đã tập trung hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, cụ thể: Chương trình 30a: Thực hiện hỗ trợ 456.895 kg phân bón, 1.054 con bò giống với kinh phí 25.390 triệu đồng. Chương trình 135: Hỗ trợ 1.739 con bò giống, 17,7 tấn giống ngô lai, 61,3 tấn giống lúa, 1.844 tấn phân bón với kinh phí trên 60 tỷ đồng. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a, Chương trình 135, nguồn vốn thực hiện là 4.633 triệu đồng; trong năm 2017 thực hiện 06 mô hình phát triển sản xuất tại 6 địa phương; năm 2018 thực hiện hỗ trợ 5.330 kg giống cây trồng, 46.204 kg phân bón, 108 con bò cái sinh sản cho hộ nghèo ở 12 huyện, thị xã.
Thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, ngày 10 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2), các địa phương đã tích cực vận động hộ nghèo thuộc Đề án 455 vay vốn làm nhà ở từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vận động các doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, đoàn thể, cộng đồng, tổ chức xã hội và người dân hỗ trợ kinh phí và công lao động giúp hộ nghèo làm nhà ở; kết quả đã thực hiện được 1.210 căn nhà, với tổng kinh phí thực hiện trên 60 tỷ đồng.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, các doanh nghiệp, cộng đồng đã tích cực vận động, hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn làm nhà ở với số nhà được hỗ trợ trên 650 căn nhà; đồng thời, các đơn vị lực lượng vũ trang, các đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực hỗ trợ công lao động giúp hộ nghèo làm nhà, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ người đồng bào dân tộc thiểu số làm 1.070 nhà vệ sinh và nhân rộng được 1.455 nhà vệ sinh.
          Có thể nói, công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU được các cấp, các ngành thực hiện tốt, từng bước đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở và cộng đồng dân cư về công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng cao. Nhận thức của người dân, đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao; phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số đã biết cách sản xuất, các hủ tục lạc hậu trong ma chay, lễ, hội giảm dần; người nghèo đã tiếp cận đầy đủ hơn các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước. Nhiều cách làm hay, mô hình giảm nghèo hiệu quả đã được cấp ủy, chính quyền cơ sở triển khai, mang lại kết quả tích cực, giúp cho người nghèo có việc làm, thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững.
Cơ sở hạ tầng của các xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn và vùng nông thôn được quan tâm đầu tư, đến nay 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật theo quy định, giao thông đi lại thuận tiện giúp cho việc lưu thông trao đổi hàng hóa, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế; có 77,5% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; hầu hết trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 98,2% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; 44% xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn nông thôn mới; trên 92,3% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 30% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa riêng... Cơ sở hạ tầng phát triển tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, định canh định cư của tỉnh.
Kết quả sau 02 năm thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 6,51%, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 13,42%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao, bộ mặt vùng đồng bào dân tộc thiểu số chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh kết quả đáng khích lệ thì việc triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế như sau:
- Kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, số hộ đã thoát nghèo nhưng nằm trong diện cận nghèo lớn, số hộ nghèo phát sinh trong năm cao, còn có hộ tái nghèo; nhiều xã tỷ lệ hộ nghèo vẫn trên 50%; chênh lệch mức sống giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số chưa được thu hẹp; đời sống người dân ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn; nhiều người dân chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản.
- Nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo còn hạn chế, việc huy động nguồn lực, xã hội hoá công tác giảm nghèo gặp nhiều khó khăn, chưa khai thác hết nguồn lực tại chỗ, chưa phát huy được nội lực trong dân và chính người nghèo; các giải pháp, cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo ở các địa phương phát huy hiệu quả thấp.
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 05-NQ/TU trên địa bàn tỉnh Gia Lai tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số và cộng đồng xã hội về thực hiện giảm nghèo bền vững trong toàn tỉnh; thực hiện tốt phong trào thi đua “Gia Lai chung tay vì người nghèo”; Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Hai là, phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh được giao phụ trách công tác giảm nghèo bền vững ở các huyện, thị xã, thành phố; thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác giảm nghèo. Ủy ban nhân dân cấp huyện phân công các phòng, ban chuyên môn và các thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia mục tiêu quốc gia cấp huyện phụ trách giảm nghèo ở các xã, phường, thị trấn. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phân công cán bộ, công chức cấp xã theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc công tác giảm nghèo ở các thôn, làng, tổ dân phố.
Ba là, giao chỉ tiêu giảm nghèo cho các địa phương và tổ chức cho hộ nghèo đăng ký thoát nghèo. Tăng cường thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ cho hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất kinh doanh, vươn lên khá giả. Tăng cường lồng ghép nguồn lực của các Chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác ở địa phương để phát huy đối đa hiệu quả. Tranh thủ nguồn lực từ doanh nghiệp, cộng đồng ở địa phương và các tổ chức nhân đạo, từ thiện để hỗ trợ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất kinh doanh; kêu gọi sự tham gia đóng góp của bản thân các hộ nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên, hạn chế đến mức thấp nhất tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người nghèo.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn lực đầu tư cho các chương trình giảm nghèo ở các địa phương; phối hợp và tạo điều kiện cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình hỗ trợ giảm nghèo khác.
 
Hạnh Lưu
 
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com