Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống > Kết quả triển khai Quyết định 217, 218-QĐ/TW trên địa bàn thành phố Pleiku

Kết quả triển khai Quyết định 217, 218-QĐ/TW trên địa bàn thành phố Pleiku

29/06/2018


Là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh, thành phố Pleiku hiện có 23 xã, phường, với 254 thôn, làng, tổ dân phố; trong đó, có 43 làng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 14 xã, phường; dân số 233.069 người, trong đó, 12,24% là người đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Jrai, Bahnar; đây cũng là địa bàn có nhiều tôn giáo hoạt động như: Phật giáo, Công giáo, Cao đài, Tin lành... 

Xác định công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội là một nhiệm vụ rất quan trọng nên ngay từ đầu năm, Thường trực Thành ủy Pleiku đã chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố xây dựng kế hoạch trình Thường trực Thành ủy phê duyệt để triển khai thực hiện.

Nếu như trước đây, việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên chưa thường xuyên, hiệu quả còn hạn chế do chưa có văn bản nào quy định cụ thể. Từ khi thực hiện Quyết định số 217 của Bộ Chính trị (khóa XI) về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thì việc giám sát và phản biện xã hội trở thành một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố cũng như các xã, phường đã phát huy vai trò giám sát, phản biện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đã xây dựng kế hoạch tiến hành 12 cuộc giám sát. Trong đó, tập trung vào các nội dung giám sát việc triển khai thực hiện các quy định của Nhà nước về giải quyết chế độ chính sách đối với người có công và việc triển khai thực hiện dân chủ cơ sở theo Pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI; giám sát công tác tiếp nhận giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân tại ủy ban nhân dân một số xã, phường; giám sát về công tác quản lý quỹ đất tại hợp tác xã An Phú 1, An Phú 2; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế tại Phòng Lao động – Thương binh và xã hội thành phố, việc thực hiện chế độ bảo hiểm cho đối tượng là người nghèo, người cận nghèo (giai đoạn 2016-2020) tại Bảo hiểm xã hội thành phố. Hay như, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tiến hành giám sát ở 06 đơn vị với nội dung giám sát là hỗ trợ giải quyết dạy nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ nông thôn tại Phòng Lao động Thương bình – Xã hội thành phố; việc thực hiện một số điều khoản liên quan đến Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; giám sát trách nhiệm việc thực hiện một số điều khoản liên quan đến Nghị định 56-NĐ/CP của Chính phủ về quy định trách nhiệm của bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc đảm bảo cho các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước tại Ủy ban nhân dân thành phố...

Cùng với giám sát, hàng năm Ủy ban Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố đã xây dựng và triển khai kế hoạch phản biện xã hội theo Quyết định 218-QĐ/TW trong việc thực hiện chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và các đề án về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đảm bảo sát với thực tiễn của đời sống xã hội cũng như các vấn đề đang được nhân dân và dư luận xã hội quan tâm. Riêng trong năm 2017, Ủy ban Mặt trận thành phố đã tổ chức 02 hội nghị để lấy ý kiến phản biện về phương án trồng dặm và thay thế cây xanh một số tuyến đường trên địa bàn thành phố; ý kiến phản biện trồng cây mắc ca công nghệ cao tại địa bàn xã Gào; về chủ trương cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phúc Tín thuê đất trồng rừng kết hợp trồng cây dược liệu tại địa bàn xã Gào. Bên cạnh đó, thành phố đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới năm 2017 tại 03 xã Chư Ă, xã Gào và Ia Kênh nhằm đánh giá khách quan, thực chất kết quả xây dựng nông thôn mới và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Kết quả, trên 99% người dân tại 03 xã hài lòng với việc xây dựng nông thôn mới, góp phần phát huy dân chủ, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội.

Việc giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội từng bước được triển khai cụ thể hơn. Người dân ngày càng có điều kiện để tham gia góp ý trực tiếp vào trong các dự thảo Luật, các nghị quyết của Đảng, chính quyền trong xây dựng và phát triển thành phố. Hoạt động giám sát đã giúp cho chính quyền các cấp thấy được những tồn tại, hạn chế, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến nhân dân; phát huy dân chủ và tạo sự đồng thuận trong nhân dân, nhất là ở cơ sở, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố; đồng thời, giúp cho hệ thống Mặt trận thành phố tích lũy thêm những bài học kinh nghiệm góp phần vào việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động.
Cùng với việc triển khai các hoạt động giám sát, phản biện xã hội; Thành ủy cũng đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã thành phố triển khai việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền với nhiều hình thức. Trong đó, tập trung góp ý việc thực hiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm thực thi công vụ của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức;... việc góp ý thông qua hình thức góp ý trực tiếp vào văn bản hoặc qua các buổi tọa đàm, tiếp xúc cử tri. Xác định một trong những nội dung quan trọng của việc tham gia ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đó là việc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Trong năm, thực hiện Quyết định 553-QĐ/TU ngày 14/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại với nhân dân trên địa bàn tỉnh; Thường trực Thành ủy đã tổ 01 cuộc đối thoại, nội dung các cuộc đối thoại liên quan đến việc tháo dỡ nhà lồng và di dời chợ Hoa Lư; lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố đã tổ chức 06 cuộc đối thoại đối với hộ dân trong dự án kè Hội Phú; Dự án Trung tâm trưng bày bảo hành bảo trì ô tô...

Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) trên địa bàn thành phố Pleiku, quá trình triển khai thực hiện các Quyết định trên nhận thấy vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm, tháo gỡ đó là: Việc tổ chức triển khai và ban hành các văn bản liên quan đến thực hiện Quyết định 217, 218 ở một số xã, phường còn chậm. Một số cấp ủy, chính quyền xã, phường chưa quan tâm xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân. Việc tổ chức giám sát, phản biện xã hội bước đầu triển khai thực hiện nên chỉ mới triển khai ở những nội dung đơn giản và các vấn đề cử tri có ý kiến, kiến nghị. Trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giám sát, phản biện xã hội còn có mặt hạn chế. 

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) trong thời gian tới, thành phố xác định triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị và Quyết định 553, 554 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh.

Hai là, chỉ đạo cho các cấp ủy, chính quyền ngay từ đầu năm xây dựng chương trình, kế hoạch và chuẩn bị các nội dung tổ chức đối thoại với nhân dân theo Quy định 553 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (ít nhất 01 lần/năm). Chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố định kỳ vào tháng 12 hằng năm, xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát và phản biện xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình. Đồng thời, hướng dẫn Mặt trận xã, phường chủ trì, phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217.

Ba là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn thành phố kịp thời báo cáo kết quả giám sát và phản biện xã hội cho cấp ủy Đảng, chính quyền. Hằng năm, tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về giám sát và phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội xã, phường.

Bốn là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc tiếp thu và khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm của các đơn vị đã được giám sát. Kịp thời phản ánh những ý kiến, kiến nghị của nhân dân đến các ngành chức năng để giải quyết.  

 
Kiều Trang                                                                                                        
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com