Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống > Một số kết quả, kinh nghiệm sau 3 năm thực hiện Kết luận 120-KL/TW của Bộ Chính trị ở Gia Lai

Một số kết quả, kinh nghiệm sau 3 năm thực hiện Kết luận 120-KL/TW của Bộ Chính trị ở Gia Lai

01/07/2018


Nhận thức sâu sắc việc quán triệt và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng, thường xuyên và lâu dài trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy đảng, chính quyền. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện tốt QCDC ở các loại hình cơ sở, từ đó đa góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Quán triệt, thực hiện Kết luận 120-KL/TW của Bộ Chính trị “về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở” (Kết luận 120-KL/TW), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở như: Chương trình số 12-CTr/TU ngày 29/4/2016 về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; Quyết định 553, 554-QĐ/TU ngày 14/3/2017 về “tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân” và “việc tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”; Kế hoạch thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW của Ban Bí thư về “hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi  sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Kế hoạch thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư về “giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”; tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội theo Quyết định số 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời, chỉ đạo sơ, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết về thực hiện QCDC ở cơ sở đạt kết quả.

Hàng năm, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc quán triệt, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận chính quyền, trong đó có thực hiện QCDC gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã tổng kết 3 năm chương trình phối hợp công tác dân vận chính quyền với Ban Dân vận Tỉnh ủy giai đoạn 2013 - 2016, ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2017 – 2021; xây dựng kế hoạch thực hiện CTPH năm 2018 “Năm dân vận chính quyền”; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện công tác dân vận chính quyền; tổ chức thanh tra, kiểm tra công vụ để chấn chỉnh kịp thời lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thông qua việc quán triệt, thực hiện QCDC ở cơ sở đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương đối với việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Nhiều địa phương, đơn vị đã đưa nội dung thực hiện QCDC là một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ để xem xét thi đua, khen thưởng hàng năm của tập thể và người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; công khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Tạo điều kiện để nhân dân được bàn các chủ trương, các khoản đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, xây dựng cánh đồng lớn...Tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia xây dựng các thiết chế văn hoá, xây dựng quy ước, hương ước; bầu, bãi nhiệm thành viên ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng; đồng thời, tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng đảng, xây dựng chính quyền. Hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã được cải thiện, thể hiện qua các hoạt động giám sát và tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp, tính riêng năm 2016 đã tổ chức 5.018 cuộc tiếp xúc với hơn 478.187 lượt cử tri tham dự có hơn 52.661 ý kiến tham gia đối với HĐND, UBND các cấp trong vấn đề quốc kế dân sinh.

Công tác cải cách thủ tục hành chính, gắn với đơn giản hóa quy trình, hồ sơ, thủ tục và mở rộng, nâng cấp mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến được quan tâm thực hiện. Đến nay, 17/17 ủy ban nhân dân huyện, 92/222 ủy ban nhân dân cấp xã đã triển khai mô hình một cửa điện tử hiện đại; 20/20 sở, ban, ngành, 17/17 đơn vị hành chính cấp huyện, 181/222 đơn vị hành chính cấp xã công bố Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với TCVN ISO 9001:2008 theo quy định. Toàn tỉnh đã cung cấp hơn 1.492 thủ tục hành chính công trực tuyến ở mức độ 2; 346 dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 và 52 dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4, góp phần giảm thời gian xử lý công việc, tăng tính công khai, minh bạch đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đối thoại doanh nghiệp để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp an tâm và ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện Quyết định 553, 554-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân và việc tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đến nay, tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đều ban hành quy định, xây dựng kế hoạch tổ chức đối thoại với nhân dân trên địa bàn. Từ năm 2017 đến nay, người đứng đầu cấp tỉnh và huyện đã tổ chức 80 buổi tiếp xúc, đối thoại, các cuộc đối thoại đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân và cán bộ, đảng viên tham gia. Tại các buổi tiếp xúc, đối thoại đã có nhiều vấn đề được người dân chia sẻ, phản ánh trực tiếp, nhất là những vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, công tác quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, vấn đề ô nhiễm môi trường, việc thực hiện các chế độ, chính sách cho các đối tượng... Qua đối thoại, nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc mà nhân dân quan tâm đã được lắng nghe và giải quyết kịp thời, nhận được sự đồng tình cao của nhân dân. Bên cạnh đó, quan tâm thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Tính riêng từ năm 2016 đến nay, các ngành, các cấp đã tiếp 8.135 lượt công dân đến phản ánh, khiếu nại, tố cáo. Tiếp nhận 758 đơn khiếu nại, tố cáo, trong đó có 365 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết, đã xác minh, giải quyết xong 338 vụ, đạt 92,6%.

Ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng và các tổ hòa giải ở nhiều địa phương được củng cố, kiện toàn, từng bước nâng cao hiệu quả giám sát. Hiện nay, tỉnh có 222 ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư của cộng đồng với 1.611 thành viên; những năm qua đã tiến hành thanh tra, giám sát 379 cuộc, phát hiện, kiến nghị với các cơ quan chức năng giải quyết 202 vụ việc. Có 2.160 tổ hòa giải cơ sở, đã tiếp nhận 651 vụ việc, đã tiến hành hòa giải thành 528 vụ việc.

Việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 04/2015/NĐ-CP được quan tâm triển khai, thực hiện. Các cơ quan, đơn vị đã công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành công việc cơ quan; qua đó tạo điều kiện để CBCCVC được biết, được bàn, được tham gia ý kiến trước khi thủ trưởng cơ quan quyết định các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích như: tham gia góp ý các quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ về kinh phí quản lý, sử dụng tài sản công, việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; việc thực hiện chế độ, chính sách đối với CBCCVC.

Có thể thấy, việc thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời gian qua, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, đó là: Việc tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Kết luận 120-KL/TW của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về thực hiện QCDC ở cơ sở chưa thường xuyên, sâu sắc; một số nơi triển khai lồng ghép, còn mang tính hình thức; chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và trách nhiệm của một số tổ chức và người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện. Một số, cơ quan, đơn vị chưa kịp thời cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của cấp trên về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở thành các quy định, quy chế cụ thể để thực hiện. Vai trò của ban thanh tra nhân dân và các tổ chức đoàn thể trong các cơ quan, đơn vị chưa thực sự được phát huy, nhất là việc tuyên truyền, vận động và giám sát thực hiện các nội dung theo quy định. Việc thực hiện QCDC ở một số doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, chưa được coi trọng và còn biểu hiện hình thức.

Qua 3 năm triển khai thực hiện Kết luận 120-KL/TW  ở Gia Lai, bước đầu rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, nắm vững các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, nhận thức đúng đắn về phát huy dân chủ, đề cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền nhất là người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị, xem việc thực hiện QCDC là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên, là một tiêu chí quan trọng để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền và cán bộ, đảng viên.

Hai là, thực hiện QCDC ở cơ sở phải gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực kinh tế - xã hội. Thực hiện dân chủ phải đi đôi với giữ gìn kỷ cương, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Ba là, phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện QCDC cơ sở. Tiến hành rà soát, bổ sung, xây dựng quy chế cụ thể; đồng thời phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đoàn thể. Tăng cường phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội với các cấp, các ngành chức năng trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện QCDC cơ sở theo chức năng của từng tổ chức.  

Bốn là, thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở đủ mạnh, thật sự chủ động trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc, phân công trách nhiệm các thành viên; duy trì tốt chế độ sinh hoạt của Ban chỉ đạo; làm tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, các ngành về xây dựng và thực hiện QCDC. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở; thực hiện tốt việc sơ, tổng kết, đánh giá, phân loại việc thực hiện QCDC cơ sở. /.
 
Võ Thanh Hùng, TUV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com