Quy chế dân chủ ở cơ sở > Gia Lai cần đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

Gia Lai cần đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

23/03/2021


Chiều 22-3, đoàn công tác do Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai về kết quả thực hiện Kết luận số 120-KL/TW ngày 7-1-2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở.

Làm việc với đoàn công tác có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh; Võ Thanh Hùng-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo cùng lãnh đạo các huyện: Ia Grai, Đak Đoa, Chư Păh.
 

Nhiều kết quả khả quan

 
Thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, ngày 29-4-2016 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 12-CTr/TU và chỉ đạo các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện QCDC phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 1515-QĐ/TU ngày 13-8-2019 về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của người dân.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy Đak Đoa Nguyễn Hữu Thọ thông tin: Đak Đoa là một trong những địa phương ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện Kết luận số 120 khá sớm. Cùng với đó, Huyện ủy Đak Đoa cũng ban hành 3 nghị quyết, 2 đề án liên quan đến các nội dung về thực hiện QCDC ở cơ sở, góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Mặt khác, đại diện cấp ủy và Ban Chỉ đạo cũng đã tổ chức 34 đoàn kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện QCDC ở cơ sở.
 
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, chú trọng đổi mới nội dung, hướng hoạt động về cơ sở, thực hiện phương châm: “Hàng tuần có 4 ngày làm việc ở cơ quan, 1 ngày làm việc ở cơ sở”. Qua đó, MTTQ đã quan tâm, tạo điều kiện để người dân phát huy quyền làm chủ, tích cực đóng góp ý kiến để tháo gỡ khó khăn trong những vấn đề có liên quan đến đời sống như: sản xuất kinh doanh; thực hiện các chính sách xã hội; giúp nhau thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới... Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.576 bản hương ước, quy ước thôn, làng, khu dân cư.
 
Điểm nhấn trong thực hiện QCDC là đã huy động hơn 18.851 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó, vốn cộng đồng dân cư đóng góp 1.135 tỷ đồng. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 88 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh cũng đã huy động được hơn 145 tỷ đồng để xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số và đến nay có 97 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới.
 
Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở đã tập trung phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là gặp gỡ, đối thoại với người dân; giải quyết dứt điểm các vụ việc còn tồn đọng, kéo dài ở cơ sở. Công tác cải cách hành chính được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo thường xuyên.
 
Việc tiếp dân và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của người dân và ý kiến, kiến nghị của cử tri được thực hiện có hiệu quả; phần lớn các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh đã được tập trung giải quyết ngay tại cơ sở, hạn chế việc công dân khiếu kiện vượt cấp. Số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo ngày càng giảm và đến nay toàn tỉnh không có đơn thư khiếu nại kéo dài.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phương Dung
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phương Dung

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cho hay: Thời gian qua, tỉnh rất quan tâm đến công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính nhằm cải thiện chất lượng phục vụ, nâng cao sự tín nhiệm và mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Trong quá trình tiếp dân, đối thoại với dân, lãnh đạo tỉnh luôn lắng nghe và nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của người dân để có hướng xử lý kịp thời.

 
Sáng cùng ngày, đoàn công tác đã có buổi làm việc với Thành ủy Pleiku về kết quả thực hiện Kết luận số 120-KL/TW ngày 7-1-2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. 

Toàn tỉnh hiện có 7.138 doanh nghiệp hoạt động. Việc thực hiện QCDC tại nơi làm việc được các doanh nghiệp quan tâm thực hiện, tạo điều kiện cho người lao động tham gia ý kiến và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động.

 

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Trần Lệ Nhung thông tin: Hàng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh đều thành lập các tổ vận động xuống trực tiếp cơ sở, bám địa bàn để nắm bắt, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc và vận động thành lập các tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp.

 
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện QCDC ở cơ sở
 
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến việc thực hiện QCDC ở cơ sở như: công tác tiếp dân, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong đời sống người dân. Đoàn công tác cũng ghi nhận những cách làm hay của các địa phương, đơn vị trong việc chọn những nhóm vấn đề để thực hiện kiểm tra, giám sát tránh chồng chéo và nội dung chung chung. Trên cơ sở nội dung đã kiểm tra, Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh đã tham mưu giúp cấp ủy đánh giá, kiểm điểm những đơn vị, cơ sở thực hiện chưa tốt.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn đã cảm ơn ý kiến góp ý của các thành viên trong đoàn công tác. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đã làm rõ thêm một số kết quả và những bài học kinh nghiệm mà tỉnh rút ra qua 5 năm triển khai Kết luận số 120 của Bộ Chính trị.
 
Đó là nhận thức và trách nhiệm thực hiện dân chủ của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu có chuyển biến rõ nét, đã coi việc thực hiện QCDC là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên trong lãnh đạo, chỉ đạo gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương. Việc thay đổi cách thức tiếp công dân đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở đã giải quyết thấu đáo các khiếu nại, khiếu kiện của người dân theo từng cấp; việc triển khai xây dựng nông thôn mới trong vùng dân tộc thiểu số và thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.
 
Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang phát biểu tại buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy. Ảnh: Phương Dung
Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang phát biểu tại buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai. Ảnh: Phương Dung

 

Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang khẳng định: Thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và cụ thể hóa nhiều văn bản của trung ương liên quan đến thực hiện QCDC ở cơ sở thành các chương trình hành động cụ thể. Qua đó đạt được nhiều kết quả rõ nét, nhất là việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo; xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới và làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số.

 
Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị: Thời gian tới, tỉnh Gia Lai cần tiếp tục quán triệt, triển khai Kết luận số 120 và cụ thể hóa các văn bản, chương trình kế hoạch để việc thực hiện QCDC đi vào chiều sâu, ngày càng tạo chuyển biến sâu rộng trong nhận thức của các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó ưu tiên cải cách thủ tục hành chính và thực hiện tốt việc tiếp dân, đối thoại với dân.
 
Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện QCDC ở cơ sở, qua đó phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; tập trung triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm công tác dân vận năm 2021 là “đẩy mạnh thực hiện QCDC ở cơ sở”.
 
Đối với những đề xuất, kiến nghị liên quan đến việc sửa đổi Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 thành Luật Dân chủ ở cơ sở để tăng hiệu lực khi thực hiện QCDC ở cơ sở, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương cho biết sẽ tiếp thu và trao đổi với các cơ quan chức năng có liên quan trong thời gian sớm nhất.
 
Nguồn Báo Gia Lai, ngày 23/3/2021
 
 
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com