Quy chế dân chủ ở cơ sở > Tỉnh Gia Lai phát huy hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

Tỉnh Gia Lai phát huy hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

21/11/2019


Quán triệt và thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị khóa XI “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”, cấp ủy, chính quyền các cấp đã triển khai nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Để thực hiện hiệu quả QCDC ở cơ sở, hằng năm, các Ban chỉ đạo thực hiện QCDC từ tỉnh đến cơ sở đều xây dựng chương trình, kế hoạch công tác; tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Ban chỉ đạo QCDC tỉnh, huyện đã tổ chức 161 đoàn kiểm tra tại 492 cơ quan, đơn vị; tổ chức 46 lớp tập huấn nghiệp vụ cho 3.575 lượt cán bộ tham dự. Công tác tuyên truyền, phổ biến thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về thực hiện QCDC ở cơ sở.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp chuyển mạnh theo hướng cụ thể, gần dân, công khai, minh bạch. Hội đồng nhân dân tỉnh quan tâm đổi mới nội dung, chương trình các kỳ họp, thảo luận nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân, những vấn đề khó khăn, vướng mắc đặt ra trong thực tiễn, qua đó yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, địa phương tháo gỡ kịp thời. Công tác giám sát, khảo sát chuyên đề liên quan đến quyền làm chủ của nhân dân được tăng cường. Hội đồng nhân dân tỉnh đã triển khai 70 đợt giám sát, khảo sát. Công tác tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội (khóa XIV) và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 có nhiều tiến bộ và được đổi mới, đã tổ chức 24.050 buổi tiếp xúc cử tri, qua đó tổng hợp 74.448 ý kiến, kiến nghị của cử tri, có 99% ý kiến kiến nghị được các bộ, ban, ngành Trung ương và các cơ quan liên quan trả lời.
Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện QCDC ở cơ sở, gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác đối thoại với nhân dân; chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc còn tồn đọng, kéo dài ở cơ sở. Đồng thời, tiến hành rà soát bổ sung và hoàn thiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; quy chế tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp gắn với triển khai thực hiện - “Năm dân vận chính quyền” 2018, 2019.
Các cơ quan tư pháp nâng cao chất lượng thực hành công tố, kiểm soát các hoạt động tư pháp và trách nhiệm của kiểm sát viên trong các hoạt động tố tụng hình sự. Hoạt động xét xử các vụ án, thi hành án dân sự được triển khai đúng quy định của pháp luật. Trong 3 năm, hệ thống Tòa án nhân dân tỉnh đã hòa giải thành công và công nhận sự thỏa thuận của các đương sự được 7.547 vụ dân sự và hôn nhân gia đình; tỷ lệ hòa giải thành và công nhận sự thỏa thuận của các đương sự đạt gần 60%; tòa án nhân dân hai cấp của tỉnh xét xử 113 vụ án hành chính, thực hiện nghiêm túc việc đối thoại giữa các bên theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích các bên trong các vụ án.
Các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan, bảo đảm nhân dân tham gia quản lý xã hội, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, CBCCVC. Các sở, ban, ngành, địa phương đã cung cấp 1.492 thủ tục hành chính, tất cả đều được cung cấp ở mức độ 2, trong đó có 329 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 127 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được tích hợp tại Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; có 17/17 sở, ban, ngành tỉnh  (đạt 100%); 17/17 Ủy ban nhân dân cấp huyện (đạt 100%), 200/222 UBND cấp xã triển khai mô hình ‟một cửa điện tử liên thông”. Nhiều cơ quan nhà nước thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong công tác tài chính, chi tiêu trong nội bộ cơ quan; công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, nâng lương, đề bạt, bổ nhiệm, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn đã thực hiện tốt việc công khai những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp tới nhân dân thông qua việc niêm yết công khai tại trụ sở của xã, của thôn, trên hệ thống truyền thanh của các thôn, làng, tổ dân phố. Tạo điều kiện để nhân dân được biết, được bàn các khoản đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới. Tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia xây dựng các thiết chế văn hoá, xây dựng quy ước, hương ước; việc sáp nhập thôn, làng, tổ dân phố. Trong 5 năm qua, đã vận động nhân dân tham gia đóng góp 336,5 tỷ đồng, hiến tặng 112.044m2 đất, ủng hộ 26.237 ngày công xây dựng, nâng cấp, cải tạo đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, xây dựng mới trường học, trạm xá, nhà sinh hoạt cộng đồng.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng hoạt động về cơ sở, thực hiện tốt phương châm “Hằng tuần có 04 ngày làm việc ở cơ quan, 01 ngày làm việc ở cơ sở”. Chú trọng công tác xây dựng lực lượng nòng cốt, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Hằng năm, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đề xuất nội dung, xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện báo cáo thường trực cấp ủy phê duyệt trước khi thực hiện. Đã tổ chức được 1.166 lượt đoàn giám sát tại các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn; 301 cuộc phản biện với 482 lượt văn bản dự thảo, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền.
Nhìn chung, nhờ thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, vai trò làm chủ của nhân dân được phát huy, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh.
 
Đình Thoại
 
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com