Công tác tôn giáo > Khi đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Khi đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm

18/10/2023


Đức Cơ là huyện biên giới nằm ở phía Tây của tỉnh Gia Lai, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp, các nghành trong những năm qua kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục phát triển, quốc phòng, an ninh được giữ vững, ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn hoạt động có hiệu quả.
Để triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/HU và chỉ đạo tổ chức nghị phổ biến, quán triệt và tuyên truyền, vận động đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Cuộc vận động đã thổi luồng sinh khí mới làm thay đổi nhận thức của người dân tộc thiểu số; tạo đòn bẩy giúp người dân phát huy những tiềm năng sẵn có để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.​
Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đã phối hợp với các ngành có liên quan lồng ghép triển khai thực hiện Cuộc vận động thông qua tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi; mở các lớp dạy nghề và định hướng việc làm cho thanh niên là người dân tộc thiểu số; vận động làng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; tuyên truyền người dân tham gia bảo vệ môi trường; chăm sóc sức khỏe cộng đồng, thực hiện tốt các biện pháp về dân số, kế hoạch hóa gia đình.
Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã phối hợp tập trung tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân 10 nội dung thay đổi “nếp nghĩ” và 10 nội dung thay đổi “cách làm” thông qua tổ chức các hội nghị, các cuộc họp thôn, làng, các buổi sinh hoạt chi hội, đoàn thể nhân dân ở khu dân cư; phát huy vai trò của dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong vận động nhân dân thực hiện Cuộc vận động. Kết quả, trong 03 năm qua, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các ngành đã triển khai lồng ghép tuyên truyền, vận động được 2.777 buổi với 94.250 lượt người tham gia; đồng thời đã cấp phát 518 cuốn sổ tay thực hiện Cuộc vận động đến cán bộ, đảng viên, công chức làm công tác tuyên truyền. Phối hợp vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, Ban vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” của huyện, xã, thị trấn đã kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp, ủng hộ được 1,5 tỷ đồng, xây dựng được 24 căn nhà đại đoàn kết, sửa chữa 09 căn nhà cho hộ nghèo.
Hội Nông dân huyện gắn việc thực hiện Cuộc vận động với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo chính đáng” tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào trồng trọt và chăn nuôi; vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tham gia vào tổ hội nghề nghiệp; đã thành lập 03 chi hội nông dân nghề nghiệp/67 hội viên tham gia; thành lập được 25 Tổ hội nông dân nghề nghiệp.  Hội Phụ nữ huyện đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn hội viên phụ nữ trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các mô hình, câu lạc bộ như mô hình “Chi hội 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới”; mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; mô hình “Mỗi hộ một vườn rau xanh và cây ăn trái” với 872 hội viên tham gia. Thành lập 12 mô hình “Thôn/làng phụ nữ kiểu mẫu” tại 10 xã, thị trấn; thành lập câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm từ 5 đến 10 triệu đồng” giúp hội viên phụ nữ biết cách tiết kiệm, biết chi tiêu hợp lý trong gia đình. Hội Cựu chiến binh huyện gắn thực hiện Cuộc vận động với phong trào thi đua “Cựu chiến binh chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Cựu chiến binh tham gia giữ gìn an ninh trật tự”, “ phong trào 2 xóa, 3 giúp, 3 mô hình”, “nghĩa tình đồng đội”, Câu lạc bộ “ Cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi”. Liên đoàn Lao động huyện triển khai thực hiện Cuộc vận động gắn với Chương trình hỗ trợ nhà ở “Mái ấm công đoàn”. Huyện đoàn gắn thực hiện Cuộc vận động với triển khai thực hiện mô hình “Làng thanh niên 2 không, 2 có” xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2019 - 2022; thành lập 02 Câu lạc bộ tại xã Ia Kriêng để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
  Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13 tháng 02 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh và công tác giảm nghèo, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện, các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp lồng với chủ trương “Mưa dầm thấm lâu”, “Cầm tay chỉ việc” nhằm khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, gắn với việc kịp thời biểu dương những tấm gương điển hình, người thật, việc thật để hướng dẫn cho đồng bào dân tộc học tập và làm theo. Kết quả, trong 03 năm đã tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp được 697 triệu đồng, hiến 9.400 m2 đất làm đường; hỗ trợ xây mới 89 ngôi nhà cho hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, kinh phí hỗ trợ là 3.916 triệu đồng; nhân dân tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động. Qua đó, đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Đến cuối năm 2022, toàn huyện có 05/44 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới.
Việc tổ chức phát động và triển khai cuộc vận động đã mang lại hiệu quả thiết thực góp phần đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện; nhiều thôn, làng thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bỏ dần những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe và môi trường, qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt; sản xuất nông nghiệp có chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Một số mô hình, cách làm hay trong thực hiện Cuộc vận động đã được hình thành và nhân rộng, tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Để thực hiện tốt Chỉ thị 14-CT/HU thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Cơ xác định một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 08-CT/TU, ngày 23 tháng 5 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về Cuộc vận động “ Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị 14-CT/HU gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13 tháng 02 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Hai là, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về ý nghĩa, mục đích, vai trò, nội dung Cuộc vận động, qua đó giúp họ thấy được trách nhiệm của mình để thay đổi nhận thức, vươn lên thoát nghèo bằng chính nội lực của mình.
Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện Cuộc vận động. Phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền; vai trò nòng cốt của mặt trận, các hội, đoàn thể ở cơ sở.
Bốn là, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp chủ động tham mưu với các cấp ủy đảng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền đến các đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Tranh thủ, huy động các nguồn lực để hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo.
Năm là, chỉ đạo Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền, vận động thực hiện Cuộc vận động trong đồng bào dân tộc thiểu số; cụ thể hóa nội dung Sổ tay thực hiện Cuộc vận động sát với tình hình thực tiễn và phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương, từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

 
Phương Trinh
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com