Công tác tôn giáo > Một số giải pháp góp phần nâng cao công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, đấu tranh phản bác cá

Một số giải pháp góp phần nâng cao công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

30/06/2023


Trong những năm qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã triệt để lợi dụng không gian mạng để thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” trên tất cả các lĩnh vực nhằm chống Đảng, Nhà nước ta; chúng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt để phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng; việc nhận diện một cách đầy đủ, toàn diện về về đối tượng, nội dung và phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá của chúng là vấn đề cấp thiết, là cơ sở để đề ra các giải pháp góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

 
 
  1. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thường xuyên, lâu dài của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân
          Trong suốt tiến trình đấu tranh, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động”. Nói về vai trò của nền tảng tư tưởng đối với sự phát triển của một đảng cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt… Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam[1]. Trải qua quá quá trình xây dựng và phát triển, trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn cách mạng, Văn kiện Đại hội VII của Đảng, nêu rõ: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của dân tộc và của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân[2]; đến Đại hội VIII của Đảng, Điều lệ Đảng khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động” và mới nhất, tại Đại hội XIII năm 2021, Đảng tiếp tục khẳng định chắc chắn rằng: “Kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng”[3].
Trong khi đó, các thế lực thù địch, phản động đang ngày đêm ráo riết thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” trên tất cả các lĩnh vực nhằm chống phá cách mạng nước ta, đặc biệt là trên lĩnh vực tư tưởng chính trị. Nhận thức được điều này, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp đẩy mạnh cuộc đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII đã xác định “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là một trong bốn nguy cơ[4] đe dọa đến sự tồn vong của chế độ và tại Đại hội IX của Đảng khẳng định phải “đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch”. Với tinh thần đó, Đại hội X của Đảng đã yêu cầu “chủ động và kiên quyết phê phán những quan điểm sai trái, bác bỏ những luận điệu phản động, góp phần làm thất bại mọi mưu toan “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch”. Nghị quyết Trung ương 9, khóa X (ngày 02/02/2009) về một số nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm tiếp tục thực hhiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng cũng đã nhận mạnh: “Chủ động phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và đấu tranh chống các quan điểm sai trái, bác bỏ luận điệu tuyên truyền phản động, làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng”. Đến Đại hội XI, Đảng ta một lần nữa khẳng định “Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”.
Trên cơ sở đánh giá tình hình thế giới và khu vực cũng như tình hình trong nước, ngày 22/10/2018 Bộ Chính trị (Khóa XII) ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới với 07 nhiệm vụ, giải pháp. Nghị quyết xác định: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của Nhân dân với Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới”. Nghị quyết thể hiện nhận thức và quan điểm chỉ đạo cơ bản của Đảng trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng – lý luận để bảo vệ nền tảng tư tưởng; nhờ quán triệt một cách sâu sắc và chú trọng thực hiện Nghị quyết, thời gian qua, toàn Đảng đã “đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giữ vững, bổ sung và phát triển nền tảng tư tưởng của của Đảng, ngăn chặn và dẩy lùi các âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, không ngừng củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa[5].
Có thể khẳng định rằng, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, quyết liệt, liên tục và không khoan nhượng, mọi biểu hiện lơ là, mất cảnh giác, non kém về chính trị, buông lỏng “trận địa thông tin” sẽ  sẽ để lại những hậu quả vô cùng khó lường trên mặt trận tư tưởng, tạo ra những tác động, ảnh hưởng tiêu cực đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
  1. Nhận diện âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đối với nền tảng tư tưởng của Đảng
Trong những năm qua, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ diễn biến phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, tất yếu cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều thời cơ thuận lợi, song sự cạnh tranh chiến lược, tranh giành ảnh hưởng về chính trị, kinh tế của các nước lớn đã tạo ra nhiều nguy cơ và thách thức mới, như “chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy đang nổi lên”[6], các vấn đề an ninh phi truyền thống như lương thực, năng lượng, y tế… vẫn đang tiếp diễn; đại dịch Covid – 19 tuy đã được kiềm chế, song vẫn có những diễn biến phức tạp với nhiều biến chủng mới, gây ảnh hưởng đến quá trình tái phục hồi kinh tế của các quốc gia. Đặc biệt, việc Nga tiến hành chiến dịch “quân sự đặc biệt” vào Ukraine tháng 2/2022 tiếp tục kéo dài, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt để kết thúc xung đột; trong khi đó, trên Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục tiến hành nhiều hoạt động phức tạp, gây hấn với như tập trận, lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), những lệnh cấm đánh cá phi pháp hay hoạt động thăm dò dầu khí… đã tiềm ẩn đe dọa đến an ninh, hòa bình trên phạm vi toàn cầu, khu vực, trong đó có Việt Nam.
Trong khi đó, “sự chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động ngày càng tinh vi hơn”[7]; chúng tăng cường chống phá cách mạng nước ta bằng nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức thâm độc, tinh vi và xảo quyệt nhằm thực hiện âm mưu cơ bản, xuyên suốt, lâu dài là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, hướng lái Việt Nam đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Các thế lực thù địch, phản động đã điều chỉnh phương thức, thủ đoạn chống phá, trong đó, sử dụng không gian mạng để tác động một cách trực tiếp vào tư tưởng, suy nghĩ, tình cảm, ý chí của nhân dân bằng cách thông qua việc triệt để lợi dụng sự phát triển của Internet, các nền tảng mạng xã hội (như Facebook, Youtube, Skype, Telegram…); chúng xem đây là “môi trường lý tưởng”, “con đường nhanh nhất” để thực hiện hàng loạt chiến dịch tuyên truyền phá hoại tư tưởng nhằm làm lung lay ý chí, tư tưởng của nhân dân, thậm chí cả ý chí, quan điểm, bản lĩnh chính trị của một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên. Chúng tập trung chống phá ở một số nội dung chủ yếu sau: (1) Phủ nhận, đả phá, tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, đó là bản chất khoa học, cốt lõi của chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh chính trị, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chúng rêu rao rằng “Chủ nghĩa xã hội mà C. Mác nêu ra chỉ là một lý tưởng, một chủ nghĩa xã hội “không tưởng”; phủ nhận thành quả cách mạng, sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc cũng như mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta; (2) Tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ hạ thấp vai trò lãnh đạo và uy tín của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; trắng trợn xuyên tạc, đòi xét lại lịch sử và yêu cầu xóa bỏ Điều 4 của Hiến pháp; (3) Bằng việc đưa ra những luận điệu lập lờ, chứng cứ cắt ghép, nhào nặn từ những tác phẩm dưới dạng bút ký, hồi ký của số đối tượng chống đối, cơ hội chính trị; chúng thực hiện việc bôi nhọ, xuyên tạc về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bậc tiền bối, lão thành cách mạng và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; (4) Tuyên truyền, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền với chiêu bài “nhân quyền cao hơn chủ quyền, nhân quyền không biên giới, vấn đề nhân quyền về bản chất không còn được coi là công việc nội bộ của một quốc gia”, đưa ra yêu sách buộc ta phải trả tư do “vô điều kiện” đối với số chống đối bị ta xử lý; xuyên tạc trắng trợn, vu cáo Việt Nam đàn áp dân tộc, tôn giáo; kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, âm mưu, hỗ trợ các đối tượng chống đối trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS) thực hiện ly khai tự trị, thành lập cái gọi là “Vương quốc Mông” ở Tây Bắc, “Nhà nước Đê gar” ở Tây Nguyên và “Nhà nước Khmer Krôm” ở Tây Nam Bộ; (5) Khoét sâu những mâu thuẫn trong nhân dân, kích động, phân biệt vùng miền, chia rẽ người Kinh với người Thượng; chia rẽ nhân dân với Đảng, với Quân đội, Công an; thực hiện âm mưu, ý đồ “trung lập hóa quân đội”, “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”, âm mưu tách Công an, Quân đội thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng; (6) Thổi phồng, phê phán những sơ hở, thiếu sót, buông lỏng trong công tác quản lý, điều hành việc thực hiện chính sách kinh tế - xã hội; việc xử lý nghiêm cán bộ cấp cao vi phạm pháp luật trong các đại án liên quan đến Việt Á, Cục Lãnh sự, xem đó là “bản chất cố hữu của chế độ”, là “phe cánh, đấu đá, tranh giành quyền lực” trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam; (7) Một số đối tượng cơ hội chính trị, mang “bệnh công thần” trực tiếp tham gia phỏng vấn hoặc gửi bài viết, ý kiến cho các đài, báo phản động với những nội dung trái với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; một số cán bộ, đảng viên khi còn “đương chức” thì không tham gia ý kiến để xây dựng, song khi nghỉ hưu lại lên mạng xã hội bày tỏ thái độ, quan điểm sai trái, bịa đặt, đòi xét lại lịch sử, lấy danh nghĩa “phản biện xã hội”, “góp ý” để phê phán, phủ nhận thành quả cách mạng, đòi thay đổi Điều 4 của Hiến pháp; liên kết, thành lập các tổ chức “xã hội dân sự”; (8) Một số cán bộ, đảng viên, văn nghệ sỹ, trí thức, phóng viên, học sinh, sinh viên tham gia vào các hội, nhóm, diễn đàn trên không gian mạng để đăng tải, chia sẻ, bình luận những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, phiến diện khi chưa tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, toàn diện, gây dư luận phức tạp; (9) Một bộ phận cán bộ, đảng viên, có những cán bộ cấp cao, từng giữ các chức vụ trong các bộ, ban, ngành tỏ ra băn khoăn, hoài nghi về con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội và đường lối lãnh đạo của Đảng, nhất là từ khi Liên Xô sụp đổ và những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường; (10) Các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ngày càng rõ nét và ngày càng phức tạp hơn, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị nội bộ, an ninh tư tưởng…
Tại Gia Lai, trong những năm qua, hoạt động phá hoại tư tưởng, chống phá Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương tập trung vào những vấn đề cơ bản như: Ở ngoài nước (1) Các thế lực thù địch, tổ chức phản động lưu vong như “Quỹ người Thượng –MFI”, “Hội người Thượng tỵ nạn – MRO” và số đối tượng FULRO lưu vong thường xuyên sử dụng không gian mạng, nhất là các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube… để tuyên truyền, xuyên tạc về tình hình dân tộc, tôn giáo, vu cáo chính quyền đàn áp tôn giáo, xâm phạm nghiêm trọng nhân quyền; tuyên truyền, lôi kéo số đối tượng trong nước tìm mọi cách vượt biên sang Campuchia, Thái Lan để củng cố, xây dựng lực lượng; củng cố, duy trì niềm tin vào “Tin lành Đê gar”, “Tà đạo Hà Mòn”, nhất là số đối tượng từng bị ta bắt, xử lý; (2) Các trung tâm phá hoại tư tưởng, các hãng truyền thông bị các cơ quan đặc biệt nước ngoài thao túng, chi phối như BBC, VOA, RFA, RFI… thường xuyên có các bài viết, phỏng vấn số đối tượng bất mãn trong nước, nhất là số người DTTS trốn sang Thái Lan, Campuchia để vu cáo, xuyên tạc tình hình chính trị, dân tộc, tôn giáo. Ở trong nước, nổi lên là: (1) Số đối tượng bất mãn, tiêu cực, khiếu kiện kéo dài thường xuyên sử dụng mạng xã hội để đăng tải các bài viết xuyên tạc Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, lên án, cường điệu hóa những khuyết điểm, hạn chế trong quản lý, điều hành của chính quyền địa phương, nhất là ở cấp cơ sở; (2) Một số đối tượng cực đoan trong tôn giáo, có chức sắc, chức việc cũng triệt để lợi dụng sự phát triển mạng xã hội để đăng tải nhiều bài viết, video nhằm mỉa mai, xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước và lực lượng Quân đội, Công an, hạ thấp vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng các cấp; (3) Hoạt động của các cơ quan báo chí có thời điểm chưa phát huy được chức năng, vai trò tuyên truyền, định hướng thông tin của báo chí, có dấu hiệu cấu kết, chia sẻ tin, bài hình thành những luồng thông tin tiêu cực, phiến diện, thiếu tính xây dựng, ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm và niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Từ tổng kết lý luận và thực tiễn công tác đấu tranh, có thể nhận diện một số tổ chức, đối tượng, nhóm đối tượng thực hiện các thủ đoạn như: thiết lập hàng nghìn trang web, blog, group, fanpage Facebook để đăng tải hàng trăm nghìn bài viết nhằm tuyên truyền, phá hoại tư tưởng trên không gian mạng; xây dựng các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông thù địch (các thế lực thù địch hiện có khoảng 60 đài phát thanh, 400 tờ báo, tạp chí, hơn 80 nhà xuất bản...); tạo lập nhiều trang web giả mạo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cơ quan, ban, ngành, địa phương; thông qua các loại hình văn hoá, nghệ thuật, tác phẩm báo chí, tác phẩm nghệ thuật để tuyên truyền; thông qua các cuộc bình chọn trên không gian mạng (thông qua việc bày tỏ cảm xúc để đồng ý hay không đồng ý về chủ trương, chính sách hay công các nhân sự cấp cao…); thông qua việc xin ý kiến góp ý rộng rãi của nhân dân, phản biện xã hội đối với các quyết sách, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; lợi dụng các sự kiện chính trị của đất nước như Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, lễ kỷ niệm trọng đại như 2/9, 30/4…để thực hiện các chiến dịch phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, được thực hiện bởi các thế lực thù địch, phản động, cụ thể như sau: (1) Các cơ quan đặc biệt nước ngoài (các cơ quan tình báo, cơ quan mật vụ, tổ chức tình báo tư nhân…) được các chính phủ các nước có chính sách thù địch hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam thành lập, nuôi dưỡng, tài trợ để chống phá cách mạng Việt Nam; các cơ quan này được đầu tư mạnh mẽ về tài chính, phương tiện, kỹ thuật hiện đại và đội ngũ nhân lực trình độ cao, tiến hành thu thập, đánh giá, phân tích thông tin kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội để tiến hành các cuộc cách mạng màu, bạo loạn, lật đổ như đã xảy ra ở một số nước Bắc Phi và Trung Đông; đồng thời, tiến hành thao túng, đặt hàng với các cơ quan truyền thông, nuôi dưỡng số phản động lưu vong, cực đoan trong nước nhằm thực hiện các cuộc các chiến dịch phá hoại tư tưởng, chống Đảng, Nhà nước; (2) Các trung tâm phá hoại tư tưởng, các hãng truyền thông của Mỹ và phương Tây như RFA, RFI, VOA, RFI… thường xuyên thu thập, phản ánh nhiều thông tin sai sự thật, phiến diện, gây bất lợi cho công tác đối ngoại, đối nội của ta; tập trung phỏng vấn số đối tượng cơ hội chính trị, bất mãn và số đã từng bị ta bắt, xử lý nhằm xuyên tạc đường lối, chính sách của ta, nhất là khi diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng; (3) Các tổ chức phi chinh phủ nước ngoài (NGOs), tổ chức quốc tế, tổ chức tư nhân bị các thế lực thù địch thao túng, thực hiện các hoạt động chống Việt Nam như: Tổ chức Phóng viên không biên giới (RFS), Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW), Tổ chức Ân xá quốc tế (AI)… thường xuyên vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, kêu gọi tự do báo chí, xuất bản, kêu gọi trả tự do cho số đối tượng bị ta bắt, xử lý (4) Các tổ chức phản động lưu vong người Việt ở một số nước, tập trung ở Mỹ, Bắc Mỹ, Châu Úc và một số nước châu Âu. Hiện có khoảng 400 tổ chức phản động lưu vong người Việt[8] đang hoạt động ở nước ngoài, nổi lên có tổ chức Việt Nam canh tân cách mạng Đảng (gọi tắt là Việt Tân), Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời, Triều Đại Việt, Quỹ người Thượng (Montagnard Foundation Inc. – MFI), Ủy ban Cứu Người vượt biển (BPSOS),… Các tổ chức này đã thiết lập hàng ngàn website, fanpage, group, fanpage Facebook để tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước như Fanpage Việt Tân, Media Chân trời mới, Nhật ký yêu nước, Đệ Tam Cộng Hòa… và một số đối tượng phản động lưu vong như Bùi Thanh Hiếu (Người buôn gió), Nguyễn Văn Đài, Lê Trung Khoa, Dương Thu Hương, Tạ Phong Tần… để thực hiện tuyên truyền, xuyên tạc, lôi kéo, xúi giục và mốc nối số đối tượng chống đối, cực đoan trong nước chống phá Đảng, Nhà nước; xuyên tạc, bịa đặt về tình hình nội bộ của Đảng, nhất là cán bộ chiến lược, cấp cao của Đảng, Chính phủ, Quốc hội; (5) Số chống đối cực đoan trong nước, tập trung vào số cơ hội chính trị, bất mãn; số văn nghệ sỹ, trí thức, phóng viên, nhà báo có trình độ, hiểu biết suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, hoạt động ngày càng manh động, công khai và thách thức chính quyền, trở thành những nguồn thông tin trọng điểm để tán phát thông tin xấu độc, nổi lên có các đối tượng như: Mạc Văn Trang, Nguyễn Đình Cống, Chu Hảo, Lê Nguyễn Hương Trà, Mai Phan Lợi, Nguyễn Xuân Diện…; (6) Số đối tượng có quan hệ huyết thống, lợi ích với chế độ cũ (Việt Nam Cộng hoà) có tư tưởng, thái độ hận thù sâu sắc với Đảng, Nhà nước đã thông qua mạng xã hội, Internet để tuyên truyền, hoài niệm về những “thành tựu”, hình ảnh của chế độ cũ; đồng thời, so sánh, chê bai, tuyên truyền, xuyên tạc về hiện thực cuộc sống, hoàn cảnh đất nước; (7) Số chức sắc, chức việc cực đoan trong các tôn giáo[9] đã lợi dụng tôn giáo, không gian mạng để tuyên truyền, kích động người theo đạo tham gia biểu tình, gây rối an ninh trật tự, bày tỏ thái độ thách thức chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở, nổi lên là linh mục Nguyễn Đình Thục, Nguyễn Hữu Nam, Nguyễn Duy Tân…; (8) Số cá nhân thiếu hiểu biết về pháp luật, nhận thức, nhãn quan về chính trị còn non kém, lệch lạc đã đăng tải nhiều thông tin sai sự thật, bịa đặt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
  1. Dự báo tình hình và một số giải pháp
Thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tiếp tục thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, báo chí, xuất bản, giáo dục – đào tạo, văn học nghệ thuật…, chúng triệt để lợi dụng cac tính năng của không gian mạng để ráo riết thực hiện các chiến dịch tuyên truyền, phá hoại nền tảng tư tưởng; tiếp tục khoét sâu vào những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, điều hành các chính sách kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp để tuyên truyền những luận điệu sai trái, bịa đặt, xuyên tạc, chống phá ta. Trong khi đó, tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu chưa thực sự được đẩy lùi, các biểu hiện của suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của một bộ phận cán bộ, đảng viên ngày càng rõ nét và diễn biến phức tạp hơn, gây ảnh hưởng, suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Trên cơ sở nhận diện về âm mưu, phương thức, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; để góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, cấp uỷ, các tổ chức đảng cần tiếp tục đổi mới hình thức, nội dung, phương pháp giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Trong đó, thường xuyên quán triệt đầy đủ về các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng, Nhà nước như: Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Kết luận số 53-KL/TW, ngày 4/6/2019 của Ban Bí thư về việc chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu, độc trên internet, mạng xã hội, Quy định 85-QĐ/TW ngày 07/10/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet, mạng xã hội…, nhất là tuyên truyền về giá trị, bản chất khoa học, phù hợp với thực tiễn của chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về vai trò lãnh đạo khách quan, toàn diện của Đảng; nhận thức đầy đủ, sát hợp về đối tượng bảo vệ, đối tượng đấu tranh, âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng của các thế lực thù địch và các hệ loại đối tượng khác; nhận thức đúng, đầy đủ về mục tiêu, yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình mới, nhất là trên không gian mạng.
Hai là, cấp uỷ, chính quyền địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành chính sách kinh tế - xã hội; kịp thời phát hiện, khắc phục dứt điểm các sơ hở, thiếu sót, bất cập trong công tác quản lý nhà nước, thực thi công vụ, nhất là ở địa bàn cơ sở, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng xuyên tạc, chống phá. Mặt khác, thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ chính trị nội bộ, bí mật công tác, bí mật nhà nước, đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…, chủ động nắm diễn biến về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên để có biện pháp động viên, giáo dục, uốn nắn kịp thời; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chủ động phát hiện, ngăn chặn những cán bộ, đảng viên không chấp hành nghiêm quy định về phát ngôn, lan truyền thông tin sai sự thật trên không gian mạng, ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, có biện pháp động viên, khuyến khích, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, những người có tầm ảnh hưởng rộng (KOLs) trong việc tham gia tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Ba là, nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội, nhất là thông tin về đối tượng, địa bàn, âm mưu, hoạt động của các đối tượng; phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của ngành Tuyên giáo, Thông tin và Truyền thông, lực lượng vũ trang, ngành giáo dục, tổ chức Thanh niên… trong công tác này. Mặt khác, Ban Chỉ đạo 35 tỉnh cần tổ chức rà soát, lập danh sách các trang fanpage, group… cả chính danh và ẩn danh của tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh (từ cấp xã trở lên) để thuận lợi cho việc kết nối, huy động lực lượng lan toả, “phủ xanh” thông tin tích cực, đấu tranh phản bác, tấn công chính trị khi có yêu cầu; đồng thời, tạo thuận lợi cho công tác xác minh, xử lý khi phát sinh những vụ việc liên quan đến quản lý, đăng tải tin, bài có dấu hiệu vi phạm quy định của Đảng, của pháp luật.
Bốn là, lực lượng Công an tiếp tục tăng cường công tác nắm, đánh giá, dự báo tình hình quốc tế, khu vực, trong nước và địa phương, nhất là các tổ chức phản động, đối tượng trọng điểm thường tán phát thông tin xuyên tạc, xấu độc; nắm, dự báo về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng mới của các thế lực thù địch, phản động, nhất là khi diễn ra các sự kiện chính trị, lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước, địa phương. Phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng có hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, đăng tin xấu, độc, sai sự thật chống Đảng, Nhà nước, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, cá nhân. Chủ động tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh trong việc triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh chính trị, TTATXH, nhất là khi xảy ra các vụ việc phức tạp về ANTT.
Năm là, tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo 35 các cấp, các ngành; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các kênh truyền thông của Ban Chỉ đạo, gia tăng liều lượng đăng tải thông tin tuyên truyền, phủ xanh thông tin tích cực, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, đấu tranh, phản bác các thông tin xuyên tạc, bịa đặt, sai sự thật của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Đặc biệt, cần quan tâm xây dựng đội ngũ chuyên gia, nhóm cộng tác viên, nhất là đội ngũ quản trị viên, biên tập viên hệ thống các kênh thông tin phục vụ tuyên truyền, đấu tranh, phản bác; lực lượng này phải có trình độ, năng lực, đặc biệt là phải có bản lĩnh, nhãn quan chính trị tốt, vững vàng, có sự nhạy bén, trong việc tiếp cận, đánh giá, phân tích, dẫn nguồn và biên tập những dòng tin, nhất là những vấn đề “nóng” đang được dư luận quan tâm. Thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, nghiên cứu, học hỏi để nâng cao chất lượng các bài viết, video, hình ảnh phục vụ đấu tranh, phản bác, các bài viết cần ngắn gọn, dễ hiểu, sử dụng từ ngữ bình dân, xoáy sâu vào những vấn đề mà đối tượng xuyên tạc, phản khoa học để có thể tiếp cận với các giai tầng trong xã hội. Bên cạnh đó, khi tổ chức tuyến bài tấn công chính trị, ly gián, chia rẽ đối tượng cần có quá trình nghiên cứu, tích luỹ thông tin, tài liệu có liên quan để biên tập, xây dựng tin, bài từ “nông đến sâu”, từ “diện đến điểm” để tấn công, hạ uy tín đối tượng, đảm bảo hiệu quả./.


 
Hoàng Nhân Nghĩa
Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an tỉnh Gia Lai
 

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB.CTQG.H.2022, t.2.tr.289.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.CTQG.H.2022, t.2, tr.289,304.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.40-41.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb.CTQG.H.2005.tr.404.
[5] Nguyễn Xuân Thắng, Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Tạp chí Cộng sản (điện tử), cập nhật ngày 07/4/2021.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.CTQG.H, t.1.tr.26.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.CTQG.H, t.2, tr.164.
[8] Nguyễn Phước Khánh, Chống phá của các tổ chức phản động lưu vong, Báo Thừa Thừa Thiên Huế (điện tử), cập nhật ngày 07/6/2022.
[9] Nhóm PV thời sự, Những linh mục đi ngược lại đạo và đời, Báo Công an nhân dân (điện tử), cập nhật ngày 15/4/2017.

|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com