Công tác tôn giáo > Đak Pơ: Kinh nghiệm trong công tác vận động xóa bỏ tà đạo "Hà mòn"

Đak Pơ: Kinh nghiệm trong công tác vận động xóa bỏ tà đạo "Hà mòn"

02/03/2015


Tà đạo “Hà Mòn” lén lút xâm nhập vào địa bàn 2 làng Kuk Kôn và Kuk Đak, xã An Thành vào năm 2008, do tin theo lời tuyên truyền của số đối tượng cầm đầu, cốt cán ở huyện Mang Yang và tỉnh Kon Tum  về “hiện tượng Đức Mẹ hiện hình”, có thời điểm số người tin theo lên tới 21 hộ/102 khẩu, trong đó: 58 nữ, 44 nam; 02 đối tượng cầm đầu, 07 đối tượng cốt cán. Số này thường xuyên tụ tập hoạt động trái phép bất chấp sự vận động, nhắc nhở, cảnh cáo của chính quyền địa phương như: tự ý tổ chức sinh hoạt tà đạo, lôi kéo phát triển đạo trái phép, không thực hiện hương ước của làng, không chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng và chính quyền tại địa phương, gây chia rẽ, mất đoàn kết trong cộng đồng dân cư…gây phức tạp cho an ninh chính trị.
Đối với dân làng thì các đối tượng theo tà đạo “Hà Mòn” có lời lẽ hăm dọa, làm cho một bộ phận Nhân dân có sự hoang mang, lo sợ, trong đó có cả trưởng làng, công an viên làng Kuk Kôn cũng bị đe dọa tuy vậy chúng chưa khống chế được dân làng và cán bộ cơ sở.
Trước tình hình hoạt động của tà đạo “Hà Mòn” trên địa bàn, Huyện ủy đã tập trung lãnh, chỉ đạo quyết liệt, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và các cơ quan chức năng làm tốt công tác nắm tình hình, đẩy mạnh các biện pháp đấu tranh nhằm xóa bỏ tình hình hoạt động của tà đạo “Hà Mòn” trên địa bàn huyện. Cụ thể:
 Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/HU về công tác đấu tranh, xử lý hoạt động của tà đạo “Hà Mòn”, đã thành lập Ban chỉ đạo công tác đấu tranh xóa bỏ tà đạo “Hà Mòn” gồm 9 đồng chí, do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng Ban và thành lập, kiện toàn Tổ công tác vận động quần chúng của huyện gồm 7 đồng chí, do đồng chí Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy làm tổ trưởng.   
Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 27/9/2012 và Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 13/8/2014 về đấu tranh xóa bỏ tà đạo “Hà Mòn” và phát triển kinh tế - xã hội tại 2 làng Kuk Kôn, Kuk Đak xã An Thành. Kế hoạch phân công cụ thể trách nhiệm cho từng cơ quan, ban, ngành có liên quan với quyết tâm đấu tranh xóa bỏ triệt để hoạt động tà đạo “Hà Mòn” trên địa bàn huyện.
Cùng với việc ban hành các văn bản lãnh đạo, Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các tổ công tác, các cơ quan liên quan và các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với nhau chặt chẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhằm giải quyết tình hình. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh xóa bỏ tà đạo “Hà Mòn”, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị đánh giá việc thực hiện công tác, rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng cho các giai đoạn tiếp theo.
Để xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền  xã An Thành củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực và sức chiến đấu của các chi bộ, các tổ chức chính trị - xã hội tại 2 làng; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, đấu tranh xóa bỏ tà đạo “Hà Mòn”. Các cơ quan chuyên môn và Đảng ủy xã An Thành tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng, chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở để thay thế, kiện toàn đội ngũ cán bộ có khả năng, năng lực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị nói chung và giải quyết các tình huống phức tạp có thể xảy ra ngay từ cơ sở.
Công tác tiếp xúc, tranh thủ người uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo: Thường xuyên tổ chức các buổi tiếp xúc người uy tín, già làng và quần chúng tốt tại 02 làng Kuk Đak, Kuk Kôn và các chức sắc, chức việc đạo Công giáo trên địa bàn huyện, đã tổ chức tiếp xúc trên 200 lượt, qua tiếp xúc đã phân tích cho họ thấy trách nhiệm trong việc không để con em, tín đồ tham gia tà đạo “Hà Mòn”, có trách nhiệm trong việc vận động các đối tượng tin theo tà đạo từ bỏ hoặc quay về sinh hoạt đạo Công giáo thuần túy. Đồng thời, thông qua lực lượng cốt cán, người có uy tín trong làng tuyên truyền đến Nhân dân hiểu rõ về hoạt động và bản chất của bọn FULRO lợi dụng tà đạo “Hà Mòn”, vận động bà con không tin theo tà đạo và sẵn sàng tố giác không để tà đạo “Hà Mòn” hoạt động. Tranh thủ người có uy tín, người già trong làng tác động tư tưởng, vận động họ tham gia công tác nắm tình hình, cung cấp thông tin về các đối tượng bỏ trốn và tin theo tà đạo, cùng với chính quyền, đoàn thể địa phương tuyên truyền vận động, giáo dục, quản lý các đối tượng tại cộng đồng.
Hoạt động tuyên truyền, vận động: Cơ quan Công an, Quân sự, các tổ công tác vận động quần chúng, Mặt trận, các đoàn thể huyện, xã tăng cường công tác phối hợp, thường xuyên bám, nắm làng 24/24h để tuyên truyền, vận động số hộ theo tà đạo “Hà Mòn” từ bỏ tà đạo và vận động các đối tượng hiện đang lánh mặt khỏi địa phương trở về làm ăn, sinh sống cùng gia đình, hòa nhập cùng dân làng. Kết hợp vận động rộng rãi với vận động cá biệt. Tập trung vạch mặt số đối tượng cầm đầu, phản bác luận điệu kích động, tư tưởng ly khai, chỉ rõ bản chất của tà đạo “Hà Mòn”.
Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động như: giao lưu văn nghệ, thể thao và chiếu phim tuyên truyền lưu động tại 2 làng, các hoạt động đã thu hút nhiều người dân tham gia trong đó có nhiều người đã tin theo tà đạo “Hà Mòn”. Qua các hoạt động đã lồng ghép tuyên truyền về chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tiến hành chiếu phim tài liệu về hoạt động của FULRO lợi dụng tà đạo “Hà Mòn”, đĩa ghi lời thú tội của các đối tượng cầm đầu, cốt cán tà đạo “Hà Mòn” (A Tách, A Quin, Ngư, Ngo..) cho dân làng xem. Đưa các đối tượng tham gia tiếp tế ra kiểm điểm trước dân làng, đồng thời giúp đỡ họ trong việc hòa nhập với dân làng, tham gia các hoạt động chung của cộng đồng.
Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng được vận dụng linh hoạt và thường xuyên đổi mới về hình thức, nội dung, phương pháp phù hợp với tình hình thực tế. Thông qua công tác vận động quần chúng tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng, nhận thức của Nhân dân nhất là đối với những người trước đây bị lôi kéo tin theo tà đạo “Hà Mòn”. Công tác tuyên truyền vận động tập trung làm cho các đối tượng tin theo tà đạo “Hà Mòn” nhận thấy việc làm sai trái của mình và tự nguyện cam kết từ bỏ tà đạo.
Thực hiện tốt các chế độ chính sách, chương trình, dự án đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại 2 làng, trong đó chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai xây dựng nông thôn mới, gắn phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững tại 2 làng, rà soát cụ thể từng hộ có hoàn cảnh khó khăn, thiếu đất sản xuất để giải quyết cho người dân tại 2 làng nhất là các hộ trước đây theo tà đạo “Hà Mòn”.
Qua triển khai các mặt công tác, bộ mặt kinh tế -  xã hội tại 2 làng có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao, người dân tập trung chăm lo lao động sản xuất. Đây là điều kiện góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh xóa bỏ tà đạo “Hà Mòn” trên địa bàn.
Kết quả đấu tranh xóa bỏ: Qua quá trình chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ công tác tuyên truyền, vận động, đến nay, vấn đề tà đạo “Hà Mòn” trên địa bàn huyện Đak Pơ cơ bản được xóa bỏ. 100%  đối tượng tin theo tà đạo “Hà Mòn” đã tự nguyện cam kết từ bỏ các hoạt động liên quan đến tà đạo “Hà Mòn” và trở về sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống hoặc tôn giáo hợp pháp.
Các đối tượng sau khi cam kết đã có những biểu hiện tích cực, chú tâm vào lao động sản xuất, hòa nhập với dân làng, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và hương ước, quy ước của làng. Số đối tượng trước đây theo tà đạo “Hà Mòn” đã sống hòa nhập với dân làng, tham gia đầy đủ các hoạt động chung của cộng đồng, nhận các mặt hàng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương, chăm lo làm ăn phát triển kinh tế. Đặc biệt, tiếp xúc cởi mở khi cán bộ đến làm công tác dân vận, chủ động liên hệ và cùng với cán bộ vận động người thân cảnh giác với kẻ xấu, báo cáo khi có người thân ở làng khác đến.  
Một số kinh nghiệm vận động xóa bỏ tà đạo “Hà Mòn” trên địa bàn huyện:
Một là, công tác đấu tranh xóa bỏ tà đạo “Hà Mòn” phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện mà trực tiếp là Thường trực Huyện ủy và tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy. Có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương trong thực hiện chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng bộ huyện.
Hai là, xây dựng được kế hoạch tổng thể về phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, thực hiện hiệu quả các chương trình xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao dân trí cho người dân; tạo sự an tâm cho các hộ dân làng từng theo tà đạo “Hà Mòn”.
Ba là, chăm lo xây dựng hệ thống chính trị xã và thực lực chính trị thôn, làng vững mạnh, trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền. Nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để có khả năng giải quyết tình huống phức tạp xảy ra tại cơ sở.
Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, tiến hành thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp. Công tác vận động phải thực hiện song song cùng với công tác gọi hỏi răn đe, đấu tranh bóc gỡ số đối tượng theo tà đạo “Hà Mòn” tại làng. Phải thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ số đối tượng bị bắt tha về, không để chúng có điều kiện phục hồi, tái hoạt động FULRO lợi dụng tà đạo “Hà Mòn”.
Năm là, tranh thủ được những người có uy tín trong làng như già làng, trưởng thôn, các chức sắc, chức việc trong tôn giáo, tạo được sự đồng thuận và tham gia của số đông quần chúng vào công tác đấu tranh xóa bỏ tà đạo “Hà Mòn”. Cán bộ làm công tác dân vận phải biết nói và nghe được tiếng dân tộc thiểu số, phải am hiểu được phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số thì mới tiếp cận, vận động thuyết phục hiệu quả.
 
Ban Dân vận Huyện ủy Đak Pơ
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com