Công tác mặt trận - đoàn thể > Nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chín

Nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp

15/10/2023


Các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ trên địa bàn tỉnh (LHPN) đã xác định công tác giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng nhằm phát hiện, tháo gỡ và giải quyết kịp thời những vấn đề có liên quan đến phụ nữ, trẻ em một cách hiệu quả góp phần thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc ban hành “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Thời gian qua, các cấp Hội đã tổ chức giám sát 114 nội dung liên quan đến quyền của phụ nữ và trẻ em. Cùng với triển khai giám sát thì hoạt động phản biện xã hội cũng được chú tọng, hàng năm các cấp Hội đã chủ động lựa chọn các hình thức phản biện xã hội phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, các hình thức phản biện xã hội chủ yếu được thực hiện thông qua việc tổ chức Hội nghị phản biện xã hội; gửi dự thảo văn bản được phản biện xã hội đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến. Các cấp Hội thực hiện công tác phản biện xã hội với hình thức tham gia góp ý vào 1.750 dự thảo văn bản (trong đó cấp tỉnh 262, huyện 488, xã 1.000 văn bản)  như nghị quyết, chỉ thị, quyết định của cấp ủy, các văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên phụ nữ, trẻ em. Đối với cấp tỉnh đã phối hợp tổ chức 03 Hội nghị phản biện, trong đó chủ trì 02 hội nghị phản biện và phản biện bằng văn bản 01 nội dung.
Thực hiện Quyết định số 553-QĐ/TU ngày 14 tháng 3 năm 2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về việc ban hành quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh, Hội LHPN tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy tổ chức 01 cuộc đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy với cán bộ, hội viên, phụ nữ tỉnh Gia Lai (năm 2018) với sự tham gia của 200 đại biểu; 02 cuộc đối thoại giữa Thường trực Huyện ủy, lãnh đạo huyện, Thường trực Hội LHPN tỉnh với 246 cán bộ, hội viên phụ nữ (huyện Kong Chro, Chư Sê); 03 cuộc đối thoại giữa Thường trực Hội LHPN tỉnh với 515 cán bộ, hội viên phụ nữ (Ia Grai, Krong Pa, Chư Prông). Đối với Hội LHPN cấp huyện và cơ sở đã tổ chức 102 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Hội Phụ nữ với 5.071 cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia. Qua các cuộc đối thoại đã có 895 lượt góp ý, kiến nghị, phản ánh lên cấp ủy chính quyền; các ý kiến, kiến nghị của cán bộ, hội viên, phụ nữ thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng đã được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan liên quan trả lời thấu tình đạt lý tại cuộc đối thoại trực tiếp. Sau các cuộc tiếp xúc đối thoại, cấp ủy đã ban hành kết luận chỉ đạo chính quyền các cấp phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương giải quyết kịp thời những tồn tại hạn chế mà cán bộ, hội viên, phụ nữ phản ánh, kiến nghị. Đồng thời đề xuất các giải pháp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, hội viên phụ nữ.
Hoạt động giám sát và phản biện xã hội đã nâng cao nhận thức, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia của các tầng lớp phụ nữ vào việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật và nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Những phát hiện, kiến nghị của Hội qua giám sát và phản biện xã hội, đối thoại với cấp ủy, chính quyền góp phần bổ sung và từng bước hoàn thiện chính sách, pháp luật về phụ nữ, gia đình, trẻ em, bình đẳng giới và triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách tại cơ sở.
Các cấp Hội phối hợp hòa giải, giải quyết 133 vụ liên quan đến bạo lực gia đình, ly hôn, tranh chấp đất đai, vi phạm quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em; tiếp nhận 07 đơn thư đã chuyển đến ngành chức năng giải quyết; lên tiếng và phối hợp, tham gia giải quyết 03 vụ xâm hại tình dục trẻ em; 13 vụ bạo lực gia đình. Đồng thời, phối hợp với Huyện đoàn, Phòng tư pháp, Công an huyện xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, giáo dục thanh niên hư hỏng, phòng chống xâm hại trẻ em và bạo lực gia đình ở những địa bàn trọng điểm. Hội LHPN tỉnh thành lập đường dây nóng để hội viên phụ nữ và nhân dân phản ánh những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em.
Có thể thấy, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã phát huy tốt vai trò nòng cốt của các tổ chức đoàn thể và nhất là của Hội trong thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Từ đó vị trí, vai trò và tiếng nói của chị em phụ nữ được nâng lên, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.


 
Kiều Trang
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com