|
Cảnh giác với luận điệu cho rằng Việt Nam đàn áp mạng xã hội, không có tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng 18/10/2023
Trong khi các cơ quan chức năng các tỉnh Nghệ An, Bình Dương, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Khánh Hòa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên không gian mạng xã hội đối với các đối tượng thông tin sai sự thật, xuyên tạc vụ việc xảy ra ngày 11/6/2023 tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Trước tình hình tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao đang diễn biến phức tạp với số vụ việc tăng 42% so với 6 tháng cuối năm 2021, ngày 5/6, Bộ Công an đã phát đi cảnh báo về hoạt động của loại tội phạm này, cùng với những phương thức, thủ đoạn phạm tội để người dân nắm được và phòng tránh. Ngay lập tức các phần tử cơ hội chính trị, phản động và chống đối vu khống rằng ở Việt Nam không có tự do thông tin, tự do mạng xã hội, ở Việt Nam mạng xã hội bị kiểm duyệt gắt gao.
Đấu tranh phê phán, bác bổ các quan điểm sai trái, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “ diễn biến hoà bình”; ngăn chặn những biểu hiện “ tự diễn biến”, “ tự chuyển hoá” trong nội bộ của Đảng, xây dựng sự thống nhất về tư tưởng và đồng thuận trong xã hội là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Do đó, việc phê phán quan điểm cho rằng Việt Nam không có dân chủ, không có tự do ngôn luận, tư do tưởng, đàn áp mạng xã hội có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.
1. Nhận diện những quan điểm sai trái cho rằng Việt Nam đang đàn áp mạng xã hội, không có dân chủ, không có tự do ngôn luận, tư do tưởng
Các hãng thông tấn báo chí nước ngoài như Đài Châu Á tự do (RFA), BBC Việt ngữ, Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Đài Phát thanh quốc tế Pháp (RFI)... thường xuyên chống phá Việt Nam dữ dội, quyết liệt. Chúng tập trung vu cáo Việt Nam siết chặt tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, đàn áp mạng xã hội bằng cách cố súy cho một số đối tượng chống Đảng, Nhà nước.
Một là, hiện nay, các thế lực thù địch với cách nhìn phiến diện cho rằng, ở Việt Nam mạng xã hội bị đàn áp và mạng xã hội bị kiểm duyệt gắt gao, người dân không có tự do thông tin, người dùng mạng xã hội không được bày tỏ chính kiến, suy nghĩ của mình và đang bị đàn áp . Và đến khi chúng ta chính thức ra mắt mạng Lotus, một mạng xã hội của Việt Nam, thì nhiều đối tượng lại điên cuồng chống phá, cho rằng dùng mạng xã hội “ Made in Việt Nam”: “Như tự sắm dây trói mình, lạy ông tôi ở bụi này…” , nhằm mục đích chống phá chế độ chính trị - xã hội ở Việt Nam hiện nay. Đây là thông tin hoàn toàn bịa đặt và sai sự thật, bởi vì Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán chủ trương, chính sách tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do thông tin, tự do Internet.
Hai là, về vấn đề tự do ngôn luận, tự do tư tưởng. Các phần tử phản động, chống phá tiếp tục sử dụng luận điệu xuyên tạc cho rằng: Việt Nam “ không có tự do ngôn luận, tự do báo chí”; “ Việt Nam kiểm soát và bóp nghẹt quyền tự do báo chí, tự do Internet, mạng xã hội”; Hà Nội “ bắt bớ nhiều blogger”. Các thủ đoạn tuy không mới nhưng thâm độc như xuyên tạc khái niệm tự do báo chí. Trong khi họ trích dẫn các quy định về luật pháp quốc tế và của Việt Nam về tự do báo chí, nhưng lại cố tình bỏ qua những quy định về điều khoản nghĩa vụ kèm theo rồi tán phát lên mạng xã hội làm cho nhiều người hiểu lầm rằng “tự do báo chí” là một quyền tuyệt đối, không có bất cứ một hạn chế nào. Ngoài ra, lợi dụng việc tư do ngôn luận, tự do báo chí một số phần tử đã thành lập các diễn đàn trên mạng xã hội để lôi kéo các phần tử chống đối, tập hợp lực lượng chống Đảng và nhà nước ta.
Ba là, các phần tử cơ hội chính trị và chống đối cho rằng, ở Việt Nam không có dân chủ vì thực hiện chế độ nhất nguyên, nhất đảng vì thế dẫn đến dân chủ hình thức hoặc mất dân chủ; đồng thời ra sức tung tin bịa đặt, nào là “ Việt Nam thiếu văn hoá dân chủ, không có dân chủ, hạn chế quyền riêng tư của công dân” nào là “ Việt Nam vi phạm nghiêm trọng quyền con người”… Theo đó, để thực hiện cái gọi là “dân chủ”, một số thế lực chống đối cố tình gán cho chúng ta là việc “vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Họ vu khống, tuyên tuyền rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không có năng lực lãnh đạo cách mạng, không có khả năng đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc và tôn giáo. Với cách lập luận đó, chúng lôi kéo, kích động những phần tử chống đối, bất mãn trong các tôn giáo đứng lên chống đối Đảng, Nhà nước. Không dừng ở đó, lợi dụng vấn đề dân chủ, các phần tử chống đối còn tìm cách khôi phục lại các giáo phái đã bị đào thải trong lịch sử, cũng như phục hồi hoạt động của các tổ chức trá hình tôn giáo ở Việt nam. Đồng thời, tuyên truyền chia rẽ khối đoàn kết thống nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
2. Đập tan những chiêu trò bịa đặt, xuyên tạc của các thế lực thù địch cho rằng Việt Nam đang đàn áp mạng xã hội, thực hiện một xã hội không có dân chủ, không có tự do ngôn luận, tự do tư tưởng.
Một là, hiện nay, các phần tử phản động, chống phá tiếp tục sử dụng luận điệu xuyên tạc về tình hình tự do thông tin, tự do Internet, mạng xã hội ở Việt Nam nhằm mục đích chống phá nền dân chủ, kích động, chia rẽ trong xã hội, tạo cớ để các thế lực bên ngoài can thiệp vào nước ta. Chúng cho rằng, ở Việt Nam không có tự do thông tin, tự do mạng xã hội, mạng xã hội bị kiểm duyệt gắt gao…
Như chúng ta đã biết ở Việt Nam, mạng xã hội bắt đầu du nhập vào từ những năm 2000 dưới hình thức các trang nhật ký điện tử (blog). Đến nay, có khoảng hơn 300 trang mạng xã hội khác nhau đã đăng ký hoạt động và có khoảng trên 76 triệu người dùng mạng xã hội. Trong đó, Zalo, Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất vì nhờ có thiết kế thuận lợi cho người sử dụng khi tạo lập tài khoản cá nhân, cũng như những tính năng trao đổi thông tin, bày tỏ cảm xúc, quan điểm cá nhân với những người cùng nhóm, cùng sở thích... nên đã thu hút được nhiều thành viên tham gia. Tiếp sau Zalo, Facebook là các trang My Space, Twitter, các blog… Với cơ chế hoạt động của mạng xã hội có tính chất tương tác cao, “cư dân mạng” dễ dàng chia sẻ những thông tin cá nhân với nhau, nên đã thu hút số người tham gia ngày càng đông, trong đó có giới trẻ. Điều này đã tạo ra những mặt thuận lợi cho mọi thành viên khi tham gia mạng xã hội, đó là có thể chia sẻ cũng như tìm kiếm những thông tin cần thiết phục vụ nhu cầu hoạt động riêng của mỗi người. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin chính thống, bổ ích, có tính giáo dục, còn có các thông tin không chính thống, sai sự thật, xuyên tạc, cổ xúy cho lối sống lệch chuẩn cũng được đưa lên mạng xã hội với các mục đích khác nhau. Thời gian gần đây, tình trạng sử dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vu khống, nói xấu, kích động… diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi, gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và công việc của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ. Mạng xã hội đã và đang trở thành công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng tiến hành phá hoại tư tưởng. Vì vậy, cùng với việc phát triển mạng xã hội, cần phải có sự quản lý để phát huy tốt nhất những mặt tích cực mà mạng xã hội mang lại.
Thực tế, chúng ta đạt được những thành tựu trong phát triển kinh tế như ngày nay, một phần là nhờ chúng ta tận dụng tốt cơ hội từ Internet, chính điều kiện phát triển tự do về Internet và mạng xã hội đã góp phần quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước; điều này đã là “một phần tất yếu” của các tầng lớp xã hội.
Thông qua các trang mạng xã hội, người dân có thể bày tỏ thông tin và chính kiến của mình; không những thế còn có nhiều cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã sử dụng Internet, mạng xã hội để làm việc, giải quyết các thủ tục hành chính và liên hệ trực tiếp với người dân... Những việc đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ ở Việt Nam đã chứng minh rằng ở Việt Nam không có chuyện đàn áp mạng xã hội, mà trái lại còn được Đảng, Nhà nước bảo đảm sự phát triển tự do. Thực hiện quyền tự do Internet, mạng xã hội luôn được đặt trong khung khổ pháp luật. Nhờ đó mới bảo đảm an ninh mạng, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng mạng xã hội, Internet để vi phạm pháp luật Việt Nam. Theo đó, trong thời gian qua, Nhà nước Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: ban hành các văn bản pháp luật (Luật Báo chí năm 2016; Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; Luật An ninh mạng năm 2018; Nghị định số 72/2013/NÐ-CP quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 174/2013/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện; Quy định về những điều đảng viên không được làm…) triển khai công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng có hoạt động lợi dụng Internet, mạng xã hội vi phạm pháp luật. Điều này là hoàn toàn phù hợp và không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện như vậy. Ngay ở Mỹ, quốc gia tự cho mình là “đất nước tự do”, Quốc hội nước này đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm xử lý, ngăn chặn việc lợi dụng Internet, mạng xã hội để khủng bố, kích động bạo lực hay vi phạm sở hữu trí tuệ... Do đó, ở Việt Nam không hề có chuyện đàn áp mạng xã hội, hay tra tấn trái pháp luật bất kỳ blogger nào. Rõ ràng, đằng sau những thông tin bịa đặt đó là âm mưu chính trị của các thế lực thù địch nhằm kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta.
Hai là, chúng ta khẳng định dứt khoát không thể chấp nhận cái “dân chủ” mà các thế lực thù địch muốn áp đặt cho chúng ta. Bởi vì, dân chủ gắn liền với tiến bộ xã hội và sự phát triển của lịch sử dân tộc và đất nước, nền dân chủ mà chúng ta có được hôm nay là một quá trình phát triển, mà kết quả trực tiếp của nó là thông qua đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giải cấp, để giải phóng con người .
Dân chủ là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển đất nước. Vì vậy, chúng ta phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, hoàn thiện hệ thống pháp luật, … là quá trình hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Hoàn toàn sai lầm khi cho rằng, phải có đa nguyên, đa đảng mới có “dân chủ và phát triển”. Xét về mặt lý luận cho thấy dân chủ không đồng nghĩa với đa nguyên, đa đảng mà hoàn toàn phụ thuộc vào bản chất của chế độ xã hội, của giai cấp cầm quyền; do đó, thể chế nhất nguyên một đảng lãnh đạo hoàn toàn không đồng nghĩa với mất dân chủ, kém phát triển. Thực tiễn hiện thực nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay cho thấy, đa đảng nhưng vẫn mất dân chủ, vẫn là nước nghèo, kém phát triển “một Châu Á thì nghèo, một Châu Phi thì đói, một Châu Mỹ la tinh thì nợ nần chồng chất …”. Trong khi, nhiều quốc gia chỉ có một đảng lãnh đạo, nhưng dân chủ được bảo đảm, kinh tế - xã hội phát triển, nhân dân cảm thấy hạnh phúc. Điều đó là bằng chứng hùng hồn, khẳng định đa nguyên, đa đảng không phải là cứu cánh cho dân chủ và sự phát triển.
Ba là, quyền tự do ngôn luận, tự do tưởng của người dân đến đâu hoàn toàn phụ thuộc vào chế độ dân chủ của xã hội đó, không bao giờ tách rời xã hội, được đảm bảo bằng luật pháp, phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước và thông lệ quốc tế. Ở Việt Nam, ngay từ trong cuộc đấu tranh giành độc lập, Mặt trận Việt Minh do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đứng đầu đã giương cao ngọn cờ đòi quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức, tín ngưỡng, đi lại, bác bỏ áp bức bất công của chính quyền thực dân. Khi giành được chính quyền, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 đã hiến định quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng và các quyền tự do khác của công dân. Trải qua các lần sửa đổi, bổ sung, Hiến pháp các năm 1959, 1980, 1992 và gần đây là Hiến pháp năm 2013 luôn nhất quán khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng của công dân.
Như vậy, cả trên phương diện pháp lý và hoạt động thực tiễn, quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng của công dân, tự do báo chí ở Việt Nam đều được thể hiện rõ ràng, luôn gắn với quy định pháp luật, luôn hướng tới mục đích phụng sự nhân dân, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội. Tự do ngôn luận, tự do tư tưởng của công dân, tự do báo chí ở Việt Nam không phải là ngôn luận tự do, báo chí tự do theo ý chí cá nhân, mà là tự do xây dựng vì những mục tiêu tốt đẹp, vì trách nhiệm chân chính với cộng đồng, vì một thể chế chính trị-xã hội của dân, do dân, vì dân.
Các thế lực thù địch dù có tấn công, chỉ trích, chống phá như thế nào cũng không thể thay đổi bản chất tự do ngôn luận, tự do tư tưởng của công dân, tự do báo chí ở Việt Nam. Thực ra đó chỉ là những tiếng nói tiêu cực, lạc lõng của những người cố tình đi ngược chiều với sự phát triển bền vững của đất nước ta, nhân dân ta và của nền báo chí cách mạng đáng tự hào của chúng ta.
Nhận rõ các quan điểm sai trái cho rằng Việt Nam không có dân chủ, nhân quyền, không có tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, đàn áp mạng xã hội và đưa ra các luận cứ khoa học để phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái đó là việc làm cần thiết. Xong đây là một lĩnh vực rộng, liên quan trực tiếp đến mọi mặt của đời sống con người, bởi vậy, hiện nay, Việt Nam đang đang tiếp tục hướng tới mục tiêu đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của người dân, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân, đồng thời chủ động ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn sử dụng vấn đề ”dân chủ, nhân quyền” để chống phá cách mạng Việt Nam.
TS. Nguyễn Thái Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy
|