Công tác dân vận chính quyền > Một số kết quả sau 05 năm thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của

Một số kết quả sau 05 năm thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về ngăn chặn tình trạng vay tiền, mua nợ hàng hóa lãi suất cao trên địa bàn tỉnh

05/10/2023


Thời gian qua, tình trạng cho vay lãi nặng, mua nợ hàng hóa lãi suất cao trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp; qua rà soát, cuối năm 2018, có 859 đầu mối cho vay lãi suất cao. Các đối tượng cho vay dán, phát tờ rơi quảng cáo kèm số điện thoại tại các địa điểm công cộng, khu dân cư để người có nhu cầu liên hệ; mở website cho vay trực tuyến trên mạng Internet, qua mạng xã hội; sử dụng ứng dụng di động (app), icloud; cho vay “trá hình” bằng hợp đồng thuê xe tự lái. Ngoài ra, người đi vay có thể vay tiền mặt hoặc mua nợ vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu…) hay mua nợ hàng hóa phục vụ sinh hoạt (xe máy, gạo, hàng tiêu dùng…).
Thủ tục cho vay đơn giản, nhanh chóng, có thể có hoặc không cần thế chấp, cầm cố tài sản, giấy tờ cho vay không cần người làm chứng, công chứng; các đối tượng thường giữ giấy tờ như giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân, giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ cá nhân… Một số trường hợp thế chấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất để vay tiền. Mức lãi suất vay khoảng từ 10 - 15%/tháng, cá biệt đến 20%/tháng. Đa số lãi suất thỏa thuận bằng miệng giữa người vay và người cho vay, không thể hiện trên hợp đồng, giấy vay nợ; một số trường hợp ghi lãi suất thấp, thực tế thỏa thuận có thể cao gấp nhiều lần. Tình trạng cho vay, mua nợ hàng hóa lãi suất cao dẫn đến nhiều hệ lụy, như: Khi con nợ không có khả năng trả nợ gốc, các đối tượng cho “vay nóng” ép viết giấy nợ, tính lãi rất cao, sau đó ép phải chuyển nhượng nhà cửa, tài sản để trừ nợ hoặc khủng bố tinh thần, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản để buộc con nợ phải trả nợ, nhất là liên quan các nhóm đối tượng hình sự cho vay lãi nặng theo hình thức “tín dụng đen”; trong vùng dân tộc thiểu số, nhiều người mua nợ vật tư, hàng hóa không trả được nợ phải gán đất, bán rẫy, không còn đất canh tác dẫn đến các hành vi lấn, chiếm đất, phá rừng để lấy đất canh tác, tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự.
Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 14-CT/TU, ngày 04/6/2018, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp với tình hình, chức năng, nhiệm vụ của cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương.
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 1382/UBND-NC, ngày 26 tháng 6 năm 2018 về triển khai thực hiện Chỉ thị 14-CT/TU để triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành của tỉnh, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố gắn với việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và chuyên đề phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Các sở, ban, ngành của tỉnh, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ban hành chương trình hành động, nghị quyết chuyên đề, kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng vay tiền, mua nợ hàng hóa lãi suất cao theo chức năng, nhiệm vụ; đồng thời, tổ chức thực hiện tốt chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã  hội, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Gia Lai lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, mở rộng mạng lưới ngân hàng, thành lập mới 06 phòng giao dịch của các chi nhánh ngân hàng thương mại; đến nay, trên địa bàn tỉnh có 33 chi nhánh ngân hàng, với 149 điểm giao dịch. Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Gia Lai tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo chuyển nguồn ngân sách địa phương để ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội tạo nguồn vốn cho vay; đồng thời, tranh thủ nguồn vốn Trung ương mở rộng cho vay, đáp ứng nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách góp phần vào mục tiêu giảm nghèo của địa phương. Triển khai hoạt động hiệu quả 220/220 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn; phối hợp các hội đoàn thể nhận ủy thác, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hộ nghèo, đối tượng chính sách mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách đủ điều kiện, có nhu cầu được tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Triển khai 15 chương trình tín dụng, giúp người dân đầu tư, sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác khuyến nông, hỗ trợ, khuyến khích người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các mô hình phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tạo điều kiện để người dân tiếp cận, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, liên kết chăn nuôi, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, trồng rừng, chăn nuôi gia súc ăn cỏ và nuôi trồng thủy sản. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quảng cáo; phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo liên quan hoạt động cho vay trái quy định của pháp luật. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí, hệ thống thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo; phổ biến cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, các gói, khoản vay ưu đãi để người dân tiếp cận vay vốn, hạn chế “tín dụng đen”; tăng cường các tin, bài phản ánh kết quả phòng ngừa, đấu tranh của các lực lượng chức năng, thông báo phương thức, thủ đoạn, hậu quả của tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen”. Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai các giải pháp đảm bảo thuê bao phát triển mới, thuê bao được chuẩn hóa có thông tin thuê bao theo đúng quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Công an tỉnh tập trung chỉ đạo đơn vị chuyên trách chủ động rà soát, lập danh sách, phân loại các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tài chính, cầm đồ có biểu hiện hoạt động cho vay tiền, mua nợ hàng hóa lãi suất cao và các nhóm đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi theo hình thức “tín dụng đen” để có biện pháp đấu tranh phù hợp. Phối hợp các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh phát động phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc, tổ chức gần 2.500 buổi tuyên truyền nâng cao cảnh giác của người dân đối với hoạt động cho vay, bán nợ hàng hóa lãi suất cao, tích cực đấu tranh, tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật đến cơ quan chức năng với khoảng 212.000 lượt người tham dự; phối hợp xây dựng, đăng tải, phát 150 bản tin tuyên truyền; phát 29.600 tờ rơi tuyên truyền, tranh thủ 424 chức sắc, người có uy tín, già làng, trưởng bản phối hợp tuyên truyền trong giáo dân, vùng dân tộc thiểu số. Lập hồ sơ quản lý nghiệp vụ các nhóm đối tượng có biểu hiện hoạt động cho vay nặng lãi; tổ chức gọi hỏi, răn đe 4.330 lượt đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động “tín dụng đen”. Làm việc, vận động, yêu cầu các đầu mối cho vay viết cam kết không vi phạm lãi suất cho vay theo quy định pháp luật.
Hiện toàn tỉnh còn 444 đầu mối (cá nhân, cơ sở kinh doanh) cho vay lãi suất cao trên địa bàn tỉnh, giảm 48,3% so với năm 2018 (444/859 đầu mối). Các đầu mối cho vay chủ động giảm lãi suất cho vay còn khoảng 3% - 7,5%/tháng để tránh không bị xử lý hình sự; đồng thời, các đối tượng cho vay lãi nặng theo hình thức “tín dụng đen” cũng không còn manh động, công khai phát tờ rơi, quảng cáo tràn lan như trước mà chuyển sang hoạt động âm thầm trong đời sống dân cư, quảng cáo qua mạng xã hội, sử dụng ứng dụng di động… để tránh bị truy xét.
Thời gian tới, để chủ động phòng ngừa, xử lý có hiệu quả tình trạng vay tiền, mua nợ hàng hóa lãi suất cao trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng:
Một là, tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị 14-CT/TU; tăng cường chỉ đạo công tác phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng vay tiền, mua nợ hàng hóa lãi suất cao gắn với thực hiện Kế hoạch số 2188/KH-UBND, ngày 04 tháng 10 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 25 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh.
Hai là, đẩy mạnh xây dựng, thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, an sinh xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; mở rộng chính sách tín dụng, đào tạo, dạy nghề, tạo công ăn, việc làm cho người lao động; đẩy mạnh khuyến nông, nâng cao năng suất lao động, hạn chế tình trạng vay tiền, mua nợ hàng hóa lãi suất cao, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ba là, thường xuyên tuyên truyền phương thức, thủ đoạn, hậu quả của việc vay tiền, mua nợ hàng hóa lãi suất cao, hoạt động cho vay lãi nặng theo hình thức “tín dụng đen”, nhất là lợi dụng không gian mạng hoạt động bằng các hình thức đa dạng, sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân để cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tích cực tố giác kết hợp thông tin về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, các gói tín dụng, khoản vay ưu đãi đến các tầng lớp nhân dân, chú trọng địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế khó khăn.
Bốn là, tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo, nhất là cho vay trực tuyến trên không gian mạng; phối hợp ngăn chặn, bóc gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo, tờ rơi có nội dung cho vay, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Năm là, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Gia Lai lãnh đạo, chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục phát triển mạng lưới ngân hàng, điểm giao dịch, mở rộng thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh tranh thủ nguồn vốn Trung ương, địa phương mở rộng cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo, đối tượng chính sách; phối hợp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận vốn ủy thác, rà soát cho vay bổ sung đối với các hộ có nhu cầu nâng mức vay, hạn chế vay lãi cao ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Sáu là, Đảng ủy Công an tỉnh lãnh đạo Công an tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự. Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp tuyên truyền, vận động người dân, nhất là người dân tộc thiểu số thay đổi ý thức, tập quán sinh hoạt, sản xuất, tiết kiệm trong chi tiêu, tích lũy vốn để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động người dân bài trừ những hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi…, gây lãng phí, tốn kém về vật chất, ảnh hướng đến đời sống người dân.
 

 
Hải Hạnh
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com