|
Quy chế dân chủ ở cơ sở > Gia Lai đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở
Gia Lai đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở 30/06/2023
Với phương châm “Gần dân, trọng dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”, phong trào thi đua Dân vận khéo gắn với thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) của tỉnh Gia Lai huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống người dân.
Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục lãnh đạo, quán triệt các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy về phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo”; chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện Công văn số 468-CV/TU, ngày 14 tháng 7 năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”; Hướng dẫn số 02-HD/BDVTU, ngày 27 tháng 3 năm 2023 của Ban Dân vận Tỉnh ủy về nội dung, tiêu chí, quy trình xây dựng, thủ tục xét công nhận và biểu dương, khen thưởng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”.
Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, các cấp, các ngành chức năng tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển kinh tế làm giàu chính đáng; triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã, giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông sản, góp phần xây dựng nông thôn mới, làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh có 131 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 110 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục triển khai, duy trì và nhân rộng nhiều mô hình “Dân vận khéo”, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia xây dựng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc; xây dựng gia đình, cơ quan, đơn vị, khu dân cư văn hóa, xây dựng hương ước, quy ước thôn, làng; xóa bỏ các hủ tục, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường; thực hiện tốt nếp sống văn minh; khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, thể hiện tính cộng đồng cao.
Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; chủ động nắm tình hình, tham gia giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, không để xảy ra điểm nóng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, phong trào được thực hiện gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vận động nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tham gia góp ý các chính sách pháp luật liên quan mật thiết đến cuộc sống người dân; mở rộng hình thức tiếp xúc cử tri, tăng đồng thuận, mở rộng dân chủ trong xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng đạo đức công vụ, tăng cường tiếp dân, đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc, phức tạp trong nhân dân.
Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã giới thiệu các tập thể, cá nhân điển hình để biểu dương, nhân rộng, tiêu biểu, như: Binh đoàn 15, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các huyện Krông Pa, Chư Pưh, Mang Yang, Ia Grai, Chư Păh và thành phố Pleiku. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng 564 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó 335 mô hình tập thể, 229 điển hình cá nhân. Các mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp hoạt động ngày càng nền nếp, hiệu quả. Ngay từ đầu năm 2023, ban chỉ đạo các cấp đã xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc cơ sở triển khai thực hiện. Các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với công tác dân vận chính quyền; công khai, minh bạch, cầu thị trong tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân.
Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến tích cực tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính. Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số tiếp tục có chuyển biến tích cực. Hiện nay, toàn bộ thủ tục hành chính của tỉnh (1.943) được cung cấp theo dịch vụ công trực tuyến; số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 136, mức độ 4 là 1.069; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số dịch vụ công cung cấp: 61,95%; 17/17 huyện, thị xã, thành phố đã chuyển sang tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả qua bưu điện.
Công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân được duy trì, kịp thời giải quyết nhiều vấn đề đặt ra ở địa phương, cơ sở, tạo sự đồng thuận trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động. Các cơ quan, đơn vị, địa phương duy trì và thực hiện có hiệu quả việc tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, ý kiến kiến nghị của người dân. Nhờ đó, tình trạng bức xúc khiếu kiện đông người, kéo dài, vượt cấp giảm rõ rệt. Cụ thể, toàn tỉnh đã tiếp 1.202 lượt công dân đến phản ánh, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị (giảm 108 lượt công dân so với cùng kỳ năm 2022); đã xác minh, giải quyết xong 33/37 vụ khiếu nại, tố cáo, còn 4 vụ đang xác minh.
Việc thực hiện dân chủ trong các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh được cấp ủy, chỉ huy các đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quan tâm đổi mới tác phong công tác, đảm bảo công khai, minh bạch trong chỉ đạo, điều hành; thường xuyên tổ chức đối thoại dân chủ với cán bộ, chiến sỹ tạo sự đoàn kết, thống nhất trong đơn vị. Việc thực hiện dân chủ được gắn với công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, phòng chống tiêu cực, quan liêu, gây phiền hà với nhân dân.
Nhờ vậy, công tác vận động quần chúng gắn với thực hiện QCDC ở cơ sở là yếu tố góp phần cho sự thành công trong công tác Dân vận khéo của tỉnh Gia Lai. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền ngày càng vững mạnh và tạo mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Ðảng, chính quyền với nhân dân.
Phương Trinh
|