Quy chế dân chủ ở cơ sở > Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong tham gia thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong tham gia thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

07/07/2023


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 17 Liên đoàn Lao động huyện, thị xã, thành phố, 05 công đoàn ngành và tương đương với 1.663 công đoàn cơ sở, trong đó: 1.385 công đoàn cơ sở khối cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; 278 công đoàn cơ sở doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Trong thời gian qua, xác định rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, Liên đoàn Lao động tỉnh đã quan tâm xây dựng kế hoạch và chỉ đạo công đoàn các cấp triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Công đoàn các cấp đã thường xuyên phổ biến, tuyên truyền việc thực hiện QCDC ở cơ sở đến đoàn viên và người lao động bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua Trang thông tin điện tử, trang Facebook, zalo, triển khai lồng ghép trong các cuộc hội thảo, hội nghị, tọa đàm…trọng tâm là tuyên truyền, triển khai thực hiện Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị khóa XI và các Nghị định của Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở, nhất là tuyên truyền, phổ biến Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Hướng dẫn số 41/HD-TLĐ ngày 11/11/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc... Từ năm 2022 đến nay, các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã tổ chức 38 lớp tập huấn, bồi dưỡng công tác đại hội có lồng ghép các nội dung thực hiện QCDC ở cơ sở cho 3.036 cán bộ công đoàn công đoàn cơ sở.
Thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các cấp công đoàn tham gia xây dựng và triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở, tập trung các nhiệm vụ trọng tâm: nâng cao chất lượng hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, hội nghị người lao động; hoạt động Ban Thanh tra nhân dân; tổ chức đối thoại định kỳ, đối thoại khi có yêu cầu và đối thoại khi có vụ việc; chú ý công tác thương lượng, sửa đổi, bổ sung và ký kết thỏa ước lao động tập thể ở khối doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập theo hướng vừa nâng số lượng vừa nâng chất lượng thỏa ước ngày càng có nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động.
Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và chỉ đạo của Đảng đoàn LĐLĐ tỉnh công đoàn các cấp trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động tập trung triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, ngành, đơn vị, như: Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng cấp cơ sở, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; công tác phòng chống dịch Covid-19; các chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, chính sách an sinh xã hội; cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số cạnh tranh của tỉnh, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ đoàn viên, cán bộ công chức, viên chức, người lao động.
Năm 2023, công đoàn cơ sở tham gia phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức đảm bảo chất lượng. Kết quả có 1.385/1.385 (tỷ lệ 100%) công đoàn cơ sở khối cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập đã phối hợp tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức. Nội dung hội nghị tập trung vào việc đánh giá thực hiện kế hoạch năm công tác, thảo luận bàn biện pháp nâng cao hiệu quả công tác, cải tiến lề lối, tác phong làm việc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, người lao động và sửa đổi, bổ sung hoàn thiện nội quy, quy chế trong cơ quan, đơn vị; phát động và ký kết giao ước thi đua. Có 102 bản Quy chế dân chủ ở cơ sở được xây dựng ban hành.
Có 161/220 doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên có công đoàn cơ sở đã tổ chức hội nghị người lao động, đạt tỷ lệ 73,18%, trong đó có 16/16 doanh nghiệp nhà nước (tỷ lệ 100%) và 145/204 doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (tỷ lệ 71%).
Công tác thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể được các cấp công đoàn tích cực triển khai, Liên đoàn lao động tỉnh tổ chức 6 lớp tập huấn về kỹ năng đàm phán, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể cho 228 cán bộ công đoàn. Hiện nay, có 217/278 doanh nghiệp (có công đoàn cơ sở) có thỏa ước lao động tập thể, đạt tỷ lệ 78%. Việc đối thoại tại nơi làm việc được quan tâm, có 161 đơn vị, doanh nghiệp tổ chức đối thoại tại nơi làm việc với người lao động. 
Chất lượng hội nghị người lao động và các cuộc đối thoại định kỳ được nâng lên, đã phát huy quyền dân chủ của người lao động, nhờ đó người lao động được hưởng các chế độ phúc lợi như tiền thưởng, việc hỗ trợ bữa ăn ca, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại doanh nghiệp…góp phần xây dựng mối quan hệ lao động ngày càng hài hòa, ổn định hơn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các cấp công đoàn tham gia thực hiện QCDC  ở cơ sở vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về QCDC ở một số cấp ủy, cơ quan, doanh nghiệp chưa thường xuyên, kịp thời; nội dung của quy chế thực hiện dân chủ cơ sở của một số cơ quan, doanh nghiệp còn chung chung, chưa cụ thể, chưa sát với thực tế của đơn vị mình; một số cán bộ công đoàn còn ngại va chạm, chưa mạnh dạn và thiếu chủ động phối hợp trong thực hiện quy chế dân chủ, tổ chức hội nghị người lao động và đối thoại. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân nhiều nơi hiệu quả chưa cao, còn mang tính hình thức.
Để tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong tham gia thực hiện QCDC ở cơ sở thời gian tới, cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tiếp tục tổ chức quán triệt các văn bản của Trung ương, của tỉnh về thực hiện QCDC ở cơ sở, nhất là tuyên truyền, phổ biến, triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ công đoàn, công chức, viên chức và người lao động về dân chủ và thực hành dân chủ. Tiếp tục chỉ đạo công đoàn cơ sở trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phối hợp rà soát, sửa đổi, bổ sung các nội quy, quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cho phù hợp với quy định của pháp luật, gắn việc thực hiện dân chủ cơ sở với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Hai là, tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở doanh nghiệp nâng cao chất lượng phối hợp triển khai, thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc, thông qua việc mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng đàm phán, thương lượng, đối thoại; quy trình thực hành dân chủ ở cơ sở, nghiệp vụ hoạt động Ban thanh tra nhân dân cho đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, nhất là cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đi đôi với việc hướng dẫn, hỗ trợ thương lượng xây dựng, ký kết thỏa ước lao động tập thể ở các công đoàn cơ sở doanh nghiệp vừa thành lập.
Bốn là, tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện QCDC ở các đơn vị, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Chú trọng triển khai giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 138-KH/TU, ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, gắn với triển khai Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.


 
Đình Thoại
|< < 1 > >|


 
 
Copyright © 2014 Ban Dân vận tỉnh ủy Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  
Giấy phép số: 10/GP-STTTT ngày 22 tháng 12  năm 2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 3716046. Email: bandanvangl@gmail.com